Điểm mới cơ bản của Điều tra doanh nghiệp năm 2019

VOVGT - Điều tra doanh nghiệp năm 2019 được thực hiện bắt đầu từ tháng 3/2019, nhằm thu thập thông tin cơ bản phục vụ công tác quản lý

Hiện không ít ngành hàng phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, bị động trong sản xuất.

Theo số liệu của Bộ Công thương, tính đến cuối năm 2018, Việt Nam hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo. Sự đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ chưa đúng mức, dẫn đến hệ quả là không ít ngành hàng phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, bị động trong sản xuất, giá trị gia tăng thấp…

Bên cạnh khó khăn về công nghiệp chế biến – chế tạo, Logistics cũng là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam trong nhiều năm nay. Nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam vẫn đang ở mức cao, tương đương 20.9% GDP. Ước tính, chi phí không chính thức mà các chủ hàng xuất khẩu của Việt Nam phải gánh chịu có thể lên tới 250 triệu USD vào năm 2020.

Ở góc độ nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, chi phí logistics của Việt Nam đang cao nhất thế giới, là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam là nước có xuất siêu nhưng giá trị gia tăng chưa cao. Việc giảm chi phí logistics và phát triển lĩnh vực này là vô cùng quan trọng bởi đây là lĩnh vực bổ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, trong khi đó Việt nam có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng khai thác chưa tốt. TS Võ Trí Thành nêu dẫn chứng:

Bước đầu thì cũng có đôi chút giảm nhưng so với nhiều nước thì chi phí logistics ở Việt Nam cũng vẫn rất cao. Thì như vậy chúng ta cần học hỏi, cần nhìn nhận để tận dụng được các chuỗi logistics ở các khu vực mà Việt nam tham gia thương mại đầu tư nhiều, để làm sao hình thành được logistics cho Việt Nam hiệu quả, cho cả DBN tham gia vào lĩnh vực này, cho cả việc tối ưu hóa các chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN Việt Nam…

Trước những khó khăn đang tồn tại của nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ và logistics, yêu cầu đánh giá thực trạng doanh nghiệp trong các lĩnh vực này đang được Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách đặc biệt quan tâm trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới. Đây cũng là mục tiêu trọng tâm của cuộc Điều tra doanh nghiệp 2019 thực hiện bởi Tổng cục thống kê diễn ra từ ngày 1/3-19/5/2019. Ông Nguyễn Huy Minh, Vụ Phó vụ Thống kê công nghiệp cho biết thêm về nội dung của cuộc điều tra doanh nghiệp năm nay:

Điều tra doanh nghiệp năm 2019 thu thập thông tin đánh giá thực trạng về công nghiệp hỗ trợ tập trung vào 5 ngành, cụ thể ngành da - giầy, dệt- may, điện tử, cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô và ngành công nghệ cao. Thu thập thông tin về chi phí dịch vụ Logistics đối với doanh nghiệp có hoạt động dịch vụ logistics như hoạt động hoạt động vận tải, kho bãi, giao nhận, thủ tục hải quan, bưu chính, chuyển phát.

Bên cạnh thu thập thông tin cơ bản phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển doanh nghiệp của quốc gia, kết quả điều tra dùng để tổng hợp các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, các chỉ tiêu trong báo cáo chính thức năm của ngành Thống kê và là nguồn thông tin cơ bản để xuất bản "Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020”.

Đối tượng điều tra của cuộc Điều tra doanh nghiệp năm 2019 bao gồm: Các doanh nghiệp được thành lập và chịu sự điều tiết bởi Luật Doanh nghiệp; Hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã và các doanh nghiệp được thành lập, chịu sự điều tiết bởi các Luật chuyên ngành như Luật Bảo hiểm, Luật Chứng khoán… hoạt động sản xuất kinh doanh trước thời điểm 01/01/2019 hiện đang hoạt động; Các cơ sở sản xuất kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp. Nội dung thông tin điều tra gồm: Các thông tin về lao động, giá trị tài sản, nguồn vốn, sản phẩm dở dang, thành phẩm tồn kho; Các thông tin thu thập theo thời kỳ như: Kết quả sản xuất kinh doanh, sản phẩm, chi phí, thuế… sử dụng số liệu chính thức của cả năm 2018. Riêng đối với công tác thu thập thông tin về dịch vụ Logictics, TCTK tiến hành điều tra mẫu tại 15 tỉnh/thành phố có nhiều DN Logistics hoạt động.

Do tính chất phức tạp của nội dung điều tra và trình độ của cán bộ kế toán, thống kê cũng như ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị điều tra khác nhau, nên Chương trình sẽ áp dụng 3 phương pháp thu thập số liệu gồm: thu thập trực tiếp; thu thập gián tiếp; thu thập qua bảng hỏi điện tử. Theo kế hoạch, tháng 10/2019 sẽ công bố kết quả tổng hợp nhanh điều tra doanh nghiệp; tháng 12/2019 sẽ công bố kết quả đầy đủ điều tra doanh nghiệp.