'Điếc không sợ COVID' thì bao giờ hết dịch?

Tâm lý lơ là, chủ quan, thiếu hiểu biết, thậm chí là liều lĩnh coi thường tình mạng của bản thân và của cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh của một bộ phận người dân là có thật! Điều này càng khiến cho dư luận xã hội cảm thấy bất an.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

 

Nhiều nam thanh niên vẫn tổ chức bay lắc khi dịch đang căng thẳng

Trong khi cả nước đang phải gồng mình “đánh giặc” COVID-19, một nhóm thanh niên gồm 12 nam, nữ vẫn tổ chức bay lắc, sử dụng ma túy tại một quán karaoke ở Ninh Giang, Hải Dương, bất chấp lệnh cấm tụ đông người để phòng chống dịch bệnh và chỉ đạo về việc dừng các hoạt động vui chơi, giải trí. Đáng ngại hơn, dịch bệnh COVID-19 tại địa phương này vẫn đang ở mức báo động.

Còn tại Thủ đô Hà Nội, mặc dù thành phố đã yêu cầu người dân không được tụ tập quá 30 người, nhưng tại Phủ Tây Hồ vẫn đông nghịt người đến lễ bái ngay trong ngày đầu tiên của tháng “cô hồn”. Đáng nói, địa bàn Tây Hồ cũng là nơi có ca mắc COVID-19.

Mới đây nhất, và cũng là “hót” nhất, đó là sự việc một phó Chủ tịch phường ở TP. Đông Hà (Quảng Trị) đang thuộc diện F1, nhưng vẫn tổ chức sinh nhật trong khu cách ly. Thậm chí, vị “quan phường” này còn rủ cả vợ đang điều trị COVID-19 (trong diện cách ly đặc biệt) để sang chụp ảnh cùng.

Mặc dù cả 3 vụ việc này đều được chính quyền sở tại xử lý theo mức độ vi phạm cụ thể và theo đặc thù dịch bệnh của từng địa phương. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, tâm lý lơ là, chủ quan, thiếu hiểu biết, thậm chí là liều lĩnh coi thường tình mạng của bản thân và của cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh của một bộ phận người dân là có thật! Điều này càng khiến cho dư luận xã hội cảm thấy bất an.

Dân gian thường có câu “điếc không sợ súng”. Nếu hiểu theo nghĩa đen, có nghĩa là người bị điếc thì tiếng súng không thể làm họ giật mình. Còn hiểu nghĩa bóng thì ý rằng, người chưa biết sự việc đó hoặc chưa từng trải qua nỗi sợ hãi đó thì không biết sợ, họ vẫn làm và không quan tâm tới hậu quả.

Câu thành ngữ này càng đúng hơn khi đặt trong bối cảnh cả thế giới phải chao đảo với đại dịch COVID-19 mà chưa biết đến bao giờ mới hết dịch? Còn ở Việt Nam, thì từ trẻ con đến người già ai ai cũng cũng biết viruS Sars-Cov-2 nguy hiểm đến tính mạng như thế nào? Và dù có là ai, thành phần xã hội nào cũng có thể bị nhiễm loại virus này nếu như không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng; có tâm lý lơ là, chủ quan, coi thường dịch bệnh.

Vì vậy mọi người hãy nhớ, đừng có mà “điếc không sợ covid” nhé?

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: