Đi đường, quần hay váy?

Ở nhiều nước, việc đi mô tô xe máy luôn kèm theo cả một bộ đồ bảo hộ để bảo vệ đầu, vai, khuỷu tay, đầu gối..., chứ không chỉ có mỗi chiếc mũ bảo hiểm. Trong khi ở ta, trang phục được lựa chọn lại là để phù hợp với không gian điểm đến, chứ không phải cho chuyến đi.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Mô tô, xe máy vẫn đang chiếm tỉ trọng lấn án trên đường phố nước ta. Trong dòng người vội vã trở về, vội vã ra đi, bạn có thể bắt gặp những cô gái trẻ làm tóc bồng bềnh, đội hờ một chiếc mũ bảo hiểm 30 nghìn đồng mua vội ngoài vỉa hè, cho “nhẹ đầu” và đỡ hỏng kiểu tóc.

Bạn có thể gặp một viên chức văn phòng đi xe máy mặc bộ đầm bó sát, loay hoay lúc lên xuống, khép nép lúc điều khiển, hoặc lòe xòe gặp cơn gió bất ngờ thì phải buông một tay giữ váy.

Bạn cũng có thể nhìn thấy bất cứ đâu, sáng sớm đi làm, các chị các em đã thi nhau trùm kín mít trong những bộ chống nắng liền thân, chân đi giầy cao, gót nhọn. Nhỡ có tình huống bất ngờ nghiêng xe tránh né hoặc chống chân, khả năng gần như 100% là ngã!

Kinh tế khá giả, nhiều chị em cũng muốn sắm chiếc xe 2 bánh tốt một chút để đi, vừa gầm cao máy khỏe, vừa tôn dáng. Nhưng trớ trêu thay, những chiếc xe ga quá khổ này có vẻ không dành cho phụ nữ chân yếu tay mềm. Ngay cả người không thấp bé nhưng lực tay chân yếu, thì việc dắt xe, chống chân khi nghiêng xe cũng rất nhiều rủi ro.

Ảnh nh họa

Với anh em, dù quần áo không phải là vấn đề, nhưng chuyện mũ bảo hiểm cũng tương tự. Rồi thì, vì thích một giao diện trông thật khỏe, thật gọn, họ thường vặt hết gương mô tô xe máy. Muốn quan sát phía sau hoặc hai bên, đương nhiên chỉ còn cách vươn “cần” cổ.

Ở nhiều nước, việc đi mô tô xe máy luôn kèm theo cả một bộ đồ bảo hộ để bảo vệ đầu, vai, khuỷu tay, đầu gối và các phần trọng yếu của cơ thế, chứ không chỉ có mỗi chiếc mũ bảo hiểm. Và đó được coi là trang phục cần thiết, phù hợp khi tham gia giao thông bằng những phương tiện này.

Trong khi ở ta, trang phục được lựa chọn khi đi mô tô xe máy lại là để phù hợp với không gian điểm đến, chứ không phải cho chuyến đi.

Ngay cả các ông bố bà mẹ, ngày hai chiều phải đưa đón con, nhưng rất ít người chịu sắm đai, sắm ghế ngồi cố định, hoặc trang bị hộp chứa đồ cho con, mà sẽ đeo, cài, móc khắp xung quanh. Những đứa trẻ sẽ ngồi hoặc đứng tạm ở phần trước yên xe, hoặc vắt vẻo phía sau tự bám vào cha mẹ.

Tuyệt đối không có gì đảm bảo an toàn cho chúng nếu chẳng may có va chạm và bị ngã, bị hất văng. Tất cả cũng chỉ vì người lớn ngại vướng, ngại xấu, ngại trông quê mùa, kém sành điệu.

Hơn 70% số vụ TNGT ở nước ta liên quan đến mô tô, xe máy. Ai cũng sợ tai nạn, ai cũng biết mình có thể trở nên xấu xí hơn rất nhiều nếu gặp thương tích tai nạn giao thông, và còn tệ hơn thế nữa. Nhưng, nỗi sợ dường như chưa chuyển hóa thành bản năng giữ gìn an toàn, và ưu tiên an toàn trên hết.

Cái đẹp của chuyến đi trước hết là ở sự an toàn, và cách bạn ứng xử văn hóa khi đi đường, chứ không ở chiếc xe hay bộ đồ hợp mốt.

Vậy nên, thật phi lý nếu chỉ chăm chăm xem mình “trông thế nào” khi di chuyển, khi xuất hiện ở điểm đến, mà xem nhẹ việc “đi thế nào” . Bởi rõ ràng, bạn cần đến đích một cách lành lặn đã, rồi muốn trông thế nào thì trông!