Đến 2030 trên 80% người dân trung tâm Hà Nội có thể tiếp cận xe buýt?

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND về phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, giai đoạn từ năm 2021 đến 2030. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, khoảng 80-90% người dân khu vực trung tâm có thể

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Mạng lưới xe buýt đã đáp ứng được khoảng 16,08% nhu cầu đi lại của nhân dân.

Hà Nội là địa phương sở hữu mạng lưới xe buýt lớn nhất cả nước với 122 tuyến xe buýt đảm bảo bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn thành phố. Hiện nay, vận tải hành khách công cộng, tuy chưa đạt như kỳ vọng, nhưng mạng lưới xe buýt đã đáp ứng được khoảng 16,08% nhu cầu đi lại của nhân dân.

Thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 3.800 điểm dừng xe buýt (trong đó 361 điểm dừng xe buýt có nhà chờ), phục vụ hoạt động của 127 tuyến và nhánh tuyến xe buýt. Trung bình, cứ 1,1km2 lại có một điểm dừng. Nếu phân theo khu vực, trong nội thành, tỷ lệ người dân tiếp cận xe buýt với cự ly dưới 500m đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, tại ngoại thành, con số này thấp hơn nhiều, chỉ đạt khoảng 30%.

Liên quan đến tính khả thi của mục tiêu sẽ có từ 80-90% người dân tại khu vực trung tâm thành phố có thể tiếp cận sử dụng xe buýt trong phạm vi 500m vào năm 2030, chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng không dễ thực hiện bởi hiện thành phố có nhiều tuyến phố hẹp, nhiều khu dân cư xe buýt không thể đi vào được: “Hà Nội có nhiều phố cổ, mặt cắt đường 6m, 7m, 11m còn rất nhiều, những phố rộng ít và các khu tập thể nhiều khi rất hẻo lánh, nhiều phố hẹp, cho nên việc mà tiếp cận xe buýt trong phạm vi 500m rất khó khăn”.

Trong khi đó, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng việc Hà Nội đặt ra những mục tiêu về phát triển vận tải công cộng về tổng thể là rất cần thiết bởi hiện nay, vấn đề ùn tắc, ô nhiễm không khí, tai nạn giao thông đang trở thành nỗi bức xúc của xã hội, mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc người dân quá lệ thuộc vào phương tiện vận tải cơ giới cá nhân.

Do đó, việc phát triển các phương tiện vận tải công cộng như xe buýt, xe buýt nhanh, đường sắt đô thị là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như kỳ vọng, phụ thuộc rất nhiều vào cái cách thức tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng của thành phố.

“Tôi nghĩ rằng đặt vấn đề câu hỏi là có khả thi không thì có lẽ chúng ta phải xem lại những kế hoạch chi tiết của thành phố Hà Nội. Để đạt được mục tiêu như vậy, từng năm, sẽ làm cái gì, các kế hoạch đó đã được phê duyệt chưa, phê duyệt thì có vốn chưa, có tiền, có người làm chưa, ai là người chịu trách nhiệm vấn đề đó, nếu như không làm thì có bị xử lý trách nhiệm hay không và  chỉ tiêu gì để chúng ta giám sát tiến độ đó hằng năm. Nếu như tất cả những vấn đề đó được làm rõ ràng thì tôi tin rằng kế hoạch khả thi”, TS Trần Hữu Minh nêu ý kiến.

C​​ần đầu tư phương tiện hiện đại, đảm bảo tính đúng giờ và nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút người dân.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, để nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, bên cạnh việc tạo điều kiện tiếp cận xe buýt dễ dàng, thuận tiện thì việc quy hoạch mạng lưới tuyến buýt là vô cùng quan trọng, không chỉ nỗ lực “phủ trắng” xe buýt toàn thành phố mà cần phân bổ số lượng chuyến buýt hợp lý dựa trên mật độ hành khách của mỗi khu vực, có như vậy mới tăng tính hấp dẫn của xe buýt. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư phương tiện hiện đại, đảm bảo tính đúng giờ và nâng cao chất lượng phục vụ.

“Theo tôi, những chỉ tiêu đó nếu làm tốt thì mới thu hút được người dân chứ không phải chỉ có cự ly bến xe với đích đến là quan trọng nhất. Các biện pháp tổng hợp, phải đồng bộ, phải kịp thời. Và quan trọng nhất là gì là đi đến đúng giờ thì nhiều người sẽ giảm bớt về cá nhân, lựa chọn đi xe buýt cũng xe công cộng nói chung”, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết.

Hi vọng, với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, Hà Nội sẽ sớm xây dựng được một mạng lưới vận tải hành khách công cộng hiện đại, văn nh và thuận tiện, thu hút được nhiều người dân, từ đó hạn chế phương tiện cá nhân, tiến tới giải quyết được vấn nạn ùn tắc và ô nhiễm môi trường đang nhức nhối hiện nay.