Đề xuất đúc tượng rùa vàng 10 tấn ở Hồ Gươm

VOVGT - Theo đề án, tượng rùa hồ Hoàn Kiếm sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 m, cao 3,5 m, nặng khoảng 6-10 tấn đồng.

 

Mới đây, ông Tạ Hồng Quân, một công dân Hà Nội đã trình UBND thành phố Hà Nội đề án chi tiết "đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm" đặt tại hồ Hoàn Kiếm. Theo ý tưởng đề xuất, tượng rùa vàng hồ Hoàn Kiếm sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 mét, cao 3,5 mét và có trọng lượng khoảng 6-10 tấn đồng.

Có hai phương án đặt rùa: Một là tại ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng, hai là đặt tại vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn. Thời gian thực hiện tượng rùa mất khoảng hai năm. Kinh phí huy động xã hội hoá. Ông Tạ Hồng Quân cho biết, ý tưởng đúc tượng rùa vàng bắt nguồn từ những truyền thuyết lịch sử như rùa vàng giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Lê Lợi sau khi đánh đuổi giặc Minh đã hoàn trả gươm thần cho thần Kim Quy… Vì vậy rùa vàng là biểu tượng linh thiêng với người dân thủ đô nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Nếu đề án được thành phố Hà Nội phê duyệt thì nhóm thực hiện sẽ tổ chức cuộc thi tạo biểu tượng rùa vàng hồ Gươm.

Theo ý tưởng đề xuất, tượng rùa vàng hồ Hoàn Kiếm sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, cá nhân ông ủng hộ ý tưởng này. Thực tế, ý tưởng kể trên được nảy sinh cách đây đã gần chục năm, khi Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Song vào thời điểm đó, vì nhiều lý do chưa triển khai được. Ông Dương Trung Quốc thận trọng, vì ý tưởng được đưa ra đã lâu, thời điểm đó không gian hồ Gươm cũng khác nên không có chuyện gì, nhưng hiện nay không gian này đã thay đổi nhiều, nếu đề án được thực hiện phải điều chỉnh cơ bản.

Đồng quan điểm này, GS, NGND Phan Huy Lê – một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, cho đến bây giờ thì đây vẫn là một ý tưởng đáng trân trọng. Tuy nhiên theo GS Phan Huy Lê, để thực hiện ý tưởng này thành hiện thực thì cần phải nghiên cứu một cách cẩn trọng:

 

GS Phan Huy Lê đánh giá cao những ý tưởng nhằm đóng góp cho Hà Nội nói chung và hồ Hoàn Kiếm nói riêng. Tuy nhiên, khi đưa bất kỳ cái mới nào vào không gian này cũng cần phải xem xét trong tổng quan chung. Theo đó, trước khi thực hiện thì cần phải nghiên cứu kỹ xem nên làm thế nào, đặt chỗ nào và đặc biệt phải được sự đồng tình của người dân.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng cho rằng, nếu đề xuất này được thành phố chấp thuận thì nên lấy ý kiến rộng rãi từ người dân về việc đúc tượng rùa vàng. Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm bày tỏ quan điểm:

 

TS Phạm Sỹ Liêm cho biết thêm, với ý tưởng đúc rùa vàng tại hồ Hoàn Kiếm thì nên làm giống với mô phỏng Cụ rùa hiện ngự trong tủ kính ở đền Ngọc Sơn. Còn với kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, trước khi triển khai đề xuất này cần có nghiên cứu tổng thể về cảnh quan hồ Gươm, thêm vào đó là sự sắp xếp bố cục. Ngoài ra, cần phải xác định rõ dựng tượng rùa vàng với mục đích là để trở thành tác phẩm nghệ thuật hay mang tính chất tâm linh. Do đó, theo kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, điều đáng lo ngại nhất hiện nay khi thực hiện đề xuất này đó là quá trình đúc hình cụ rùa bởi từ ý tưởng đến vật chất hóa không phải là điều đơn giản. Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức chia sẻ:

 

Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức cho biết thêm, việc dựng tượng rùa vàng tại vị trí đặc biệt như Hồ Gươm dù là làm từ nguồn kinh phí nào cũng là việc cần cân nhắc và bàn thảo kỹ lưỡng. Bởi với số kinh phí này có thể sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề còn tồn đọng xung quanh Hồ Gươm.