Đề xuất chiến lược vận hành phương tiện sử dụng năng lượng sạch

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác Quý II/2022, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sẽ đẩy nhanh việc nghiên cứu, đề xuất chiến lược vận hành phương tiện sử dụng năng lượng sạch làm cơ sở triển khai kế hoạch phát triển xe buýt đến năm 2030.

Ảnh nh họa

Ngày 15/4, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội có báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong Quý I/2022 và triển khai công tác trọng tâm Quý II/2022.

Nội dung bản báo cáo của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội nêu rõ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, xe buýt phải giảm 50% tần suất hoạt động với thời gian quy đổi ước tính chiếm khoảng một nửa Quý I dẫn đến sản lượng chuyến lượt bằng 75,3% kế hoạch, doanh thu bán vé được phân bổ ước đạt 23,4% kế hoạch (bằng 72,4% cùng kỳ năm 2021).

Doanh thu toàn Tổng công ty ước đạt bằng 88% kế hoạch (giảm trên 17% so với cùng kỳ năm 2021). Hiệu quả bằng 49% kế hoạch (giảm 43% so với cùng kỳ).

Kết quả hợp nhất các lĩnh vực ngoài buýt mặc dù vẫn khó khăn nhưng cơ bản giữ được ổn định và bảo toàn vốn, riêng lĩnh vực buýt sẽ đảm bảo cơ bản yêu cầu bảo toàn vốn nếu doanh thu bán vé xe buýt được điều chỉnh do nguyên nhân khách quan.

Trong Quý I/2022, với lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã tập trung rà soát, đề xuất điều chỉnh biểu đồ hoạt động các tuyến, lộ trình các tuyến theo hướng hợp lý hóa, giảm ùn ắc giao thông, mở rộng vùng phục vụ và tăng kết nối mạng lưới;

Đồng thời, chủ động phối hợp, đề xuất cơ quan quản lý nhà nước khắc phục các tồn tại, bất cập về hạ tầng tại các điểm dừng đỗ; Xây dựng biểu đồ, tần suất chạy xe theo các kịch bản linh hoạt phù hợp với bối cảnh dịch bệnh, sẵn sàng thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo của Thành phố.

Đối với các tuyến buýt kinh doanh, 2 tuyến buýt sân bay số 68 và 86 đã hoạt động trở lại, tuy nhiên sản lượng chuyến lượt thấp, chỉ bằng 20-30% giai đoạn bình thường, tỉ lệ khách bình quân cũng chỉ đạt 6,5 – 6,8 khách/ lượt. Tuyến buýt Citytour đã khôi phục trở lại, tuy nhiên sản lượng chuyến lượt và doanh thu chỉ đạt chưa đến 20% so với cùng kỳ năm 2020. 

Do ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng cao dẫn đến giá của các loại hình dịch vụ, hàng hoá tăng theo, hai tuyến buýt kinh doanh cũng đã thực hiện tăng giá vé từ ngày 15/3/2022.

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác Quý II/2022, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và thực hiện tốt chất lượng dịch vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng trong tình hình mới, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19;

Chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản điều chỉnh dịch vụ phù hợp với diễn biến tình hình, đảm bảo công tác phân công lao động, tổ chức sản xuất hiệu quả tại các đơn vị.

Đẩy nhanh việc nghiên cứu, đề xuất chiến lược vận hành phương tiện sử dụng năng lượng sạch làm cơ sở triển khai kế hoạch phát triển xe buýt của Tổng công ty đến năm 2030.

Đối với lĩnh vực hạ tầng vận tải, các đơn vị hạ tầng sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp cải tiến quản lý điều hành, xử lý nghiêm các vi phạm, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, xây dựng hình ảnh thương hiệu, thu hút khách hàng, kiểm soát doanh thu chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Thành phố vừa phê duyệt Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó các bến xe liên tỉnh các bến xe khách, xe tải liên tỉnh được quy hoạch bố trí trên các trục hướng tâm tại cửa ngõ giao với Vành đai 4. Các bến xe khách liên tỉnh hiện tại (ngoại trừ Bến xe Yên Nghĩa) tạm khai thác sử dụng như hiện nay và sẽ được thay thế bằng các bến xe mới theo quy hoạch.

Đây là những nguy cơ tác động đến ổn định và phát triển các đơn vị bến xe. Vì vậy, các đơn vị bến xe cần sớm có kế hoạch ứng phó, đẩy mạnh nghiên cứu đa dạng hoạt động để đảm bảo giữ ổn định trong hiện tại và thời gian tới.