ĐBSCL: Nắng nóng kéo dài, chỉ sơ xuất cũng thành thảm họa cháy rừng

Nắng nóng kéo dài đến cuối tháng 3 khiến nhiều diện tích rừng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chuyển sang báo cháy cấp V, cấp cuối cùng và cao nhất trong thang cảnh báo cháy rừng. Ở mức này, chỉ sơ suất nhỏ cũng có thể thành thảm họa cháy rừng.

Hiện diện tích rừng U Minh Hạ ( Cà Mau) còn 43 nghìn hecta. Công tác phòng, chống cháy rừng ở đây được Chi cục Kiểm lâm Cà Mau triển khai từ tháng 11 năm trước đến hết mùa mưa năm sau.

Đến khu bảo tồn sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu rộng 380 hecta giữa tiết trời tháng 4 oi bức, chỉ tàn thuốc lá sơ xuất cũng đủ “châm ngòi” bén lửa. Khu bảo tồn có đến 60.000 cá thể chim, cò…150 loài động vật, 109 loài thực vật, tạo nên một quần thể đa dạng sinh học rất độc đáo. Đây là Khu bảo tồn nằm trong nội ô thành phố, nếu để xảy ra sự cố, thiệt hại kinh tế không thể nào đong đếm được.

Ban Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển Bạc Liêu đã lấy nước theo triều cường dự trữ vào các kênh mương phục vụ chữa cháy khi cần thiết và tăng độ ẩm cho rừng.

Ông Trần Minh Hải – Phó Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng phòng hộ huyện Hòa Bình được tăng cường theo dõi dự báo cháy rừng tại Khu bảo tồn Vườn chim Bạc Liêu cho biết: “Trong tháng cao điểm, cấp báo cháy cấp IV, V thì thì lực lượng có 8 người thay phiên trực 24/24. Giờ lên thang trực từ 9h đến 17h. Quan sát toàn khu vực, thấy những điểm ngoài vùng đệm mà đốt cháy là phải đến đó ngay để xử lý, hạn chế việc đám cháy từ bên ngoài cháy lan vào bên trong”.

Người dân ĐBSCL không thể nào quên được trận cháy rừng lịch sử vào mùa khô 2002, thiêu rụi toàn bộ 10.000 hecta rừng tràm U Minh Thượng - U Minh Hạ (thuộc 2 tỉnh Kiên Giang- Cà Mau), tiêu diệt gần như toàn bộ động vật, thực vật trong vùng bị cháy và nhiều cánh rừng nguyên sinh.

Hiện tại, diện tích rừng U Minh Hạ còn 43.000 hecta, trong đây có 22.000 hecta bị khô hạn, 3.000 hecta cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV, phần còn lại là mức độ cảnh báo cấp III. Cà Mau đang thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Ông Lê Văn Hải – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết: "Khâu đắp đập giữ nước đã làm từ tháng 10 năm trước, sên dọn kênh mương, xây dựng lực lượng, sữa chữa các thiết bị đã xong. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đang triển khai 03 lớp tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng ở cơ sở”.

Vườn Chim Bạc Liêu năm nay có nhiều loài quay trở lại làm tổ sinh sản. Công tác phòng chống cháy rừng tại đây cũng được giám sát chặt vì đây là vườn chim nằm trong lòng thành phố. Nếu cháy, thiệt hại rất lớn.

Nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao như: Vườn Quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang); Vườn Quốc gia Tràm Chim ((Đồng Tháp), Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang) cũng được các địa phương dự báo cấp độ cháy nguy hiểm, đồng thời đã xây dựng phương án để phòng cháy hiệu quả. Trong đó, công tác tuyên truyền rất quan trọng, nhằm hình thành ý thức giữ rừng đối với các hộ gia đình sống quanh vùng đệm.

Ông Trần Bình Lộc – Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển Bạc Liêu cho rằng: “Chỉ cần người dân sơ xuất gạt 1 cái tàn thuốc là cũng có thể xảy ra cháy, cực kỳ nguy hiểm, nên lực lượng phải trực 24/24, các phương tiện chữa cháy hàng tuần phải đem ra khởi động”.

ĐBSCL có khoảng 347.500 hecta rừng các loại. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng tràm, rừng ngập mặn ven biển, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới, vườn chim, sân chim tự nhiên... ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng... có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ cân bằng môi trường sinh thái toàn khu vực, phát triển du lịch sinh thái. Vì vậy, đối với người dân ĐBSCL, rừng là mạch sống, cháy rừng là thảm họa.

Từ năm 2008, Nhà nước có chủ trương thu hồi lại diện tích giao khoán rừng trước đây, tiến hành giao khoán lại với định mức mới, người dân được 40% lợi nhuận từ nguồn thu lâm sản phụ. Các mô hình kinh tế đang nảy nở trên diện tích rừng cho phép giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống nên người dân càng cần phải ý thức cao trong quá trình sinh hoạt để bảo vệ rừng trong tiết trời nắng nóng hiện nay./.