Dán quảng cáo ở cột điện có thể bị phạt 2 triệu đồng

Chuyện tờ rơi được phát bừa bãi, rơi đầy ngã ba, ngã tư hay quảng cáo dán lung tung, chồng chất lớp này lên lớp khác trên cột điện, cột đèn, chân cầu vượt, tường của các công trình công cộng dường như đã trở thành… chuyện thường ngày.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Để hạn chế, tiến tới chấm dứt hành vi phát, dán tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, có hiệu lực từ 1/6/2021.

PV VOVGT có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc văn phòng Luật Phạm Danh về vấn đề này:

PV: Trước đây, chúng ta cũng đã có quy định về xử phạt những hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột đèn giao thông… Vậy quy định mới trong Nghị định 38/2021 có điểm gì khác so với quy định cũ?

Luật sư Thành Tài: Theo quy định mới của Nghị định 38, vẫn quy định về mức xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng. 

Tuy nhiên, đã loại trừ một số những hành vi như treo biển hiệu, biển quảng cáo trên đất của đường bộ; những hành vi sử dụng trái phép lòng đường, đô thị, hè phố; dựng biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Ngoài ra thì tại Nghị định 38/2021 cũng quy định hành vi treo, đặt, dán, vẽ sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, kể cả những trường hợp mà không in, đặt số điện thoại thì vẫn cứ bị xử phạt như những trường hợp khác.

PV: Để quy định này được thực hiện một cách có hiệu quả, theo luật sư, các cơ quan chức năng cần lưu ý những vấn đề gì?

Luật sư Thành Tài: Các cơ quan quản lý cần tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến quảng cáo và các quy định về xử phạt vi phạm. Vấn đề thứ hai, cần phải triển khai lập và xây dựng các bảng dán quảng cáo riêng, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân.

Đặc biệt, phải thiết lập các đường dây nóng để người dân có thể nhanh chóng thông báo cho các cơ quan để sớm xử lý theo quy định, phải xử lý thật nghiêm khắc đối với các đối tượng để răn đe cho những người khác.

Các lực lượng chức năng cũng cần phải có những lực lượng chuyên biệt, thường thường xuyên tuần tra để có thể kịp thời phát hiện vi phạm.

PV: Xin cảm ơn luật sư

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: