“Cú hích” đáng kỳ vọng cho du lịch Thủ đô

“Phục hồi” là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong các Hội nghị du lịch gần đây, trong bối cảnh du lịch Việt Nam mở cửa sớm, nhưng lại “đi trước về sau”. Lễ hội du lịch Hà Nội 2023 được kỳ vọng như một cú bật nhảy, đánh dấu sự trở lại của du lịch Thủ đô.

Lễ hội du lịch Hà Nội 2023 diễn ra trong bối cảnh khó khăn của ngành du lịch Việt Nam khi mở cửa sớm nhưng lại 'đi trước về sau', lượng khách quốc tế vẫn chưa thể phục hồi

Giữ chân du khách bằng những câu chuyện di sản

Các hoạt động trong Lễ hội du lịch Hà Nội 2023 vừa được Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch thành phố công bố, với quyết tâm cao của các thành viên ban tổ chức và đơn vị đồng hành.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội thừa nhận, với một thành phố khổng lồ về diện tích lẫn số lượng di tích, làng nghề, tiềm năng để Thủ đô giữ chân du khách và thu hút họ trở lại vẫn rất lớn.

Mấu chốt là cần lồng ghép các điểm đến với những câu chuyện văn hóa, di sản, có sự kết nối xuyên suốt từ những địa điểm ở Hà Nội với nhau và với các tỉnh, thành phố lân cận để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, chạm vào tình cảm của du khách thập phương.

Chính vì vậy, năm nay, ban tổ chức Lễ hội đã lấy chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch” làm điểm nhấn.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội, nhấn mạnh, Thủ đô cần những sản phẩm du lịch gắn với câu chuyện văn hóa, di sản có kết nối với điểm đến ở các địa phương lân cận

Ông Nguyễn Hữu Việt – Trưởng Phòng Xúc tiến du lịch, Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội – nhấn mạnh, điểm nổi bật trong chuỗi chương trình năm nay nằm ở khu vực trước tượng đài Lý Thái Tổ, nơi đặt mô hình các di sản Hoàng thành Thăng Long – Chùa Vĩnh Nghiêm – Tây Yên Tử (ở Bắc Giang) và Di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh).

Du khách sẽ được trải nghiệm không gian cả mô hình lẫn thực tế, bởi các công ty lữ hành đã có sẵn các tour du lịch phục vụ. Đương nhiên, việc ra mắt tour du lịch mới này đã được tư vấn kỹ từ các chuyên gia, nhà khóa học, và đòi hỏi các đơn vị lữ hành phải liên tục tìm tòi, sáng tạo và hoàn thiện sản phẩm, nhằm vừa giữ gìn, bảo tồn, vừa phát huy giá trị của các di sản.

Ông Nguyễn Hữu Việt – Trưởng Phòng Xúc tiến du lịch, Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội – giới thiệu chuỗi hoạt động tại Lễ hội văn hóa du lịch Hà Nội 2023 từ các ngày 23 đến 26-3.

Chuỗi hoạt động đậm dấu ấn Thủ đô

Lễ hội du lịch Hà Nội 2023 sẽ được mở màn bằng Hội nghị về phát triển sản phẩm du lịch di sản và các sản phẩm du lịch mới vào ngày 23/3/2023. Sau đó 1 ngày là Lễ khai mạc 19h tại vườn hoa đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm; Chương trình Farmtrip “Hành trình di sản” khảo sát tuyến điểm Hoàng thành Thăng Long, Làng gốm Bát Tràng. Ngày 25/3 sẽ diễn ra hoạt động diễu hành xích lô tái hiện nét đẹp đám cưới Hà Nội xưa.

Cùng với đó là các chương trình nghệ thuật biểu diễn hát xẩm, ca trù; gian hàng quảng bá các tour du lịch, ẩm thực, sản phẩm làng nghề như mây tre nón lá Chuông, khảm trai Chuyên Mỹ, sừng Thụy Ứng, sơn mà Hạ Thái, thêu Quất Động…; hoạt động biểu diễn Flashmob. Đáng chú ý là hoạt động trải nghiệm quán bia mậu dịch thời bao cấp, với khuyến cáo hạn chế uống và uống có trách nhiệm từ ban tổ chức.

Lễ hội giới thiệu nhiều điểm đến hấp dẫn từ Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ, tới khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Đường Lâm-Sơn Tây. Ban tổ chức đã huy động và động viên các doanh nghiệp tung ra các sản phẩm kích cầu du lịch, khuyến mại với mục tiêu du khách được tiếp cận dịch vụ với giá thành phải chăng vẫn đảm bảo chất lượng.

Điểm nhấn lớn nhất của Lễ hội năm nay là mô hình trải nghiệm 2 hành trình kết nối di sản thành Cổ Loa và Hoàng Thành-Chùa Vĩnh Nghiêm-Tây Yên Tử tại khu tượng đài Lý Thái Tổ

Không để lễ hội du lịch giống hội chợ thương mại!

Lãnh đạo Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội khẳng định, ban tổ chức hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng các đơn vị, địa phương tham dự lễ hội chỉ nhằm để bán hàng.

Vẫn biết doanh thu tại các lễ hội rất tốt, nhưng mục tiêu chính ban tổ chức nhắm đến là quảng bá văn hóa, di sản, sản phẩm du lịch. Các sản phẩm đặc sản địa phương nếu được bán, cần gắn với những câu chuyện văn hóa, di sản ở chính vùng đất đó.

Do đó, với quy mô 150 gian hàng, sự tham gia của 14 tỉnh, thành phố trên cả nước cùng gần 100 doanh nghiệp, 12 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, Lễ hội năm nay khuyến cáo nên mua bán hàng mang đi, hạn chế sử dụng, ăn uống tại chỗ, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

Ngoài các gian hàng tour du lịch, ẩm thực làng nghề, quầy bia mậu dịch, Lễ hội cũng có hoạt động tái hiện nét đẹp đám cưới xưa Hà Nội bằng xích lô

Một nội dung mà ban tổ chức cho biết có thể cải thiện hơn trong những Lễ hội năm sau, đó là sự thiếu vắng của các cơ sở lưu trú vừa và nhỏ. Đây chính là dịp rất tốt để quảng bá hình ảnh với du khách trong nước và quốc tế, về những khách sạn, homestay vừa và nhỏ.

Dự kiến, ngành du lịch Hà Nội cũng sẽ có các giải pháp quan tâm và hỗ trợ hơn, khuyến khích họ tham gia. Gần nhất sẽ là chương trình roadshow, giới thiệu tại Hội chợ ITE, VITM phối hợp với các doanh nghiệp giới thiệu các điểm đến, mời các cơ sở lưu trú ở Hà Nội tham gia cùng.

Với sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, thẳng thắn nhìn vào những điểm hạn chế từ ban tổ chức để dần cải thiện, nhằm thu hút trở lại lượng khách thời kỳ hậu đại dịch, “Cú hích” Lễ hội du lịch 2023 sẽ rất đáng chờ đợi với ngành du lịch Thủ đô./.