Cơn sốt cho trẻ đi học kỹ năng

Bố mẹ có thể thiếu thời gian, nhưng không nên thiếu thận trọng khi chọn nơi học kỹ năng sống cho con. Và dường như nhiều người quên mất rằng, đến tuổi làm mẹ làm cha, mình cũng đã tích lũy được cả một “kho” kỹ năng sống.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Nhiều lớp kỹ năng sống được mở ra trong dịp nghỉ hè (Ảnh nh họa: Vnexpress)

 

Lười biếng thì chắc không phải, nhưng các bố mẹ bây giờ bận quá, không có thời gian. Mà theo quan điểm của giáo dục hiện đại thì kỹ năng sống ngày càng quan trọng. Các trung tâm dạy kỹ năng sống có ở khắp nơi, giá cả cũng nhiều lựa chọn, tội gì không cho con đi? Chưa biết có học được gì, nhưng tối thiểu chúng cũng được vui chơi, được trông nom trong dịp nghỉ hè hoặc sau giờ tan lớp, cho bố mẹ rảnh tay làm việc.

Không ít bố mẹ nghĩ thế, và yên tâm gửi con cho các trung tâm dạy kỹ năng sống. Thôi thì đủ cả, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng trong gia đình, ngoài xã hội, từ ăn đến nói, từ nghĩ đến làm, từ nội địa đến hội nhập,… kỹ năng nào cũng cần, và phụ huynh cứ thế mạnh dạn chi tiền mà không phải băn khoăn.

Tuy nhiên, dạy kỹ năng sống cho trẻ không hề là một trò chơi, cho dù nó được tổ chức chủ yếu dưới hình thức vừa học vừa chơi. Vài năm trước, một chuyên gia tâm lý giáo dục từng cảnh báo về việc phối hợp giữa một số nhà trường với trung tâm kỹ năng sống bên ngoài, để tổ chức các buổi nói chuyện nhằm “thức tỉnh” trẻ em. Dưới tác động của những “thủ thuật” tâm lý, nhiều đứa trẻ khóc lóc sụt sùi, cảm thấy hối lỗi với bố mẹ, hứa sẽ thay đổi, sẽ biết yêu thương và trách nhiệm, nhưng chỉ hôm trước hôm sau lại đâu vào đó. Không mang lại tác dụng gì, cách làm này còn có thể làm tổn thương tâm lý trẻ em, và nguy hiểm hơn, có thể gây “nhờn” cảm xúc hối lỗi.

Hay vừa năm ngoái, một nhóm trẻ mầm non bị bỏng nặng, do sơ suất của các cô giáo khi dạy kỹ năng phòng cháy chữa cháy. Ngay tại trường lớp, đôi khi còn xảy ra những sai sót đáng tiếc như vậy, thì lấy gì đảm bảo về chất lượng của những trung tâm kỹ năng sống mọc lên như nấm sau mưa, với những lời quảng cáo trên trời, mà nội dung thì gần như thả nổi?

Bố mẹ có thể thiếu thời gian, nhưng không nên thiếu thận trọng khi chọn nơi học kỹ năng sống cho con. Và dường như nhiều người quên mất rằng, đến tuổi làm mẹ làm cha, mình cũng đã tích lũy được cả một “kho” kỹ năng sống. Xã hội đổi thay, quan điểm giáo dục không ngừng vận động, nhưng rất nhiều kỹ năng vẫn còn nguyên giá trị. Chỉ là chúng ta không để ý, hoặc chưa đủ tự tin vào khả năng truyền đạt của mình.

---

Mời các bạn cùng lắng nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 03/7 tại đây: