Coi chừng bị phạt vì lắp camera trên ô tô?

VOVGT-Camera không còn quá xa lạ trên mỗi chiếc ô tô. Tuy nhiên, camera được xem là thiết bị lắp thêm và cần phải theo đúng quy định để hạn chế tối đa rủi ro..


Camera hành trình đang ngày càng phổ biến đối với các tài xế ô tô (Ảnh: Eandy Agency)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Tại Anh, việc lắp camera trên xe hợp pháp, tuy nhiên, nếu lắp sai vị trí và là nguyên nhân dẫn tới TNGT, tài xế có thể phải hầu toà và bị xử phạt rất nặng; thậm chí phải ngồi tù tới 2 năm, nếu vụ việc có tính nghiêm trọng.

Do vậy, để lắp camera, tài xế phải đưa xe tới các ga-ra tiêu chuẩn, tiến hành đo kích thước và khoanh vùng khu vực được lắp. Nếu tự ý lắp đặt, trong trường hợp vi phạm giao thông, camera hành trình sẽ trở thành một lỗi khá nặng.

Một số luật sư cho biết:

 

“Không thể phủ nhận camera mang lại nhiều lợi ích cho tài xế, nhưng họ cần hiểu, việc thiết lập camera cần phải tuân thủ luật. Rất nhiều trường hợp đã vi phạm khi ghi hình hành khách mà không có sự thông báo cần thiết”

Việc tuân thủ luật khi lắp camera cực kỳ quan trọng đối với các tài xế taxi, xe khách; vì việc ghi hình, ghi âm hành khách không thông báo trước có thể khiến họ bị phạt tối thiểu 100 bảng Anh (Tương đương 3,2 triệu đồng)

Ngoài ra, không phải quốc gia nào cũng cho phép sử dụng camera. Áo, Bồ Đào Nha, Bỉ, Đức, một số bang ở Mỹ cũng rất hạn chế việc sử dụng camera hành trình. Nếu vi phạm, có thể bị phạt tớihàng chục triệu đồng.


Phân vùng khu vực được phép lắp Camera, nếu vị trí lắp đặt sai vùng, tài xế có thể bị phạt nặng (Ảnh: Road Hawk)

Dù rằng việc lắp đặt camera chưa chính thức được quy định bởi luật pháp, tuy nhiên, một số quốc gia như Singapore, Nga hay Anh đã và đang xem camera như một công cụ phục vụ các lái xe hiệu quả hơn.

Cụ thể, tại Singapore, không chỉ được khuyến khích sử dụng camera, người dân còn được khuyênnên gửi những video về vi phạm giao thông tới trang web của cảnh sát.

Chia sẻ về tính hợp pháp của video từ camera của các tài xế, luật sư Amolat Singh cho biết:

 

“Thay vì đăng tải video trên mạng xã hội và khó khăn trong việc đảm bảo an toàn danh tính người tố giác, người dân có thể trực tiếp gửi video tới trang web chuyên tiếp nhận các phản ánh vi phạm giao thông. Các video này đều là những bằng chứng quan trọng hỗ trợ cảnh sát xử lý vi phạm …” 

Bắt đầu từ năm 2014, tính đến nay, số lượng các video tố giác các hành vi vi phạm tại Singapore được gửi tới cảnh sát tăng 40% mỗi năm.

Còn tại Nga, camera gần như có mặt trên tất cả những ô tô đang lưu thông. Người dân xem camera như một phương tiện để ngăn chặn tình trạng tham nhũng của cảnh sát, và tránh gian lận bảo hiểm.

Một số công ty bảo hiểm còn giảm giá từ 12,5% tới 20% phí bảo hiểm hằng năm nếu khách hàng trang bị camera trên xe. Dù rằng khách hàng hiếm khi gửi những video này tới công ty bảo hiểm, nhưng đối với những vụ việc nghiêm trọng, những video từ camera trên xe được xem là bằng chứng thực sự tin cậy.

Một số tài xế đã trang bị camera chia sẻ:

 

“Thi thoảng bạn sẽ gặp một vài vụ ăn vạ và người ta đổ lỗi rằng bạn gây tai nạn, tuy nhiên, camera hành trình sẽ là bằng chứng quan trọng cung cấp cho cảnh sát để chứng nh sự trong sạch”

“Tôi là lái xe đường dài, việc sử dụng Camera hành trình là thực sự quan trọng vì nó là công cụ bảo vệ tôi khỏi những vụ việc mà tôi có thể sẽ bị đổ lỗi”

Hiện tại, vấn đề luật pháp đối với camera chưa thực sự rõ ràng về. Một số quốc gia không chấp nhận việc sử dụng camera như 1 bằng chứng ngoại phạm.

Tại Việt Nam, việc trang bị camera trên xe khá phổ biến trong những năm gần đây. Với mức giá chỉ từ vài trăm ngàn cho tới vài triệu đồng, các tài xế dễ dàng chọn được một camera phù hợp. Hiện việc lắp camera chưa có quy định pháp luật và kỹ thuật cụ thể. Tuy nhiên, một số chuyên gia kỹ thuật khuyến cáo, việc lắp camera sẽ cần sử dụng tới hệ thống điện của xe và nếu không cẩn thận có thể xảy ra tình trạng chập điện, cháy nổ.