Cô giáo mầm non đam mê tái chế rác

Chị Nguyễn Mỹ Thư, sống tại Hậu Giang hiện đang là giáo viên mầm non. Mỗi ngày, ngoài tình yêu với công việc giảng dạy, cô giáo Thư còn có niềm đam mê tái chế những vật dụng bị vứt ngoài môi trường.

Từ những vật bỏ đi gồm: chai nhựa, thùng giấy…qua đôi bàn tay khéo léo của cô giáo Thư lại trở thành các sản phẩm thú vị, từ đó tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Xin chào cô giáo Nguyễn Mỹ Thư! Cô Thư bắt đầu công việc tái chế từ khi nào và điều gì đã thôi thúc mình làm việc này?

Mình thấy mấy chai nhựa bán ra thì không được bao nhiêu mà mình dùng để làm sản phẩm tái chế thì thấy đẹp với giảm được rác thải ra môi trường, ngoài ra còn giúp mình có thêm kinh tế nữa.

Mình bắt đầu làm lúc dịch covid, lúc đó dịch bệnh không được ra đường và ngay lúc đó cũng không đi dạy nên rảnh rồi làm. Lúc đầu làm chỉ tính trồng cây ở nhà thôi, rồi sau mình đăng lên mạng xã hội được nhiều người hỏi mua và làm những sản phẩm tái chế bán từ đó luôn. 

Những sản phẩm của cô giáo Nguyễn Mỹ Thư chủ yếu được làm từ rác thải nhựa

Những sản phẩm tái chế mà cô Thư làm là gì và nguồn nguyên liệu ra sao?

Chủ yếu sản phẩm của mình làm từ chai nhựa, thùng giấy...để làm ra những sản phẩm trang trí lớp, chậu trồng cây...Lúc đầu mình còn làm ít thì mình đón những chiếc xe hay thu mua ve chai rồi mình mua lại, hoặc từ những người xung quanh cho mình.

Sau này mình làm số lượng nhiều hơn thì mình tìm đến những vựa ve chai lớn hơn để thu mua.

Mỗi sản phẩm tái chế sau khi được hoàn thành thì cô Thư cảm thấy như thế nào?

Nói chung làm xong thì mình thích lắm, từ một chai nhựa rồi mình làm ra những sản phẩm mình thấy sự khéo tay, tỉ mỉ thì mình thích thôi. Sau đó trồng cây vào nữa giúp làm đẹp cho môi trường, sản phẩm tái chế cũng giúp mọi người ít vứt rác ngoài môi trường hơn.

Nói chung từ lúc mình làm tới giờ cũng giúp được nhiều cho môi trường lắm.

Hiện sản phẩm tái chế của cô Thư được mọi người đón nhận ra sao?

Lúc đầu mình thấy đẹp nên chỉ đăng trên mạng xã hội vui thôi nhưng lại được mọi người ủng hộ. Giờ sản phẩm của mình hầu như bán đến khắp nơi trên cả nước.

Trung bình một ngày cô Thư làm ra được bao nhiêu sản phẩm tái chế?

Cũng tuỳ lúc thôi, ví dụ những ngày cuối tuần thì sẽ làm được nhiều tại vì mình ở nhà. Đối với những ngày khác thì mình phải đi dạy nên chỉ tranh thủ được buổi tối làm được bao nhiêu thì làm.

Song song giữa việc giảng dạy trên lớp và công việc tái chế thì cô Thư đã gặp khó khăn ra sao?

Đây chỉ là việc làm thêm của mình thôi cho nên mình cũng không đặt nặng, ví dụ mình có thời gian thì mình làm còn công việc chính của mình thì vẫn là giáo viên.

Khoảng thời gian trước khi mình đến trường thì mình sẽ thống kê xem có bao nhiêu đơn đặt làm sản phẩm và sau giờ dạy ở trường thì mình mới bắt đầu làm. Vất vả thì sẽ vất vả rồi nhưng mà mình cố gắng sẽ được thôi.

Những giỏ đựng sách làm từ rác thải nhựa

Ngoài những chai nhựa, thùng giấy thì trong tương lai cô Thư có dự định làm sản phẩm tái chế từ nguồn nguyên liệu khác không?

Nói chung mình sẽ học hỏi từ từ, mỗi một ngày sẽ học hỏi một ít nhưng mà mình sẽ không làm nhiều hơn vì chỉ có một mình tôi làm và công việc giảng dạy trên trường thì cần nhiều thời gian hơn cho nên mình cứ làm từ từ như bây giờ thôi.

Cô giáo Mỹ Thư có điều gì muốn gửi đến với mọi người về bảo vệ môi trường không?

Nguyễn Mỹ Thư: Cũng mong rằng mỗi người chung tay góp ít một chút, nếu mình làm những sản phẩm tái chế không đẹp thì mình chỉ dùng những chai nhựa bỏ đi để trồng cây thôi cũng được, cũng góp phần bảo vệ môi trường.

Cảm ơn cô giáo Thư đã chia sẻ!