Chuyến bay đường dài đầu tiên trên thế giới sử dụng ‘nhiên liệu sạch’, tương lai hàng không có thay đổi?

Lượng khí thải từ hàng trăm nghìn chuyến bay mỗi ngày đặt ra thách thức cho ngành hàng không đối với việc phát triển bền vững. Trong bối cảnh này, chuyến bay đường dài sử dụng 100% nhiên liệu sạch do hãng Virgin Atlantic của Anh thực hiện đã mở ra hướng đi mới cho ngành hàng không thế giới.

Ngày 28/11 vừa qua, hãng hàng không Virgin Atlantic thực hiện chuyến bay thử nghiệm từ sân bay Heathrow ở London, Anh tới Sân bay Quốc tế John F. Kennedy ở Thành phố New York, Mỹ.

Chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên sử dụng 100% nhiên liệu xanh cất cánh - Ảnh REUTERS

Sự kiện đánh dấu cột mốc mới của ngành hàng không thế giới, bởi đây là chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Tham gia chuyến bay đặc biệt này có tỷ phú Richard Branson, nhà sáng lập Virgin Atlantic, Giám đốc điều hành Shai Weiss và Bộ trưởng Giao thông vận tải Anh, Mark Harper.

Chia sẻ với báo giới sau khi máy bay hạ cánh, tỷ phú Richard Branson cho biết: “Trước đây, nhiều người cho rằng, máy bay sử dụng nhiên liệu sạch không thể thực hiện một hành trình bay dài, như từ London tới New York. Nhưng hôm nay, chúng tôi chứng nh rằng họ đã sai. Chúng tôi hy vọng, bằng cách thực hiện chuyến bay thử nghiệm này sẽ có ngày càng nhiều hãng bay trên thế giới sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững”

Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) là thuật ngữ chung của những dòng nhiên liệu dành riêng cho máy bay mà không có nguồn gốc hóa thạch. Hay nói cách khác, đây là dạng nhiên liệu sinh học sản xuất từ nguồn nguyên liệu thực vật, động vật, chất thải đô thị hoặc chất thải công nghiệp.

Chiếc máy bay Boeing 787 mà hãng Virgin Atlantic sử dụng để thực hiện chuyến bay lịch sử dùng loại nhiên liệu SAF tổng hợp từ dầu ăn, mỡ động vật đã qua sử dụng và đường thực vật. Theo nhà sản xuất, sản phẩm này có lượng phát thải carbon ít hơn 70% so với xăng máy bay tổng hợp từ dầu mỏ.

Sau khi trải nghiệm chuyến bay, Bộ trưởng Giao thông vận tải Anh Mark Harper chia sẻ: “Chuyến bay sử dụng 100% nhiêu liệu hàng không bền vững là cột mốc quan trọng, cho thấy cách chúng ta có thể khử carbon trong vận tải cả ở hiện tại và tương lai như thế nào. Hiện mới cắt giảm được 70% lượng khí thải nhưng điều này sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ sau giải pháp tiếp theo”

Được biết, ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống New York, ông Mark Harper đã gặp Thứ trưởng giao thông vận tải Mỹ Polly Trottenberg. Cả hai sau đó tham dự cuộc họp của cộng đồng nhà đầu tư về nhiên liệu sạch, để tìm hiểu xem chính phủ mỗi nước sẽ cần làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Theo ước tính, ngành vận tải hàng không gây ra khoảng 3% lượng khí thải carbon toàn cầu. Do đó, việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững được kỳ vọng có thể giúp cắt giảm lượng khí thải này.

Bà Holly Boyd-Boland, Phó chủ tịch Virgin Atlantic nhận định: “Đây chưa phải là chuyến bay hoàn toàn không phát thải, nhưng nó chứng tỏ rằng chúng ta đang có đòn bẩy to lớn để tạo ra những cơ hội lớn hơn nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon gây ra do những chuyến bay".

Thực tế, trước đó nhiều hãng hàng không đã sử dụng SAF trên các chuyến bay thương mại nhưng tất cả đều là chặng ngắn và pha trộn tới 50% với nhiên liệu thông thường, vốn được xem là giới hạn quy định.

Theo các chuyên gia, nhiên liệu hàng không bền vững là giải pháp tiềm năng được tạo thành từ các yếu tố như dầu ăn, chất thải nông nghiệp, thậm chí từ khối lượng tảo biển trên toàn cầu. Tuy nhiên, hiện loại nhiên liệu này chỉ chiếm chưa đến 0,1% tổng nhiên sử dụng cho máy bay trên toàn thế giới, do chi phí sản xuất cao.

Chuyến bay do Virgin Atlantic thực hiện mở ra hướng đi mới cho hàng không thế giới - Ảnh REUTERS

Chuyên gia hàng không Jonathan Samuels, từ đài Sky News thông tin: “Điều tốt là bất kỳ động cơ máy bay nào cũng có thể sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững. Nhưng nhược điểm của loại nhiên liệu này là nó rất tốn kém để sản xuất và cần một lượng nguyên liệu thô khổng lồ” 

Còn theo ông Shai Weiss, Giám đốc điều hành Virgin Atlantic, SAF là giải pháp khả thi duy nhất để khử carbon cho hàng không đường dài, ít nhất là trong trung hạn. Bởi năng lượng pin hay thậm chí cả nhiên liệu hydro sẽ phải mất hàng thập kỷ nữa mới có thể đáp ứng cho các chuyến bay thương mại.

Để có thể sản xuất SAF ở quy mô lớn, ông Weiss khẳng định, cần thu hút thêm các nhà đầu tư, bên cạnh đó, có sự chắc chắn về quy định, cơ chế hỗ trợ giá và hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính phủ.

Theo thông tin mới nhất, Chính phủ Anh đã nhất trí xây dựng 5 nhà máy thương mại sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững SAF vào năm 2025. 

Là một nước đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người còn thấp, ngành hàng không dân dụng Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức để chuyển đổi sang SAF. Ở các nước phát triển, ngoài việc hỗ trợ cho các nhà sản xuất SAF, còn có thể có cơ chế hỗ trợ bên mua (các hãng hàng không).

Đây là nhận định của bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada. Bà Quỳnh cho rằng, mặc dù việc đầu tư vào các cơ sở chế tạo nhiên liệu sinh học nói chung là khá tốn kém nhưng nếu không đầu tư kịp thời, chúng ta sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực ASEAN, nhất là trong triển vọng phát triển sân bay Long Thành thành trung tâm trung chuyển hàng không châu Á với công suất 100 triệu hành khách (cao hơn cả Changi của Singapore).

Việt Nam cũng cần tham khảo mô hình thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến SAF của nước ngoài, đầu tư hơn nữa vào công tác R&D, cấp vốn tài trợ/cho vay cho các dự án SAF của cả Việt Nam, xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng SAF đồng bộ…