Cho xe buýt thường đi vào làn BRT: Cần đánh giá hết tác động

Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất cho phép xe khách từ 24 chỗ trở lên, xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường được đi trên làn đường riêng của buýt nhanh BRT. Đề xuất này có khả thi không, và cần lưu ý gì nếu thực hiện?

Liên quan đến vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ThS. Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng Bộ môn quy hoạch và quản lý Giao thông vận tải (Đại học Giao thông vận tải).

PV: Ông đánh giá thế nào về đề xuất cho xe khách, xe buýt thường đi vào làn BRT?

ThS. Vũ Anh Tuấn: Rất nhiều quốc gia khi làm hạ tầng ưu tiên cho xe buýt đã tính việc kết hợp hoạt động của các phương tiện xe buýt, bao gồm cả buýt nhanh BRT và buýt thường.

Hiện nay, đối với điều kiện của Hà Nội, hoạt động của 1 tuyến BRT trên làn đường ưu tiên chưa phát huy được hết năng lực, nó còn dư năng lực để tiếp nhận các phương tiện khác. Việc đưa các tuyến buýt thường vào hoạt động chung với BRT có thể khả thi. 

Thế nhưng, chỉ cho sử dụng làn đường chứ không cho sử dụng nhà chờ đón trả khách, nó sẽ dẫn đến những sai lầm nhất định.

Xe buýt bình thường phải cắt dòng liên tục ở các điểm ra vào dọc tuyến, có thể dẫn đến tình trạng giao thông trở nên nghiêm trọng hơn, không chỉ với phương tiện giao thông công cộng mà cả những phương tiện khác lưu thông.

Do vậy, khi đưa xe buýt thường vào hoạt động chung với làn BRT, chúng ta bắt buộc phải có giải pháp kỹ thuật, vận hành, quản lý và tổ chức giao thông trên tuyến một cách hợp lý, phải có đánh giá trước khi thực hiện.

Thế còn đối với xe khách liên tỉnh, phần lõi trung tâm chúng ta đều cấm. Tất cả xe khách liên tỉnh chỉ hoạt động bên ngoài vành đai 3. Nếu như để xe khách liên tỉnh tự do hoạt động trên làn BRT thì hoạt động, lịch trình của xe buýt trong đô thị sẽ bị phá vỡ hoàn toàn.

Đấy là giải pháp tôi nghĩ là không khả thi.

PV: Vậy cần làm gì để việc dùng chung làn đường BRT phát huy hiệu quả?

ThS. Vũ Anh Tuấn: Chúng ta đừng nhìn đến việc cho phương tiện nào vào đi chung với làn đường đó, mà chúng ta phải nhìn đến mục đích cuối cùng là mang lại sự thuận tiện cho hành khách, thu hút thêm hành khách sử dụng vận tải công cộng, giảm các chuyến đi bằng xe cá nhân, chứ không phải mang lại khả năng chạy trên đường cho các phương tiện.

Để xe buýt thường không phải đi ra, đi vào liên tục dọc tuyến để đón trả khách thì chúng ta phải chỉnh sửa lại nhà chờ của xe buýt BRT. Xe buýt nhanh mở cửa bên trái để đón khách, còn xe buýt thường mở cửa bên phải.

Có 2 giải pháp, một là can thiệp vào phương tiện. Hai là can thiệp vào hạ tầng, bằng cách thêm các làn đệm, hoặc đảo các làn di chuyển cho từng loại phương tiện.

Về mặt kỹ thuật chúng ta hoàn toàn có thể làm được, thế còn cân nhắc giải pháp nào thì chúng ta cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Với những công cụ phân tích giao thông hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra các đánh giá nhất định.

Tôi khẳng định nếu chúng ta làm đúng thì sẽ mang lại hiệu quả tích cực và thay đổi luôn hình ảnh một tuyến xe buýt BRT thí điểm chưa đạt được những mục tiêu, mong muốn ban đầu. Và cũng là mô hình mẫu để chúng ta triển khai làn đường riêng khác cho xe buýt hoặc các tuyến xe buýt nhanh khác đang dự định.

PV: Xin cảm ơn ông!

TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA cũng đồng tình với đề xuất cho xe buýt thường lưu trong làn ưu tiên của xe buýt nhanh.

Tuy nhiên, theo ông Đức, về lâu dài, Hà Nội cần thống nhất xem có nên duy trì tuyến buýt BRT 01 hay không: "Trong định nghĩa BRT có 2 tiêu chuẩn rất quan trọng. Một là làn dành riêng, ở Hà Nội không phải làn dành riêng, ngay từ đầu chỉ là làn ưu tiên thôi. Hai là xe BRT có thể chạy liên tục trong khoảng 4-5km, nhưng cả 2 điều kiện này đều không thực hiện được.

Làn BRT không phải lúc nào cũng có xe đi, không cho xe khác vào thì lãng phí, trong khi những làn khác quá chật.

Ngân hàng Thế giới là cơ quan tài trợ, họ có rất nhiều băn khoăn về dự án này. Nên để BRT hay không? Nếu để BRT thì như thế nào? Nếu không, trở thành buýt thường thì như thế nào?

Và nếu không phải BRT, không phải buýt thường thì giải pháp trung gian thế nào? Để giải quyết cơ bản, chúng ta phải có rà soát rất kỹ".