Chớ chủ quan với ‘ốm vặt’ theo mùa

Có một câu chuyện của một bậc phụ huynh như thế này, có thể không phải là cá biệt, đặc biệt khi Hà Nội đang bước vào giai đoạn chuyển mùa.

Cụ thể, sau khoảng 3 hôm thấy con trai nhỏ hơn 1 tuổi bị ho không đỡ, bà mẹ này bèn cho đi khám tại một phòng khám tư gần nhà. Tiện có cô con gái lớn 4 tuổi cũng thi thoảng thấy thở dốc, chị cũng cho đi khám cùng luôn.

Kết quả cho thấy, cậu con trai chỉ bị ho vì dịch nước mũi chảy xuống họng, điều trị đơn giản. Còn cô con gái sau khi nghe lồng ngực và lưng thấy hơi thở rít, khò khè, được chẩn đoán chớm hen.

Nếu khám trễ vài ngày, tình trạng bệnh của cô bé có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bé gái sau đó phải tuân thủ liệu trình thuốc kéo dài 5 ngày liền và phải tái khám để chắc chắn dứt bệnh.

Rõ ràng, chuyện lơ đãng, chủ quan, nghĩ các biểu hiện nhỏ ở trẻ chỉ là “ốm vặt theo mùa”, là “bệnh ở lớp, ở trường đứa nào cũng bị” đã khiến không ít bậc phụ huynh suýt phải trả giá đắt bằng chi phí, thời gian và sức khỏe của con em mình.

Ảnh nh họa: VTC

Để thực hiện theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế về phòng chống bệnh, tăng sức đề kháng cho con và đặc biệt là phát hiện sớm các triệu chứng bất thường, đưa con đi điều trị kịp thời - quả không phải là một trách nhiệm dễ dàng với các bậc làm cha làm mẹ.

Nhưng khó khăn này là bắt buộc phải vượt qua. Phụ huynh không những phải cập nhật tin tức, kiến thức nhanh nhạy, còn cần kỹ năng và sự tinh tế trong quan sát và phán đoán, khi nào nên theo dõi tiếp, khi nào nên đưa con đến cơ sở y tế.

Bên cạnh các bệnh viện lớn, việc bố mẹ có sẵn danh sách các phòng khám nhi khoa uy tín cũng rất hữu ích, đề phòng bệnh viện quá tải. Khả năng sử dụng công nghệ thông tin là kỹ năng thiết yếu, bởi việc đặt lịch online sẽ tránh được cảnh xếp hàng quá lâu, dễ bị lây nhiễm chéo tại khu chờ đợi.

Đôi khi, việc các con có được tiếp cận y tế sớm hay không lại phụ thuộc vào sự nhanh nhạy của bố mẹ.

Đáng lưu ý, một số chuyên gia cũng đã cảnh báo về tình trạng chủ quan hiện nay về các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.

Sau một thời gian dài ức chế vì COVID-19, khi đại dịch thuyên giảm, các hạn chế được nới lỏng, tâm lý cộng đồng đương nhiên sẽ thả lỏng theo. Nhiều người đã xem nhẹ biện pháp 2K gồm khẩu trang, khử khuẩn, có người chỉ đeo khẩu trang theo dạng đối phó.

Do quá ám ảnh với COVID-19 nên một số người chỉ sợ SarsCoV-2 mà không nghĩ đến các biện pháp phòng chống dịch bệnh khác. Họ tin rằng, khẩu trang chỉ dành cho việc phòng chống Covid-19.

Thực chất, trước khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, không ít người đã nhận thức được tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ bị lây lan bệnh qua đường không khí, nên đã coi khẩu trang như một vật bất ly thân khi tới nơi có tiếp xúc gần.

“COVID-19 giờ cứ như cúm mùa ấy mà”, quan niệm đó khá sai lầm. Bởi lẽ, cúm mùa nếu xảy ra ở trẻ nhỏ mà không được can thiệp kịp thời sẽ gây ra tình trạng sốt đột ngột, các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, nhiễm trùng tai và có thể dẫn đến tử vong.         

Việc người lớn gán những cụm từ “cúm theo mùa thôi”, “ốm vặt thôi”… cho thấy một sự chủ quan nhất định, và cũng là thiếu hụt kiến thức về chăm lo sức khỏe cho trẻ nhỏ.