Chi phí sở hữu tăng cao, tại sao nhiều gia đình vẫn muốn mua ô tô?

Singapore được xem là một trong những nơi mà người dân phải bỏ ra số tiền nhiều nhất thế giới để sở hữu một chiếc ô tô. Cùng với đó, Singapore cũng là một trong những quốc gia có hệ thống giao thông công cộng tốt nhất. Tuy nhiên, nhiều người cho biết không thể thiếu ô tô dù giá xe cao ngất ngưởng.

Nhiều người nói rằng họ không thể thiếu ô tô, và mặc dù giá đắt ngất ngưởng, họ vẫn mua. Ảnh: istock

Sở dĩ giá một chiếc xe ô tô ở Singapore rất cao phần lớn là do Giấy phép sử dụng xe ô tô (COE) cho quyền sở hữu phương tiện. Số lượng COE hạn chế, tồn tại trong 10 năm, được phát hành 2 lần/tháng trong quá trình đấu thầu.

Một chiếc xe phổ biến nhưToyota Altis – được bán cùng Giấy phép sử dụng xe ô tô (COE) có giá khoảng 165.000 đô la Singapore (gần 3 tỷ VNĐ). Honda Accord, được bán với Giấy phép sử dụng xe ô tô (COE), sẽ khiến bạn phải bỏ ra số tiền lên tới 235.000 đô la Singapore (khoảng 4,2 tỷ VNĐ).

Giá thậm chí còn ở mức “trên trời” khi ngày 5/7 vừa qua, trong cuộc đấu thầu phí COE Loại A đã đạt 97.000 đô la Singapore. Phí loại B là 118.000 đô la Singapore, gần mức cao kỷ lục 121.000 đô la trong lần đấu thầu ngày 21/6.

Một số người dân chia sẻ:

“Mua một chiếc xe liên quan rất nhiều thứ. Giá thành một chiếc xe mới khoảng 100.000 đô la Singapore. Sau đó bạn phải bỏ tiền mua COE, một loại giấy để được phép lái xe. Rồi còn các loại phí khác như phí đường bộ, phí bảo hiểm, xăng dầu, bảo dưỡng,…”

“Tôi nghĩ việc mua xe ở Singapore là không nên vì nó rất đắt. Bạn có thể đi phương tiện công cộng vì nó có mặt ở khắp mọi nơi ở đây”.

Thế nhưng, mức phí sở hữu phương tiện cao ngất này cũng không ngăn cản được nhiều người mua ô tô, với họ, ô tô không phải là một thứ xa xỉ mà là một nhu cầu.

Ashley Than, bà mẹ của hai con nhỏ và chồng quyết định mua chiếc xe ô tô thứ hai vào tháng 4 vừa qua, sau khi cô sinh đứa thứ 2.

Cô Than đã xin nghỉ việc vào năm ngoái để chăm sóc con nhỏ, trong khi chồng của cô điều hành công việc kinh doanh riêng liên quan đến ngành xây dựng.

Cả hai đã mua một chiếc ô tô cũ với giá 80.000 đô la Singapore (hơn 1,4 tỷ VNĐ), hiện vẫn còn thời hạn COE 4 năm nữa.

Chiếc xe đầu tiên của họ, được mua vào năm 2019 khi giá COE khoảng 50.000 đô la Singapore, được chồng cô sử dụng để đi làm. Cô Than sử dụng chiếc xe thứ hai hàng ngày: đưa con trai lớn đến trường mầm non vào các ngày trong tuần, gặp bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng hai lần một tuần và đưa các con đi chơi vào mỗi cuối tuần.

Cô chia sẻ: "Tôi đã thử đi xe buýt một lần khi đang mang thai và đẩy xe nôi cho con trai. Tài xế xe buýt từ chối hạ dốc xuống vì nó chỉ dành cho người khuyết tật. Vì vậy, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự mình bế xe đẩy và con trai lên xe buýt khi đang mang thai."

Cô Than cho biết: “Ngoài việc chăm sóc hai đứa nhỏ, còn có rất nhiều thứ phải mang theo, như xe đẩy, tã lót, sữa bột… Mặc dù tôi ghét mua ô tô khi phí COE quá cao, nhưng tôi không nghĩ mình có thể làm gì nếu không có ô tô vì nó thực sự khá bất tiện”.

Việc đi xe buýt mang lại khá nhiều bất tiện cho người có con nhỏ. Ảnh: CNA

Đồng quan điểm, anh Terence Tan và vợ là Jodi Tan hiện có một con gái mới 1 tuổi và nuôi một chú chó nhỏ cho biết họ cảm tháy thấy việc sở hữu một chiếc ô tô là cần thiết với gia đình bởi việc có con nhỏ sẽ rất bất tiện khi sử dụng phương tiện công cộng:

“Chúng tôi có con nhỏ nên phải gọi xe taxi thì mới có giấy phép để không cần sử dụng ghế ngồi trẻ em trên xe. Chúng tôi cũng cần phải gọi được một chiếc xe ô tô mà tài xế đồng ý cho chó lên xe nữa. Vì thế mà chuyến đi trở nên rất đắt đỏ nếu như cả nhà cùng ra ngoài chơi. Tất nhiên là chúng tôi có thể sử dụng phương tiên công cộng hay bắt taxi… Thế nhưng tôi nghĩ việc này rất tốn thời gian, có thể mất hàng giờ. Thời gian lãng phí này tôi có thể dùng để làm những công việc khác như ru con ngủ. Vì thế mà một chiếc xe thực sự rất hữu dụng”.

Vào tháng 5, Quốc hội đã tranh luận về vấn đề phí COE tăng vọt. Nhiều Nghị sĩ lo ngại rằng những người cần ô tô, như các gia đình có trẻ em và người già, cũng như những người sống dựa vào ô tô để kiếm sống, sẽ không đủ khả năng mua.

Ông bố hai con 39 tuổi Michael Teo quyết định nâng cấp từ một chiếc sedan lên một chiếc MPV cỡ nhỏ - Chevrolet Orlando - sau khi đứa con thứ hai chào đời. Anh ấy đã trả 110.000 đô la Singapore cho chiếc xe này vào năm 2017, bao gồm 55.000 đô la Singapore cho COE.

Mẫu xe này đã bị ngừng sản xuất, nhưng một chiếc xe tương tự như Honda Freed hiện có giá khoảng 169.000 đô la Singapore.

Anh Teo chi từ 1.800 đến 2.000 đô la Singapore mỗi tháng cho chiếc ô tô của mình, bao gồm các chi phí như bảo hiểm, thuế đường bộ và xăng dầu.

Theo anh Teo, chiếc xe chắc chắn hữu ích hơn rất nhiều đối với các gia đình có trẻ nhỏ. Khi chỉ có hai vợ chồng, mọi người có thể nói đó là một điều xa xỉ... Nhưng khi gia đình anh có con nhỏ, điều đó trở nên cần thiết hơn.Anh Teo chia sẻ, việc có xe giúp họ có thêm nhiều lựa chọn để đưa bọn trẻ đi chơi vào cuối tuần, đặc biết là khi bạn muốn đến sở thú hay công viên… Chiếc xe thực sự giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Ví dụ, phải mất một đến hai giờ để đi từ nhà của anh ấy đến Công viên Tự nhiên Sungei Buloh bằng phương tiện giao thông công cộng, nhưng chỉ mất 30 phút đi ô tô.

Anh Teo cho biết: "Thời tiết ở Singapore khá khó đoán, vì vậy nếu chúng tôi đột ngột thay đổi kế hoạch vì thời tiết hoặc bọn trẻ mệt mỏi, chiếc xe sẽ đưa chúng tôi về nhà nhanh chóng."

Chia sẻ quan điểm với anh Teo, gia đình anh Terence Tan cho rằng không chỉ gia đình có trẻ nhỏ mới cần có xe ô tô để di chuyển thuận tiện hơn mà những người thường xuyên phải di chuyển, nếu chính phủ đưa ra những ưu đãi đối với một số trường hợp thì sẽ tốt hơn: "Ít nhất thì có thể đưa ra quy định mỗi gia đình có thể được sở hữu bao nhiêu chiếc xe. Nó không có nghĩa là các bạn có thể có 3-4 chiếc xe, đi 1 chiếc rồi để chúng ở trong gara”.

Bây giờ khi các con đã lớn hơn, đôi khi cả gia đình anh Teo quyết định để xe ở nhà để cùng nhau đi phương tiện công cộng, các con anh rất thích đi xe buýt hoặc tàu hỏa.

COE xe của anh ấy sẽ hết hạn sau ba năm nữa. Khi đến lúc phải thay xe và giá COE vẫn còn cao, anh Teo cho biết anh sẽ suy nghĩ lại xem mình có thực sự cần một chiếc xe hay không.

Khi đó các con anh cũng học cấp hai, và chiếc xe sẽ ít quan trọng hơn. Nếu anh vẫn quyết định mua một chiếc ô tô, anh ấy có thể mua một chiếc cũ để thay thế.

Còn tại Việt Nam, theo thống kê, mặt hàng chịu gánh nặng thuế, phí nhất hiện nay chính là ô tô cá nhân từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Ô tô cá nhân đang phải chịu 3 loại thuế chính gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Ba loại thuế này còn bị đánh chồng lên nhau, nên thường chiếm từ 30-50% trong giá bán, tùy từng mẫu xe. Ngoài ra, người mua xe còn phải chịu thêm lệ phí trước bạ từ 10-12%.

Do đó, giá ô tô Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước như Thái Lan, Indonesia và con số này còn lớn hơn nữa nếu so với các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản...

Mặc dù vậy, số liệu thống kê cho thấy, năm 2022, không chỉ tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, tỷ lệ sở hữu ô tô trên dân cư tại nhiều địa phương cũng tăng mạnh do nhiều người mong muốn sở hữu ô tô riêng để chủ động thời gian, địa điểm cho bản thân và gia đình.

Các chuyên gia cho rằng bên cạnh mặt tích cực là sự khởi sắc của nền kinh tế thì việc gia tăng phương tiện ô tô cũng mang đến nhiều áp lực về giao thông, môi trường cho xã hội.