Chỉ 18% nước thải đô thị được xử lý

Hạ tầng cấp thoát nước là tài sản mà chính quyền các cấp phải đặc biệt quan tâm đầu tư; nhưng cũng cần kêu gọi các mô hình PPP vì sử dụng mô hình PPP trong xử lý nước thải rất có hiệu quả ở nhiều địa phương, nên cái này rất cần nhân rộng và phát huy.

Tuần lễ ngành Nước Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 06 - 08/11 tới tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia, Hà Nội. Với chủ đề chính "Phát triển ngành Nước Việt Nam - An ninh, An toàn, Hiệu quả và Hội nhập", sự kiện sẽ bao gồm các hội thảo khoa học quan trọng, trong đó bàn về những thách thức của ngành nước trong việc phát triển, sản xuất, kinh doanh, cũng như các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, chính sách về đất đai và vốn đầu tư.

Vậy, vấn đề quản lý và xử lý nước thải đô thị sẽ được quan tâm và đề cập ra sao khi hiện nay, hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt và chỉ có 18% lượng nước thải được xử lý? PV VOV Giao thông đối thoại với ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam về nội dung này.

 

Sông Kim Ngưu, nằm chủ yếu trên địa bàn quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng, từ lâu đã trở thành một hệ thống cống nước thải "lộ thiên" khổng lồ, quanh năm bốc mùi hôi thối và màu nước đen kịt đặc trưng. Ảnh: Quang Hùng

PV: Thưa ông, một trong những nội dung sẽ được đưa ra thảo luận trong Tuần lễ ngành Nước năm nay là quản lý hoạt động cấp nước và thoát nước. Vậy những vấn đề cụ thể nào sẽ được đề cập trong chủ đề này?

Ông Nguyễn Ngọc Điệp: Công tác quản lý cấp nước, thoát nước liên quan đến cơ chế chính sách của Nhà nước. Trong nhiều năm qua, các hoạt động cấp thoát nước được quy định bởi Nghị định 117 cách đây đã 20 năm nên cần phải có những quy chế, quy định của chính phủ, của các cấp quản lý cho rõ ràng hơn.

Bộ Xây dựng đang xây dựng Luật Cấp thoát nước, Luật này được kỳ vọng sẽ được ra các khung quản lý cụ thể cho các doanh nghiệp, công ty đầu tư ngành nước cũng như cách quản lý, điều hành để đem lại chất lượng dịch vụ nước cho người dân ngày một tốt hơn.

Và đặc biệt có tính đến những khó khăn về biến đổi giá cả, khó khăn về tài chính và biến đổi khí hậu.

PV: Hiện nay, câu chuyện về xử lý nước thải còn chưa được quan tâm đúng mức ra sao?

Ông Nguyễn Ngọc Điệp: Xử lý nước thải đã có những tiến bộ nhất định vì chúng ta đã đầu tư hàng chục nhà máy xử lý nước thải, tuy nhiên các khâu xử lý nước thải vẫn còn nhiều vấn đề: thứ nhất là khâu quản lý thu gom, có những khu vực có nhà máy rồi nhưng không kết nối được với nhà máy xử lý; có những khu vực lại gặp khó khăn để kết nối với việc xử lý nước thải, cái nữa là người dân cũng cần thấy việc đấu nối xử lý nước thải là biện pháp bảo vệ môi trường.

Vừa rồi tôi có đi Indonesia có nhà máy đầu tư cho 10.000 hộ dân, sau 5 năm mới có mấy chục hộ đấu vào nên hiệu quả đầu tư không cao và rõ ràng cần quan tâm đến nhiều vấn đề trong quản lý nước thải.

Cư dân sinh sống cạnh mương nước thải, cũng như người tham gia giao thông trên cầu Long Biên luôn phải ngửi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Ảnh: Quang Hùng

PV: Để xử lý nước thải, theo ông, thời gian tới cần những nguồn lực đầu tư ra sao?

Ông Nguyễn Ngọc Điệp: Tôi nghĩ cả Nhà nước và Nhân dân đều phải nghĩ ra các mô hình đầu tư cho hợp lý.

Tất nhiên hạ tầng cấp thoát nước là tài sản mà chính quyền các cấp phải đặc biệt quan tâm đầu tư; nhưng cũng cần kêu gọi các mô hình PPP vì sử dụng mô hình PPP trong xử lý nước thải rất có hiệu quả ở nhiều địa phương, nên cái này rất cần nhân rộng và phát huy.

PV: Ông kỳ vọng là thời gian tới, vấn đề xử lý nước thải sẽ được giải quyết như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Điệp: Tôi kỳ vọng các nhà máy đang xây dựng, đặc biệt là các nhà máy nước thải lớn ở Hà Nội, TP.HCM được đưa vào vận hành sẽ góp phần khắc phục một phần ô nhiễm ở các đô thị lớn.

Ở các địa phương hiện nay cũng đang quan tâm tới các dòng vốn, các dự án để tiếp tục đầu tư xử lý nước thải, bảo vệ môi trường.

PV: Xin cảm ơn ông!