Châu Âu cấm xe chạy xăng từ năm 2035, liệu có khả thi?

Nghị viện châu Âu mới đây bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm bán xe động cơ đốt trong từ năm 2035, nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy xe điện.

Với 339 phiếu thuận, 249 phiếu chống và 24 phiếu trắng, hôm 8/6 vừa qua, Nghị viện Liên nh châu Âu (EU) đã thông qua bản ‘Kế hoạch chống biến đổi khí hậu’, trong đó cấm các nhà sản xuất ô tô bán xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 2035. 

Việc đạt đồng thuận về vấn đề này trong EU được xem là sự kiện lịch sử, bởi trước đó, đề xuất vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhóm đảng Nhân dân bảo thủ, một trong những lực lượng lớn nhất tại Nghị viện châu Âu.

Trong một phát biểu, bà Ursula von der Leyen (U-su-la Vôn Đờ-lây), Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: “Châu Âu là lục địa đầu tiên nêu ra ý tưởng về một kế hoạch toàn diện, đáp ứng tham vọng chống biến đổi khí hậu và giờ là lúc chúng tôi thực hiện lộ trình cụ thể để đạt mục tiêu đó.

Chương trình của chúng tôi sẽ kết hợp việc giảm lượng khí thải với các biện pháp bảo tồn thiên nhiên, trong đó tạo cân bằng xã hội là trọng tâm của quá trình chuyển đổi này”.

Nghị viện châu Âu mới đây bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm bán xe động cơ đốt trong từ năm 2035, nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy xe điện - Ảnh AP

Dù đã được nghị viện thông qua, nhưng 27 quốc gia thành viên EU sẽ tiếp tục thảo luận về lệnh cấm, sau đó đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối năm nay.

Theo lộ trình, các nhà sản xuất ô tô sẽ phải cắt giảm 50% lượng xe chạy xăng, dầu diesel trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và hoàn toàn không sản xuất mới xe chạy nhiên liệu hóa thạch sau năm 2035.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết thêm: “Nền kinh tế dựa vào nhiên liệu hóa thạch hiện đã đạt tới ngưỡng giới hạn. Chính vì vậy chúng ta phải chuyển đổi sang một mô hình mới với năng lượng sạch và hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn”.

Theo thống kê, khoảng 25% lượng khí thải CO2 ở châu Âu đến từ các hoạt động giao thông vận tải, trong đó khói bụi ô tô chiếm 12%. Đây được xem là nguyên nhân gây ra những đợt nắng nóng, bão, lũ lụt ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn tại khu vực này.

Do vậy, các nhà lập pháp kỳ vọng, với bản kế hoạch được Nghị viện thông qua, đến giữa thế kỷ 21 châu Âu sẽ trở thành thành lục địa hoàn toàn không phát thải khí carbon.

Ông Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban môi trường châu Âu nhận định: “100% ô tô sẽ không phát thải vào năm 2035. Tôi thực sự hân hoan với quyết định này của nghị viện. Đây là một thắng lợi quan trọng trong hành trình hướng tới mục tiêu trung hòa carbon của châu Âu”.

Giao thông ở Paris, Pháp - Ảnh AFP

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, đây mới chỉ là thắng lợi bước đầu và lạc quan ở thời điểm này hãy còn quá sớm.

Bởi muốn khai tử hoàn toàn động cơ đốt trong ở châu Âu cần có sự đồng thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên. Trong khi đó, với gần 250 phiếu chống, rõ ràng còn rất nhiều ý kiến bất đồng xung quanh cuộc bỏ phiếu hôm 8/6.

Một số nghị sĩ phe trung hữu có quan điểm bảo vệ xe chạy xăng dầu cho rằng, đến năm 2035, vẫn nên cho phép khoảng 10% ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Còn theo Bộ trưởng Bộ chuyển đổi sinh thái Italia, tương lai của những chiếc xe hơi ‘không thể chỉ là chạy điện hoàn toàn’.

Đại diện Hiệp hội ô tô ADAC của Đức, và cũng là Hiệp hội ô tô lớn nhất châu Âu cho rằng, mục tiêu bảo vệ khí hậu đầy tham vọng trong giao thông vận tải không thể đạt được chỉ bằng cách sử dụng xe điện.

Chia sẻ quan điểm trên ông Jens Gieseke, Đại biểu nghị viện châu Âu tới từ Đức bày tỏ: “Việc bắt buộc loại bỏ động cơ đốt trong có thể khiến 500.000 việc làm tại Đức gặp rủi ro. Theo tôi, các quốc gia thành viên có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp ô tô cần phải có thêm không gian và thời gian để điều chỉnh và tìm ra giải pháp”.

Rõ ràng, để đạt đồng thuận về lệnh cấm xe động cơ đốt trong là điều không hề dễ dàng. Bởi theo thống kê chung, công nghiệp ô tô đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế châu Âu, chiếm 7% tổng sản phẩm quốc nội và hỗ trợ gần 15 triệu việc làm trong khu vực.

Các chuyên gia cho rằng, nếu lệnh cấm được thông qua, thời hạn sau năm 2035 sẽ đặc biệt khó khăn với các nhà sản xuất ô tô của Đức, vốn đang tập trung chủ yếu vào những mẫu xe mạnh mẽ, đắt tiền chạy động cơ đốt trong, trong khi lại tụt hậu so với nhiều đối thủ nước ngoài ở lĩnh vực xe điện.Nhạc cắtQúy vị và các bạn thân mến!

Tại Việt Nam, hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đang nỗ lực cải thiện tình trạng giao thông để hướng tới môi trường sống an toàn, lành mạnh, trong đó, thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng và xe buýt điện. 

Theo PGS, TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, phát triển “giao thông xanh” tại các đô thị lớn là một hành trình dài, mang tính chiến lược nên cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền. Đặc biệt, cần từng bước loại bỏ các phương tiện giao thông cũ, nát và tập trung đầu tư các loại phương tiện vận tải sử dụng năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt điện chạy bằng khí nén tự nhiên.