Câu chuyện người Việt hối lộ cảnh sát giao thông Campuchia rồi quay clip

VOVG - Mới đây, câu chuyện về hai cảnh sát giao thông tại Campuchia nhận tiền mãi lộ từ một người Việt đang gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng.

 

Ngày 3/5, mạng xã hội Campuchia xôn xao về việc 2 cảnh sát nước này bị đình chỉ công việc vì nhận tiền từ một người lái xe Việt Nam sau khi người này vượt đèn đỏ. Trong đoạn băng được chính người lái xe Việt Nam có tài khoản Facebook tên Đức Bùi chia sẻ, thì vụ việc xảy ra từ tháng 2/2018 tại Phnompenh, Campuchia.

Vào thời điểm nêu trên, khi đang chạy xe phân khối lớn trên một con đường thuộc Phnompenh, anh Đức Bùi đã vượt đèn đỏ và bị 2 cánh sát giao thông Campuchia giữ lại. Sau khi giải thích và kiểm tra giấy tờ, 2 bên đã thỏa thuận giải quyết vụ việc bằng tiền. Số tiền thỏa thuận ban đầu là 20 USD (khoảng 450 nghìn VNĐ), nhưng vì không có đủ tiền nên anh Đức Bùi chỉ đưa 10 USD, tương đương 227.000 VNĐ và phía CSGT Campuchia chấp thuận.

Giữa cuộc trò chuyện, viên cảnh sát Campuchia yêu cầu tắt camera gắn trên mũ bảo hiểm, nhưng anh Đức Bùi chỉ tháo và để trên yên xe cảnh sát. Toàn bộ cuộc trò chuyện đã được ghi lại và đăng lên mạng xã hội.

Your browser doesn't support video.
Please download the file: video/mp4 video/webm
Đoạn clip được chính anh Đức Bùi ghi lại

Theo tờ Khmer Times, Đại tá Sam Kunthear của phòng cảnh sát Phnom Penh cho biết hai CSGT trong đoạn video nhận hối lộ đã bị tạm đình chỉ công tác. Tuy chưa có hình thức kỷ luật cụ thể, nhưng hai cảnh sát trên đã đưa ra mức phạt cao hơn so với quy định, không lập phiếu phạt và gây ảnh hưởng đến danh dự của ngành.

Trước thông tin này, nhiều cư dân mạng Việt Nam, đặc biệt là những người trong giới ưa chuộng du lịch phượt, mô tô phân khối lớn đã bày tỏ sự không đồng tình với hành động của anh Đức Bùi. Một số cho rằng, đã “hối lộ” CSGT, nhưng lại quay clip và tố ngược lại như vậy là “chơi không đẹp”. Một số người khác lại lo lắng vì sau vụ việc, chắc chắn chính phủ Singapore sẽ quản lý chặt hơn, việc du lịch “phượt” qua Campuchia cũng vì đó mà khó khăn hơn.

Anh…, một thành viên của cộng đồng Phân khối lớn Việt Nam nêu quan điểm:

 

“Mình nghĩ trong trường hợp này, cả hai phía đều sai. Nhưng việc anh Đức Bùi quay clip xong đăng lên mạng như thế, mình không đồng tình. Việc làm của anh ấy có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng yêu thích du lịch phượt. Mình với nhóm bạn trước cũng muốn sang Campuchia, nhưng giờ chắc không dám qua đó nữa”.

Hai cảnh sát trong đoạn clip hiện đã bị tạm đình chỉ công tác. Ảnh nh họa

Theo ý kiến của một cư dân mạng, có một điều quan trọng mà hai cảnh sát Campuchia đã bỏ qua đó là không kiểm tra giấy tờ nhập xe vào Campuchia. Người này cho rằng anh Đức Bùi đã không làm đúng thủ tục xin phép cũng như thông quan hải quan cửa khẩu, do đó không thể xuất trình các giấy tờ này. Chưa kể việc Campuchia không tham gia Công ước Viên về giao thông đường bộ 1968, có nghĩa giấy phép lái xe của Việt Nam hoàn toàn có thể không đựơc chấp nhận tại Campuchia.

Về tính pháp lý của vụ việc, luật sư Phạm Thành Tài, công ty luật Phạm Danh cho biết:

 

“Trong trường hợp này, hành vi vi phạm luật giao thông của người trong đoạn clip xảy ra tại Campuchia nên sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật nước sở tại. Bị xử lý như thế nào thì còn tùy thuộc vào các quy định hiện hành của Campuchia áp dụng đối với người nước ngoài vi phạm luật của họ.”

Luật sư Thành Tài cho biết thêm, dù Campuchia không tham gia Công ước Viên năm 1968, nhưng giữa 3 nước Việt Nam - Lào – Campuchia có Bản ghi nhớ giữa 3 nước về vận tải đường bộ. Bản ghi nhớ khi đưa vào thực hiện cho phép phương tiện vận tải thương mại và phi thương mại của mỗi nước được đi qua hai nước kia, góp phần làm giảm chi phí vận tải, rút ngắn thời gian chờ đợi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ba nước, khách du lịch quốc tế, phương tiện và hàng hoá qua lại biên giới giữa ba nước. Tuy nhiên, Bản ghi nhớ này chỉ có tác dụng với các phương tiện vận tải hành khách và chở hàng, không áp dụng với các phương tiện cá nhân như trong trường hợp của anh Đức Bùi.

Ngoài ra, căn cứ theo khoản 3 của Điều 31, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Điều 14, Luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì hành vi của anh Đức Bùi chỉ có thể bị xử phạt tại Campuchia, do đó khi anh này quay trở về Việt Nam thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm.

Tới nay, dù anh Đức Bùi đã lên tiếng xin lỗi, đồng thời gỡ bỏ đoạn clip. Nhưng chuyện đã xảy ra, hậu quả vẫn còn đó. Thông qua vụ việc, chúng ta thấy rằng, cho dù có ở đâu, đi du lịch tại chỗ nào, việc tuân thủ quy định, pháp luật của nước sở tại vẫn là điều vô cùng quan trọng. Ngoài ra, chúng ta cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cùng các thủ tục cần thiết, đừng tìm cách “lách luật” để rồi rước họa vào thân.