Cắt giảm thuế xăng dầu: Đánh đổi nguồn thu hay đảm bảo an sinh xã hội?

Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ xem xét trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, về mức sàn 1.000 đồng đến hết năm nay. Nếu được thông qua, giải pháp này liệu có giúp hạ nhiệt xăng dầu và kìm hãm đà lạm phát hay không?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Nếu không có gì thay đổi, ngày 21/6, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng theo đà thế giới. Trước sự biến động mạnh của giá xăng dầu thế giới kéo theo một loạt các ảnh hưởng tiêu cực đến mặt bằng giá cả trong nước, Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ xem xét trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, về mức sàn 1.000 đồng đến hết năm nay.

Nếu được thông qua, giải pháp này liệu có giúp hạ nhiệt xăng dầu và kìm hãm đà lạm phát hay không? Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính). 

PV: Thưa ông, đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có phải là giải pháp làm hạ nhiệt giá xăng dầu, kéo giảm lạm phát trong những tháng cuối năm?

PGS.TS Ngô Trí Long: Trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, thuế chiếm khoảng 38 - 42%, trước đó thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% rồi, trước sức ép giá thế giới tăng cao, không có con đường nào khác ngoài việc giảm thuế.

Thuế bảo vệ mô trường chỉ là một yếu tố giảm trong thời gian ngắn hạn thôi. Thuế giảm, chắc chắn giá xăng dầu sẽ giảm, giá xăng dầu hạ nhiệt thì chắc chắn góp phần giảm bớt áp lực lạm phát.

Nhưng tôi nghĩ mức giảm 1.000 đồng cũng có tác dụng nhưng không đáng kể, khi đã giảm kịch khung rồi nếu giá thế giới tiếp tục tăng thì nên xem xét đến các loại thuế kia.

Ảnh nh họa

PV: Vậy ngoài thuế bảo vệ môi trường, các loại thuế khác có thể giảm ở mức nào để kéo giảm lạm phát?

PGS.TS Ngô Trí Long: Giá xăng dầu của nhiều quốc gia phụ thuộc vào 2 yếu tố, một là giá thế giới, thứ hai là chính sách tài chính. Ví dụ như Malaysia giá xăng dầu của họ có 13.000 đồng/lít là vì họ không đánh thuế.

Ở nước ta thuế là một yếu tố quan trọng, nên khi giá xăng dầu thế giới  tăng cao chúng ta đang dùng 2 công cụ, một là van thuế, thứ hai là Quỹ bình ổn thì đã mất tác dụng, hiện đã âm rồi.

Trong 4 loại thuế hiện nay xăng dầu phải chịu, trong đó thuế nhập khẩu Bộ Tài chính đang trình để giảm từ 20% xuống 12%; đối với thuế VAT Quốc hội đã quyết định đối các sản phẩm đang chịu thuế thuế 10% thì không hạ, thuế này đối với xăng dầu nên hạ; thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay đang 10%, đây là vấn đề cần xem xét giảm hay cắt bỏ?

Bốn loại thuế đó nên xem xét vì đây là một sự đánh đổi giữa nguồn thu của ngân sách đối với vấn đề kiểm soát lạm phát, tác động tới năng lực cạnh tranh và an sinh xã hội đối với đời sống người lao động.

PV: Vậy theo ông Việt Nam có nên làm theo cách của Malaysia?

PGS.TS Ngô Trí Long: Thuế là nguồn thu quan trọng phục vụ cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, chi cho bộ máy thường xuyên.

Nếu chúng ta không thu thì lấy đâu ra nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ đó, mà bản thân ngân sách của chúng ta cũng chưa thực sự mạnh. Nếu nguồn thu đó bị cắt giảm quá mức sẽ ảnh hưởng tới nguồn lực tài chính.

Tuy nhiên, bên cạnh giảm các sắc thuế cần tận dụng, khai thác, mở rộng thêm các nguồn thu khác. Chúng ta cũng là nước xuất khẩu dầu, phải chăng nên tăng thu để bù đắp lại hay những mặt hàng chúng ta chưa mở rộng cơ sở đánh thuế thì bây giờ nên mở rộng để tăng nguồn thu này.

PV: Vậy để kéo giảm lạm phát một cách căn cơ, theo ông cần thêm những công cụ và biện pháp gì?

PGS.TS Ngô Trí Long: Kiểm soát lạm phát chỉ trông vào tác động của giá xăng dầu là chưa đủ mà đòi hỏi cả chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại và chính sách tổ chức quản lý thị trường, đòi hỏi một biện pháp tổng hợp.

PV: Xin cảm ơn ông!