Cần coi mua bán xác vé như mua hóa đơn trái phép

Rất nhiều lái xe mua lại những vé qua trạm thu giá đã sử dụng để về thanh toán nhằm trục lợi (Ảnh: Thanh Niên)

Những ngày gần đây, nhiều thính giả liên tục phản ánh đến VOV giao thông về tình trạng người dân tụ tập sau trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ để nhặt, mua, thậm chí chặn đầu các xe vừa ra khỏi trạm để xin lại xác vé. Điều này không chỉ gây mất an toàn giao thông, mà còn tiếp tay cho hành vi mua bán hóa đơn trái phép. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Là người thường xuyên qua lại tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, tài xế Phạm Anh Tuấn không ít lần chứng kiến cảnh một số người lảng vảng ngay lối ra khỏi trạm thu phí Pháp Vân để nhặt “xác vé”. Thậm chí, có người còn chặn cả những phương tiện vừa trả phí để xin “xác vé”, đe dọa nguy cơ mất an toàn giao thông:

Tài xế Phạm Anh Tuấn cho biết: “Mình trả tiền xong cái là họ đứng ngay đầu này họ thò tay xin luôn, mà cái này xảy ra thường xuyên. Chắc là có dịch vụ nào đó họ xin lại cuống vé đó để họ thanh toán hoặc dùng vào mục đích gì thì không biết”.

Trực tiếp khảo sát trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, phóng viên nhận thấy có khoảng 4-5 người thường xuyên tụ tập sau trạm thu phí để nhặt xác vé ngay sau trạm thu phí. Cứ nhác thấy bóng dáng lực lượng an ninh của trạm thu phí, nhóm người này lại rời khỏi phạm vi trạm, tụ tập bên ngoài lề đường. 

Nói về khả năng quay vòng vé, ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ khẳng định là không thể thực hiện, bởi, thẻ qua trạm là thẻ điện tử, khi nhân viên thu phí quẹt thẻ, hệ thống sẽ nhận diện phương tiện vào điểm nào, ra điểm nào, số tiền phí, sau đó ấn barie thì cần chắn mới mở và hệ thống tự động cộng tiền và xuất vé. 

Ảnh: Thanh Niên

Ông Vũ Ngọc Oánh cũng thông tin, trên vé chỉ ghi ngày, lộ trình, tổng số tiền phí nhưng không ghi biển số nên có thể những người xin vé để bán lại cho những phương tiện trốn phí có thể lách luật để thanh toán: “Có một vài người thực sự đã gây ra bức xúc cho phương tiện và Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã dùng rất nhiều biện pháp để xử lý, cương quyết đuổi ra khỏi khu vực và đã làm các văn bản gửi các cơ quan chức năng, nhưng vì lý do là người dân thì một vài trường hợp cố tình vi phạm".

Một số doanh nghiệp thừa nhận, do trên vé không in biển số phương tiện, nên một số trường hợp tài xế trốn trạm thu phí nhưng vẫn tìm cách mua lại xác vé để thanh toán thì cũng rất khó phát hiện và xử lý.

Về điều này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Có tình trạng là anh em lái xe tìm đường để tránh trạm và về muốn thanh toán theo quy định của doanh nghiệp thì có nhu cầu mua vé đó để làm chứng từ thanh toán".

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Văn phòng Luật sư Basico (Hà Nội) cho biết, vé cước phí đường bộ được ghi rõ là đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, là hóa đơn đặc thù, chứng từ để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng và được tính vào chi phí nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định. Vì vậy, việc mua bán trái phép vé cước phí đường bộ được coi là hành vi mua bán hóa đơn trái phép:

“Tính chất thì rất nhẹ so với các hóa đơn khác, giá trị không lớn, nhưng luật thì vẫn là một hành vi vi phạm", Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho biết, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 109 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Nếu mua bán số lượng lớn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép hóa đơn.

---

Mời các bạn nghe lại nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 25/8 tại đây: