Cấm xe máy, liệu khả thi?

Bao nhiêu năm nay, các loại xe máy tự chế, xe ba gác, xe cũ nát… không bị kiểm tra, hoặc bị cấm lưu thông. Ngay cả với những tồn tại này, cơ quan chức năng không thể xử lý nổi, tại sao lại đặt ra vấn đề cấm xe máy – một quyết định, có thể nói là ảnh hưởng tới toàn xã hội?

Không chỉ có xe máy mà ngay cả oto ở đô thị cũng đang phát triển quá nhanh, bên cạnh đó là hạ tầng giao thông quy hoạch thiếu tầm nhìn, không đảm bảo

Vừa qua, UBND TP. Hà Nội phê duyệt đề án "Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội" từ năm 2025, tầm nhìn 2030. Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của người dân Thủ đô đó là đề án dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Hãy khoan xét đến tính khả thi hay phản ứng của toàn xã hội về đề án này. Chúng ta hãy cùng “nghiên cứu” một số vấn đề nổi cộm chưa thể giải quyết của giao thông Thủ đô trong nhiều năm qua, để có thể nhìn nhận rõ hơn về quyết định này.

Hà Nội, là một trong những thành phố có chất lượng không khí luôn trong tình trạng nguy hại cho sức khỏe con người nằm ở mức báo động trên thế giới. Nguyên nhân có nhiều, nhưng một trong những lý do là do lượng phương tiện giao thông tăng đột biến trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây. Đặc biệt là xe máy.

Mục tiêu cấm xe máy, có thể hiểu cơ bản giải quyết 2 vấn đề: Ô nhiễm môi trường và Ùn tắc giao thông.

Về mục tiêu đầu tiên: Giảm ô nhiễm môi trường từ khí thải carbon do phương tiện thải ra. Đồng ý với việc, lượng xe máy ở đô thị phát triển quá nhanh và quá nhiều gây ô nhiễm môi trường. Nhưng chúng ta không thể “đổ hết tội” cho xe máy. Lượng ô tô ở đô thị hiện nay cũng rất lớn và phát triển theo cấp số nhân cũng không thể loại trừ.

Nhưng, ngay cả đối với các phương tiện giao thông công cộng như xe bus hiện nay dù chỉ nhìn bằng mắt thường cũng có thể nói rằng, đây là một trong những phương tiện gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất.

Rất may là gần đây chúng ta đã có xe bus điện, và hy vọng trong tương lai loại xe này sẽ thay thế những chiếc xe bus chạy dầu xả khói đen kịt phố phường.

Đó là còn chưa kể đến các loại xe tải, xe chở khách không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải vẫn ngày ngày tham gia giao thông, xả khí thải độc hại rất lớn ra môi trường.

Từ một thành phố gắn liền với hình ảnh những chiếc xe đạp, xích lô… thì nay, Hà Nội có tới hàng triệu chiếc xe máy lưu thông trên đường hằng ngày. Bên cạnh đó là các phương tiện ô tô cá nhân cũng tăng chóng mặt…

Nên có thể nói rằng, việc đưa ra ý tưởng cấm xe máy cũng có thể hiểu xuất phát từ việc số lượng xe máy quá lớn, gây ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông.

Thế nhưng, hãy nhìn lại những tồn tại của giao thông Thủ đô nói riêng và giao thông tại các thành phố lớn trên cả nước nói riêng. Hằng ngày, ra đường chúng ta thường bắt gặp cảnh những chiếc xe máy cũ nát, xe tự chế, xe ba gác… chở hàng cồng kềnh, nhả khói đen đặc chạy dọc ngang ngoài đường.

Điều đáng nói, tài xế điều khiển những phương tiện này thường chở hàng vượt quá quy định và gây nguy hiểm cho người đi đường. Và thực tế, đã có rất nhiều tai nạn dẫn đến chết người do những phương tiện này gây ra.

Những chiếc xe máy cũ nát, tự chế gây ô nhiễm môi trường và thiếu an toàn vẫn hằng ngày hoạt động mà không bị kiểm duyệt

Bao nhiêu năm nay, các loại xe máy tự chế, xe ba gác, xe cũ nát… không hề bị kiểm tra, hoặc cấm lưu thông trên đường vì không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn khí thải.

Câu hỏi đặt ra là, ngay cả với những tồn tại này, cơ quan chức năng không thể xử lý nổi, tại sao lại đặt ra vấn đề cấm xe máy – một quyết định, có thể nói là ảnh hưởng tới toàn xã hội?

Khi chúng ta chưa giải quyết được những vấn đề khác, để phục vụ cho quyết định này, như hạ tầng đường xá giao thông, phương tiện giao thông công cộng, và quan trọng nhất là “đả thông tư tưởng” cho người dân hiểu được vì sao nên dừng hoạt động xe máy ở nội đô? – thì còn lâu, chính sách mới đi vào lòng người…

Mục tiêu thứ hai: Giảm ùn tắc giao thông do lượng xe máy phát triển quá nhanh. Các đơn vị liên quan tới việc lên kế hoạch cấm xe máy hoạt động có lý do để tính toán tới việc này. Tuy nhiên, chúng ta hãy xét một cách công bằng và thực tế. Liệu việc ùn tắc giao thông có hoàn toàn là “lỗi” của xe máy?

Việc cấp giấy phép lái xe còn dễ dàng, thậm chí nhiều người điều khiển xe máy không có bằng lái xe vẫn tham gia giao thông là nguyên nhân khiến ý thức và văn hóa tham gia giao thông ngày một xuống cấp.

Rất nhiều người ra đường không có khái niệm chấp hành luật giao thông. Điều này đúng với cả những người điều khiển ô tô, nên nếu đổ lỗi cho người đi xe máy là có phần khiên cưỡng.

Cấm xe máy, phát triển và vận động người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi lại sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Lý thuyết là vậy. Nhưng nhìn vào thực tế, chúng ta đã làm được gì, để người dân muốn lựa chọn phương tiện giao thông công cộng?

Với đặc thù giao thông, đường xá ngõ ngách như hiện nay của Hà Nội, việc tiếp cận phương tiện giao thông công cộng, với nhiều người là khó khăn. Chưa kể xe bus cũng chưa phải là một phương tiện sạch sẽ và đảm bảo thời gian di chuyển cho người sử dụng.

Xe bus, hay nói chung là các phương tiện giao thông công cộng liệu đã đủ sức hút đối với người dân để họ từ bỏ phương tiện cá nhân của mình?

Có người nói rằng, những nhà quản lý đưa ra mục tiêu ấy đang nhìn bằng con mắt của người ngồi trên ô tô. Ai đi ô tô mà chả khó chịu với xe máy trên đường, đặc biệt vào giờ cao điểm? Nhưng có lẽ, những người đi xe máy cũng có góc nhìn thiếu thiện cảm ngược lại.

Tóm lại, việc dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn nội đô có thể khả thi, nếu chúng ta giải quyết được các vấn đề, như: Hạ tầng giao thông được cải thiện, phương tiện giao thông công cộng đảm bảo an toàn, vệ sinh.

Và trên hết là cân bằng được lợi ích cũng như tính đến đời sống của nhân dân. Bởi thực tế, phần đa người dân vẫn phải sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển, kiếm sống hằng ngày.

Có lẽ để có cái nhìn thực tế phục vụ cho việc đưa ra quyết định, những nhà quản lý, làm chính sách, hãy rời khỏi ghế salon, rời khỏi chiếc ô tô đưa đón hằng ngày, mà tham gia giao thông như hàng triệu người dân Thủ đô, bằng cách sử dụng phương tiện công cộng mà đi làm hằng ngày để biết được rằng, liệu quyết định của mình có chính xác, phù hợp với thực tế và hợp lòng dân hay không?