Cấm taxi, xe hợp đồng trong giờ cao điểm: Giao thông khó khăn, đi lại bí bách

Sở GTVT Hà Nội khôi phục biển cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi tại 10 tuyến đường để hạn chế ùn tắc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm trong toàn bộ thời gian của giờ cao điểm là chưa hợp lý, và cần coi taxi là phương tiện GTCC thay vì hạn c

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Hà Nội đã khôi phục biển cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi tại 10 tuyến đường trên địa bàn Thủ đô để hạn chế ùn tắc giao thông.

Đứng đợi xe buýt trong trạng thái sốt ruột, anh Nguyễn Văn Phú, nhân viên văn phòng tại đường Lê Văn Lương, Hà Nội chia sẻ, mỗi khi có việc bận đột xuất trong giờ cao điểm, anh cảm thấy khá phiền khi taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi bị cấm trên tuyến đường này: "Em cũng định bắt taxi về Mễ Trì nhưng không được bắt. Nhiều người dân đi làm có việc bận phải bắt taxi. Xe ôm thời tiết này thì rất lạnh. Cũng hơi có một chút bực. Đều là một con đường, tại sao lại cấm taxi mà các xe khác vẫn đi được?"

Băn khoăn này của anh Phú cũng là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra. Chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cho rằng, dù chỉ phục vụ một bộ phận người dân nhưng taxi vẫn là phương tiện có tính chất công cộng cao: "Tôi lấy ví dụ, những người sống trên tuyến phố Láng Hạ, gia đình có người đau ốm, thai phụ chuyển dạ muốn sinh, thế thì không có taxi, xe hợp đồng thì ai sẽ chở? Vì vậy, nếu chúng ta muốn giảm lưu lượng giao thông thì cách giảm phải là cấm ô tô cá nhân".

Dưới góc nhìn khác, anh Nguyễn Dương An, một tài xế tại khu vực nội thành cho rằng, thời điểm "nóng" nhất của giờ cao điểm thường là từ 7h đến hơn 8h và từ 17h đến 18h30. Trong khi đó, nhiều tuyến phố lại cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi trong cả khung giờ cao điểm, từ 6h đến 9h và từ 16h đến 19h: "Nhất là trục đường Giảng Võ - Lê Văn Lương, cấm thì sẽ dồn áp lực lên những trục đường xung quanh Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Minh Giám, Hoàng Đạo Thúy,... Thêm nữa là ngày T7, CN, cấm cả những ngày đó luôn. Khung giờ cấm không hợp lý vì kéo quá dài".

Trả lời phóng viên VOV Giao thông, đại diện Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, trong quá trình thực hiện cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, cơ quan này đã phối hợp với một số ban, ngành để nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Dù taxi là phương tiện giao thông công cộng nhưng cơ quan này cho rằng, taxi bị hạn chế trên một số tuyến phố và một số khung giờ do mỗi xe chỉ vận chuyển trung bình từ 1 đến 2 khách, chưa kể tình trạng dừng đỗ, đi chậm, đón trả khách sai quy định, gây ùn tắc và mất ATGT.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, lý giải như vậy là chưa thuyết phục: "Các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm giải tỏa và xử lý các phương tiện dững đỗ sai quy định, gây cản trở, ùn tắc giao thông, không thể viện lý do đó để cấm xe taxi. Xét về ý kiến của thính giả, điều chỉnh thời gian cấm taxi cũng là một giải pháp, nhưng không mang tính tổng thể, lâu dài. Như các nước khuyến khích xe taxi, có những làn đường dành riêng cho xe taxi, tất cả xe cá nhân không được tham gia".

Cũng theo ông Nguyễn Công Hùng, để hạn chế tình trạng ùn tắc do xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi gây ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có đánh giá dựa trên số lượng phương tiện thực tế; từ đó phân loại, luồng tuyến và giờ hoạt động của các phương tiện cho phù hợp với từng tuyến đường./.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: