Cấm ôtô chạy xăng dầu, liệu có đạt mục tiêu chuyển đổi xe điện và bảo vệ môi trường?

Ngày 10/10 vừa qua, giới chức thành phố Stockholm (Thụy Điển) thông báo từ năm 2025, sẽ cấm xe chạy bằng xăng và dầu diesel đi vào trung tâm thành phố, nhằm cải thiện chất lượng không khí và giảm tiếng ồn giao thông, góp phần đẩy nhanh tốc độ người dân chuyển đổi từ xe sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện.

Từ năm 2025, 20 dãy nhà thuộc khu khu tài chính và mua sắm của thủ đô Stockholm (Thụy Điển), sẽ chỉ dành cho phương tiện chạy điện. Đây là những khu vực mà phương tiện giao hàng thường xuyên hoạt động.

Các nhà chức trách cho biết kế hoạch mới sẽ tạo ra “nhiều không gian để đi bộ và đi xe đạp” đồng thời đẩy mạnh việc sử dụng xe điện. Bằng cách chuyển sang sử dụng xe điện, việc giao hàng sẽ không chỉ bền vững, tốt cho môi trường hơn mà còn yên tĩnh hơn - nghĩa là công việc này có thể được thực hiện suốt ngày đêm.

Từ năm 2025, 20 dãy nhà thuộc khu khu tài chính và mua sắm của thủ đô Stockholm (Thụy Điển), sẽ chỉ dành cho phương tiện chạy điện. Ảnh: news.com.au

Các trường hợp ngoại lệ gồm xe tải lớn, trong đó có xe hybrid (sử dụng cả động cơ đốt trong và động cơ điện), xe cứu thương, xe cảnh sát và xe có tài xế hoặc hành khách khuyết tật.Phó Thị trưởng phụ trách giao thông vận tải Stockholm, ông Lars Stromgren nhấn mạnh chất lượng không khí hiện nay ở Stockholm khiến trẻ nhỏ mắc bệnh phổi trong khi người già bị tổn thọ, cho rằng tình trạng này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng ta cần loại bỏ khí thải độc hại từ xe chạy bằng xăng và dầu diesel. Đó là lý do tại sao thành phố giới thiệu khu vực phát thải thấp đầy tham vọng nhất cho đến nay.

Đồng quan điểm, chuyên gia biến đổi khí hậu Laurie Laybourn-Langton cho rằng: “Những phương tiện chạy bằng xăng dầu thải tác động tiêu cực đến sức khỏe xảy ra từ khi còn trẻ trong suốt cuộc đời của bạn. Nó ảnh hưởng đến chức năng phổi, hệ hô hấp và tim của bạn”.

Ông Stromgren nói thêm: “Nhiều thành phố cho phép ôtô có lượng khí thải cao được phép lưu thông nếu họ trả phí. Mô hình của Stockholm ảnh hưởng sâu rộng hơn. Xe chạy bằng xăng và dầu diesel đều bị cấm, hướng đến một tương lai bền vững hơn.”

Công ty Taxi Stockholm, cho biết quá trình chuyển đổi sang phương tiện không phát thải đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Số phương tiện không phát thải hiện chiếm 30% số đội xe của công ty - gần gấp bảy lần so với năm ngoái.Đảng Xanh của Thụy Điển hy vọng rằng biện pháp trên sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ người dân chuyển đổi từ xe sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện.

Đảng này cũng đặt ra kế hoạch nội thành không phát thải ở Stockholm vào năm 2030, cấm ô tô ở một số khu vực nhất định và vào những ngày nhất định, đồng thời giảm tổng lưu lượng ô tô xuống 30% vào năm 2030.

Trước đó, đầu năm nay, Nghị viện châu Âu thông qua luật cấm bán ôtô chạy bằng xăng và dầu diesel ở Liên nh châu Âu từ năm 2035, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện và chống biến đổi khí hậu.

Ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh: "Cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra dù cho chúng ta có thích hay không. Chúng ta có thể lựa chọn là người đi đầu, thực hiện nó theo cách phù hợp với các giá trị của chúng ta, hoặc nhìn những quốc gia khác vượt trước, và chỉ có thể chạy theo sau".

Ảnh: AP

Trong khi đó, các công ty trong lĩnh vực giao thông vận tải tại thủ đô Stockholm cho rằng kế hoạch cấm ô tô chạy bằng xăng dầu đã đi quá xa, thay vào đó, thành phố nên tập trung đầu tư nhiều hơn vào các điểm sạc điện để khuyến khích sự thay đổi tự nguyện.

Liên đoàn Doanh nghiệp Vận tải Thụy Điển cho rằng phương án này là "triệt để quá mức": “Kể từ năm 2010, chúng tôi đã giảm 34% lượng khí thải? Họ đang quá vội vàng”.

Một số người không tin rằng mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ. Nike Örbrink từ đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đối lập cho biết một số người lo ngại kế hoạch này sẽ gây tổn hại cho các doanh nghiệp và ngành khách sạn.

Mặt khác, việc kế hoạch này có thực sự thúc đẩy doanh số bán xe điện ở Thụy Điển hay không thì vẫn còn là một ẩn số. Bởi hiện doanh số bán xe điện đang gặp khó khăn trong nước khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Đầu năm nay, tổ chức Mobility Thụy Điển đã hạ dự báo về số lượt đăng ký xe điện mới vào năm 2023 từ 40% xuống 35% tổng số lượt đăng ký.

Các thành phố trên toàn thế giới cũng đang thực hiện các bước để giảm lượng khí thải xe cộ và thúc đẩy giao thông bền vững. Thủ đô Amsterdam của Hà Lan đang hướng tới mục tiêu tất cả các phương tiện giao thông trong thành phố, bao gồm cả ô tô, không có khí thải vào năm 2030.

Brussels (Bỉ) vào tháng 12 đã cấm ô tô vào thời gian cao điểm hoặc từ địa phương khác trên 10 đường phố chính trong trung tâm thành phố. Vào tháng 8, London đã hoàn thành một trong những chính sách phát thải phương tiện đầy tham vọng nhất thế giới bằng cách mở rộng vùng phát thải cực thấp. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Rishi Sunak vào tháng trước đã trì hoãn chương trình nghị sự xanh của chính phủ Anh tới 5 năm, đẩy lùi kế hoạch cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel mới đến năm 2035.

Tại thủ đô Olso của nước láng giềng Na Uy, quốc gia đi đầu về xe điện, cơ quan môi trường thành phố hồi đầu năm nay đã khuyến nghị thiết lập khu vực không phát thải trong nội thành, mục tiêu đầu tiên là phương tiện vận tải hạng nặng và xe tải vào năm 2025 trước khi mở rộng sang ô tô vào năm 2027, mở đường cho xe điện.

Còn tại Việt Nam, ngày 22/7/2022, Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và metan của ngành giao thông vận tải. Chính phủ đặt mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải dùng điện, năng lượng xanh, đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 năm 2050.

Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc.

Một số chuyên gia nhận định, để có thể đạt được mục tiêu về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cơ quan quản lý cần hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa ra các chính sách hỗ trợ, ưu tiên hơn, quyết liệt hơn dành cho hoạt động sản xuất, lắp ráp, buôn bán và sử dụng xe điện, xây dựng trạm sạc.