Cách nào gấp rút phủ kín trạm dừng nghỉ trên cao tốc?

Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận và được các chuyên gia giao thông đề cập tới trong Hội thảo “An toàn giao thông trên cao tốc” do VOV Giao thông vừa tổ chức vừa qua là thiếu trạm dừng nghỉ trên cao tốc.

Thời gian qua, việc các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác nhưng chưa có trạm dừng nghỉ gây nhiều bất tiện cho người tham gia giao thông cũng như công tác bảo đảm an toàn giao thông. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, trạm dừng nghỉ là hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nên nhiều ý kiến đề nghị cần gấp rút triển khai, phủ kín hạng mục này.

Về các giải pháp cấp bách xây dựng trạm dừng nghỉ, PV VOV Giao thông đối thoại với ông Đặng Văn Chung - Nguyên phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục đường bộ Việt Nam.

PV: Việc thiếu trạm dừng nghỉ trên cao tốc gây khó khăn cho người dân cũng như công tác bảo đảm ATGT ra sao?

Ông Đặng Văn Chung: Trên đường cao tốc có một quy định rất nghiêm ngặt là không được dừng đỗ trên đường, kể cả trên đường cao tốc hoàn chỉnh có làn dừng khẩn cấp thì người ta cũng không dám dừng, trừ trường hợp xe hỏng hóc.

Chúng ta biết là xe cũng phải nghỉ khi chạy hàng trăm cây số với tốc độ cao thì phải nghỉ để lốp xe giảm nhiệt độ đi, máy cũng giảm nhiệt độ đi và người lái xe cũng đỡ căng thẳng; đặc biệt là xe tải chạy đường dài, chạy liên tục mà không có trạm dừng nghỉ thì rất gay rồi các chuyện vệ sinh cá nhân.

Cho nên tôi cho là phải khẩn trương làm cái này, không có trạm dừng nghỉ là rất nguy hiểm. Ví dụ như hiện nay, cao tốc Cam Lộ - La Sơn có những chỗ có thể dừng được nhưng người ta không dám dừng bởi không có biển báo thì người dân sợ bị phạt, cho nên cứ phải đi tốc độ cao, nhiều xe bị nổ lốp, lúc đấy xảy ra tai nạn.

Ảnh nh họa: VOV

PV: Vậy, cần gấp rút phủ kín các trạm dừng nghỉ trên cao tốc bằng những giải pháp ra sao?

Ông Đặng Văn Chung: Cái này phải ưu tiên ngay từ khâu lập phê duyệt dự án, từ giai đoạn này đã phải tính được chỗ nào làm trạm dừng nghỉ vì khi thi công đồng bộ thì giá thành rất rẻ, phải san lấp cho trạm dừng nghỉ để đồng bộ. Cái đó phải làm ngay còn về lâu dài thì chúng ta phải cụ thể hóa là đã được đưa vào khai thác thì phải làm đủ.

Thế còn trước mắt bây giờ chúng ta tìm cách xây dựng các trạm tạm thời; tạm thời tức là tìm những vị trí mà khoảng cách mấy chục km, là những bãi đất trống được san lấp hoặc có sẵn rồi thì ta mở taluy, sau đó dùng các công trình di động thì cái đấy nó đơn giản, nhanh, lắp ráp nhanh, chỉ 2 ngày là xong và có thể cho xe vào; đề nghị cắm biển để làm nơi nghỉ ngơi cho xe tải, xe khách. Nó giúp giải quyết nhu cầu cấp bách tôi cho là nên làm rất nhanh, có thể đến 1 tuần là xong.

PV: Ngoài ra, theo ông cần hoàn thiện quy định, hành lang pháp lý về trạm dừng nghỉ trên cao tốc ra sao?

Ông Đặng Văn Chung - Nguyên phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục đường bộ Việt Nam.

Ông Đặng Văn Chung: Về mặt thực tiễn là nó phải có, buộc phải đưa vào luật.

Hiện nay Luật Giao thông đường bộ rồi Nghị định 32 và Thông tư 90 về quản lý, khai thác đường cao tốc thì đã đưa vào rồi. Bây giờ bài học xương máu là những cái đường cao tốc phân kỳ mở trong lúc vốn chưa đủ thì vẫn phải có trạm dừng nghỉ, vẫn phải có làn dừng khẩn cấp.

Nếu giả sử như thiếu chỗ có làn dừng khẩn cấp thì phải đủ cho xe dừng chứ không thể để nửa bánh xe vào bên trong, còn nửa bánh xe bên ngoài. Luật cũ và luật mới đều có rồi nên bây giờ trong dự thảo luật mới đều có quy chuẩn đường cao tốc nên bây giờ yêu cầu hai cái là trạm dừng nghỉ và làn dừng chờ phải đồng bộ, trước khi đưa vào khai thác phải có đầy đủ.

 PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!