Buộc học sinh kém chuyển trường: “Bệnh thành tích” và sự loay hoay trong phân luồng giáo dục

Bộ GD-ĐT đang xác minh thông tin một số trường THCS tại Hà Nội yêu cầu học sinh kém phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên có những phản ánh như vậy, và được cho là có căn nguyên từ “bệnh thành tích”.

Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội xung quanh nội dung này.

PV: Bà có đánh giá như thế nào về trường hợp ngăn học sinh kém thi vào lớp 10?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi thấy cái này đã vi phạm luật giáo dục. Cho đến bây giờ, “bệnh thành tích” vẫn chưa được cải thiện, trở thành nỗi “ám ảnh” với giáo viên.

Ban Giám hiệu cũng rất “sợ” nếu trường mình số lượng học sinh giỏi không bằng các trường khác, tỷ lệ tốt nghiệp không được 100%.

“Bệnh thành tích” không chỉ khiến học sinh chịu nhiều áp lực, mà còn tác động rất xấu đến sự hình thành nhân cách của các em.

Ảnh nh họa

PV: Theo bà, làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục, tránh sự việc tương tự?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Sự đánh giá, xếp loại theo tôi rất cần thiết, tuy nhiên, chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận. Nếu cứ giữ tư duy cũ thì dù có bao nhiêu quy định, vẫn có chỗ người ta “lách” luật.

Việc đánh giá của chúng ta phải thực chất và chấp nhận những góc “khuyết”, thì chúng ta mới có những giải pháp cụ thể. Ví dụ, học sinh yếu kém, cần bồi dưỡng thêm thì chúng ta có giải pháp riêng. Và các bậc phụ huynh cũng phải chấp nhận điều đấy.

PV: Xin cảm ơn bà!

Trước đó, những phản ánh tương tự từng xuất hiện vào tháng 7/2020. Chuyên gia giáo dục, TS. Lê Thống Nhất cho rằng, chủ trương phân luồng học sinh sau THCS là đúng đắn, tuy nhiên, việc ép học sinh không thi vào lớp 10 là cách làm hoàn toàn sai trái.         

"Chúng ta hoàn toàn có thể học xong lớp 9, đi học một nghề gì đó và trở thành một công dân có ích cho Việt Nam. Tuy nhiên, phải căn cứ vào năng lực của các em, là cuộc vận động về tư tưởng và tâm lý, kể cả với học sinh và gia đình. Những trường trung học cơ sở ép các em không thi vào lớp 10 là những trường mà giải pháp vận động, giải thích để học sinh hiểu đang quá kém", TS. Lê Thống Nhất cho biết.