Nếu cần phải chọn một việc cần phải ưu tiên để thay đổi môi trường ở các đô thị, như Hà Nội, thì tôi sẽ chọn giải quyết tình trạng bụi. Khi bạn đi xe máy, xe đạp hay dạo bộ, đặc biệt là vào những ngày hè, những mùa lạnh, hanh khô thì bạn sẽ thấy thành phố của chúng ta đang bẩn thế nào.
Nhiều người nói đến bụi mịn, hay do nhiều yếu tố ô nhiễm khác, nhưng tôi nghĩ trước khi nói về những thứ vĩ mô như vậy, thì hãy nghĩ đơn giản là chúng ta đang có một vấn đề rất lớn với bụi. Bụi ở khắp nơi, không phải chỉ ở các tuyến phố đang xây dựng, ở các con đường quốc lộ, mà bụi “xâm lấn” vào từng ngõ ngách, từng ngôi nhà của chúng ta. Nếu chỉ sau vài tuần mà không dọn dẹp nhà cửa thì ngôi nhà của chúng ta sẽ đầy bụi bụi.
Vậy bụi ở đâu ra? Thứ nhất là ở rất nhiều công trình xây dựng từ nhỏ lên lớn, không có một quy chuẩn, nguyên tắc nào để hạn chế phát tán bụi, đất thải từ các công trình như vậy. Mấy năm trước, tôi còn nhớ, khi Trung tâm thương mại Lotte trên phố Đào Tấn đưuọc xây dựng, đã khiến nhiều người ngạc nhiên với việc phương tiện khi ra vào công trường đều phải dừng lại để được phun nước rửa.
Đó là nguyên tắc chung với các công trình được xây dựng ở Hàn Quốc mà tôi có một số cơ hội tận mắt chứng kiến. Khi quy định như vậy được áp dụng, nó giúp cho các không gian xung quanh ít bị phát tán bụi hơn.
Nhưng còn có nguyên nhân thứ hai nữa, đó là do cấu trúc của hạ tầng Hà Nội. Tôi nhận thấy rất nhiều các thành phố, các đô thị khác, đặc biệt là các đô thị ở Trung Quốc, họ ngăn cách giữa đường bằng một dải phân cách mà bụi bẩn không thể đọng lại ở giữa đường. Nó khác với cách chúng ta làm những dải phân cách cứng bằng bê-tông giữa đường, nó khiến cho bụi đọng lại ở đó. Rồi mỗi khi phương tiện đi qua thì bụi lại bay mù mịt.
Để giải quyết câu chuyện bụi với một thành phố như Hà Nội, sẽ cần yêu cầu phải có những quy chuẩn và phải nghiêm túc thực hiện những quy chuẩn đó. Ví dụ yêu cầu phải làm sạch phương tiện trước khi ra khỏi công trình. Chúng ta nên xử phạt nghiêm tất cả phương tiện mà có thể tạo ra bụi. Và thực tế, nếu làm như vậy, thậm chí những xe thu gom rác cũng sẽ bị phạt, bởi nếu không được che chắn đúng tiêu chuẩn, thì đó cũng là một nguồn phát tán bụi.
Nhưng đồng thời cũng là yêu cầu cấp thiết phải thay đổi cách tiếp cận cơ sở hạ tầng. Như ví dụ tôi vừa nêu ra, đó là các dải phân cách trên đường nên được thiết kế với cấu trúc khác, để không không giữ lại bụi và nước bẩn ở giữa con đường, rồi lại tiếp tục phát tán vào không khí.
Đó là những giải pháp sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các cư dân và cho thành phố, để một bộ mặt thành phố sạch sẽ hơn, ít bị bụi hơn chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn với du khách và với những cư dân đô thị.
Chưa có một thống kê nào đầy đủ để chúng ta thấy được những tác động xấu của bụi trong thành phố, nhưng chắc chắn, nếu có thì đó là một con số, một kết quả không hề nhỏ.
Tôi mong rằng, một lúc nào đó, các thành phố như Hà Nội sẽ có giải pháp hữu hiệu cho việc ngăn ngừa, giảm phát tán bụi ra không gian trong thành phố. Việc đó nghe thì tưởng nhỏ, nhưng thực ra đó là một việc rất lớn./.