Bố trí, quy hoạch vỉa hè thế nào để hài hòa lợi ích?

VOVGT - TP.HCM đang nỗ lực tìm các phương án tổ chức các “phố hàng rong” để giúp người dân có nơi kinh doanh hợp pháp, đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài.

Mới đây, quận, huyện tại TP.HCM triển khai chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, đến nay đã có những chuyển biến tích cực, nhiều tuyến đường đã thông thoáng hẳn. Đi kèm với việc dẹp vỉa hè thời gian qua cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những người dân lâu nay mưu sinh buôn bán trên vỉa hè, do vậy để giải quyết vấn đề này cũng như nhằm duy trì trật tự vỉa hè một cách bền vững, thành phố đang tìm các phương án tổ chức lại cuộc sống cho người lao động. Điển hình tại quận 1, UBND quận đang xây dựng đề án “khu ẩm thực thí điểm kinh doanh vào thời gian cụ thể trên một số tuyến đường quận 1” hay còn gọi là “phố hàng rong”.

Theo đó, thành phố cho phép được tổ chức phố hàng rong tại ba khu vực. Những người được bố trí chủ yếu là các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn phường Bến Nghé. Những người buôn bán hàng rong tại các khu vực được cấp phép đều được tập huấn về kỹ năng bán hàng văn nh, cung cấp đồng phục, quầy hàng và các vật dụng khác.

Thời gian bán hàng tại hai tuyến đường là từ 6 giờ đến 9 giờ sáng và từ 11 giờ đến 13 giờ trưa. Đó là tại TP Hồ Chí Minh, còn tại Hà Nội, liệu những tuyến phố có các cửa hàng tư nhân và người dân sống bám vào vìa hè liệu có nên tổ chức lại để tạo sinh kế cho người dân hay không?

Kẻ vạch quy định xe máy để phía trong vỉa hè có thể làm khó cho người đi bộ vì vướng cột điện và cây xanh phía bên ngoài - Ảnh: Hữu Thuận

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị, việc tổ chức lại để tạo sinh kế cho người dân là điều cần thiết. TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, hàng rong là một đặc sản của phố đô thị và chỉ xuất hiện ở một số nơi, chứ không phải tất cả. Thị trường ở đâu có nhu cầu thì ở đó mới có cung. Tuy nhiên, nếu cái cung đó cản trở đến các chức năng khác của vỉa hè thì mình phải thu xếp lại. Theo ông Phạm Sỹ Liêm, quản lý đô thị thế nào để những nhu cầu của xã hội được đáp ứng một cách trật tự, không “cản” nhau mới là cái đích cần hướng tới. Bởi nếu cực đoan cấm tất chỉ còn lại chức năng đi bộ thì vì ếng cơm manh áo, đại đa số người dân lao động vẫn sẽ lén lút làm.

Đề xuất về phương thức tổ chức, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, cần quy định rõ ràng và triệt để đối với những tuyến phố chính, đông người giờ cao điểm thì hàng rong không được phép hoạt động. Nhưng ở những đường ngách hai bên thì có thể cho hàng rong bày bán cho người có nhu cầu.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc tổ chức lại đời sống sinh kế cho người dân bằng việc tổ chức lại hè phố là việc làm rất cần thiết và cần phải coi đó là một trong những nhiệm vụ cần được ưu tiên. Đồng thời, việc tổ chức lại cũng cần được thực hiện theo hướng ổn định và lâu dài, nhằm tạo sự đồng thuận giữa xã hội cũng như khai thác tiềm năng kinh tế của vỉa hè. Để làm được điều này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, mỗi thành phố nên có chỉ đạo chung và ổn định về vấn đề này. Việc tổ chức lại để tạo sinh kế cho người dân cần phải được thực hiện theo phương án cụ thể cho từng khu vực cũng như từng nhóm đối tượng, chứ không thể áp dụng một cách cứng nhắc.

Xung quanh vấn đề tổ chức lại những tuyến phố có cửa hàng tư nhân và người dân sống bám vào vỉa hè để tạo sinh kế cho người dân, các chuyên gia đều đồng tình cho rằng đây là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để có thể triển khai thành công mô hình này trong thực tế, các cơ quan chức năng cần tìm hiểu nguyện vọng của người dân, những người kinh doanh về thời gian, địa điểm, không gian... Đồng thời, cân nhắc những phương án để hài hòa lợi ích giữa việc kinh doanh và lợi ích chung của cộng đồng, đảm bảo có thể thực hiện theo hướng ổn định và lâu dài.