Biến thể Omicron tấn công phi hành đoàn, hàng không hủy chuyến hàng loạt

Biến thể Omicron đang lan rộng và tiếp tục diễn biến phức tạp khiến ngành hàng không thế giới lâm vào cảnh lao đao. Những ngày gần đây, hàng ngàn chuyến bay bị hoãn, hủy do phi công hoặc thành viên phi hành đoàn mắc bệnh.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Hành khách xếp hàng dài tại sân bay Quốc tế John F. Kennedy, Thành phố New York, Mỹ hôm 26/12 -  Ảnh Reuters

Theo hãng tin CNN, chỉ tính riêng ngày 28/12 vừa qua, có hơn 2.800 chuyến trên thế giới bị hủy, trong bối cảnh biến thể Ocron lây lan mạnh ở nhiều quốc gia. Trong số các chuyến bay bị hủy, khoảng 1.000 chuyến đến hoặc đi từ Mỹ. 

Dữ liệu thống kê do trang web theo dõi chuyến bay FlightAware cho thấy, trong ngày 28/12, hơn 11.000 chuyến bay trên toàn cầu bị hoãn hoặc trễ giờ bay. Ocron tiếp tục là nỗi ám ảnh của hàng không thế giới ngay những ngày đầu năm 2022, khi hôm 2/1 mới đây, hơn 4.000 chuyến bay bị hủy trên toàn cầu.

Một số hãng hàng không lớn của Mỹ như Delta, United Airlines, Alaska Airlines thừa nhận, buộc phải hủy chuyến hàng loạt trong thời gian cao điểm du lịch, sau khi nhiều nhân viên mặt đất và thành viên phi hành đoàn nhiễm biến thể COVID-19 mới, Ocron.

Ông Bryan Quigley, Phó chủ tịch Cấp cao về hoạt động bay của United Airlines cho biết, sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm Ocron tác động trực tiếp đến thành viên phi hành đoàn của hãng và đội ngũ điều hành hoạt động bay. United Airlines phải hủy nhiều chuyến bay và đã thông báo trước cho những hành khách bị ảnh hưởng: “Số lượng phi công mắc COVID-19 của chúng tôi đang tăng lên. Các phi công xuất hiện triệu chứng đã được cách ly, ngoài ra chúng tôi còn có một lượng lớn phi công tronh danh sách xin nghỉ ốm”.

Theo các chuyên gia, việc các hãng bay buộc phải hoãn, hủy chuyến hàng loạt tác động không nhỏ đến khả năng phục hồi của ngành hàng không, bởi diễn ra đúng vào cao điểm du lịch cuối năm. 

Ông Henry Harteveldt, chuyên gia phân tích hàng không đến từ Công ty tư vấn Atmosphere Research, cho rằng, việc các chuyến bay bị hủy là bất khả kháng, song thật đáng thất vọng khi các hãng bay không chuẩn bị bất kỳ kịch bản đối phó nào: “Ocron đã đánh cắp kỳ nghỉ của nhiều hành khách đi máy bay. Các hãng hàng không không thể khai thác những chuyến bay bởi không đủ số lượng phi công và tiếp viên hàng không cần thiết, bởi yêu cầu an toàn là trên hết”.

Ông Harteveldt nhận định, dù chưa tác động quá nhiều đến doanh thu của các hãng hàng không, tuy nhiên, biến thể Ocron có thể khiến niềm tin vào ngành này bị lung lay. Nhiều hành khách sẽ cho rằng, các doanh nghiệp hàng không đang hoạt động chưa tốt, bởi các chuyến bay vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Biến thể Ocron đang lan rộng và tiếp tục diễn biến phức tạp khiến ngành hàng không thế giới lâm vào cảnh lao đao - Ảnh AFP

Chia sẻ quan điểm trên, anh Rohit Tejwani, người phải trải qua kỳ nghỉ Giáng sinh một mình trong khách sạn tại sân bay bày tỏ: “Tôi cảm thấy khá hụt hẫng và chán nản. Sắp lên máy bay thì tôi nhận thông báo rằng, chuyến bay của tôi đã bị hủy và không có chuyến nào khác trong ngày. Điều đó có nghĩa tôi không thể trở về với gia đình trong kỳ nghỉ này. Thật bực bội khi đại dịch vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách khác nhau, thậm chí đây đã là năm thứ 2 rồi”.

Không chỉ hàng không Mỹ bị ảnh hưởng bởi biến thể Ocron, hãng Lufthansa có trụ sở tại Đức cũng phải hủy hàng chục chuyến bay xuyên Đại Tây Dương trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh vì nhiều phi công nhiễm bệnh.

Trong khi đó, hãng hàng không Australia Jetstar cho biết, nhiều lao động phải xét nghiệm và cách ly vì COVID-19 lây lan, dẫn đến việc hoãn và hủy chuyến vào phút chót. Theo FlightAware, Jetstar có 45 chuyến hủy vào ngày 23/12 và 34 chuyến ngày 24/12. Hãng British Airways của Anh phải huỷ 46 chuyến bay trong ngày 27/12. 

Những thông tin tiêu cực khiến giá cổ phiếu của các hãng hàng không đồng loạt sụt giảm. Tuy nhiên, theo ông Henry Harteveldt, chuyên gia đến từ Công ty tư vấn Atmosphere Research, nhu cầu du lịch, đi lại đang bị dồn nén. Một khi vượt qua được thách thức này, ngành hàng không và du lịch nói chung sẽ vẫn có một năm 2022 khởi sắc.

Cục Hàng không Việt Nam mới đây có văn bản gửi các đơn vị liên quan về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát biến chủng mới Ocron của virus SARS-CoV-2.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình khẩn trương triển khai và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Các đơn vị cần nghiên cứu, tăng cường triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, thực chất vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cùng gia đình nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị, gia đình và toàn xã hội trước nguy cơ tái bùng phát trên diện rộng trong điều kiện thời tiết cuối năm và biến chủng Ocron.