Bêu tên người đổ rác bừa bãi có hợp lý?

Trước tình trạng đổ trộm rác ở nhiều khu dân cư, mới đây, một phường trên địa bàn Hà Nội đã dùng tới biện pháp dán ảnh người đổ rác trộm...

Những bức ảnh ghi lại hình ảnh một số người dân đổ rác, vứt rác không đúng nơi quy định đã được camera ghi lại.

Để chống lại tình trạng đổ rác bừa bãi, người dân tại một khu phố thuộc phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội đã cùng nhau góp tiền, lắp camera, in ảnh những người đổ rác trộm lên cột điện để “bêu tên”. 

Các bức ảnh đều được chọn để không lộ mặt người đổ rác song vẫn có đầy đủ, ngày giờ để chứng thực.  Chỉ vài ngày sau khi thực hiện, sáng kiến này đã phát huy tác dụng. Tình trạng đổ rác thải bừa bãi ra môi trường gần như không còn.

Tại khu vực lắp camera, trước đây bốc mùi hôi thối thì nay đã trở nên sạch đẹp, quy củ. Trong khi đó, nhiều người phải thừa nhận, những biện pháp trước đó như gắn biển cấm đổ trộm, cắt cử người túc trực đều không có hiệu quả:Bây giờ dân cứ đổ tràn lan như thế mình làm thế nào được, mình có quyền nói đâu. Một người đổ được là người sau cứ đổ theo. 

Tuy nhiên, việc đăng, treo ảnh những người đổ trộm chụp qua camera cũng đặt ra nhiều băn khoăn, nghi ngại liệu có vi phạm quy định nào của luật pháp liên quan đến hình ảnh cá nhân hay không?

Về vấn đề này, LS Lê Minh Trường, Văn phòng Luật Minh Khuê cho biết: Hiện nay hình ảnh cá nhân được quy định trong Luật Dân sự 2015, được coi như quyền nhân thân của cá nhân. Khi sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý, cho phép của cá nhân này. Do vậy việc dán hình ảnh của người vi phạm giao thông hay đổ trộm rác có dấu hiệu của việc xâm phạm quyền nhân thân theo quy định của luật Dân sự. 

Từ những bức ảnh cho thấy, người đổ rác sai quy định có cả người lớn tuổi, và thanh niên...

Không chỉ riêng Hà Nội, tại TPHCM, mỗi ngày có tới 2.300 tấn rác ở thành phố này được xả ra nơi công cộng. Bức xúc nhất là nạn đổ trộm rác thải công nghiệp, rác xây dựng, rác sinh hoạt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Từ năm 2018, chính quyền TP.HCM đưa ra nhóm 5 giải pháp có tính đột phá để giải quyết tình trạng này, trong đó cho phép phạt nguội qua hình ảnh trích xuất từ camera, đề nghị người dân cùng hỗ trợ phát hiện và công khai bêu tên người vi phạm và xây dựng các hương ước, quy ước bảo vệ môi trường tại các khu dân cư. Bên cạnh đó, một số đơn vị cũng chia sẻ sáng kiến thu gom rác, phân loại rác tại nhà bằng ứng dụng công nghệ mà người dân cũng không phải tốn chi phí…

Ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội, Thành đoàn TPHCM cho biết: Thường mình gọi xe ôm công nghệ để giao hàng thì phải trả tiền phí xe ôm, tuy nhiên những người thu gom rác này họ không lấy tiền. Họ nhận tiền từ công ty vận hành phần mềm. Công ty phần mềm thu gom và bán rác rồi trả tiền cho người đi thu gom. Việc làm này rất thuận lợi vì người dân không cần đợi giờ tập trung để chuyển rác ra ngoài. 

Bên cạnh giải pháp hỗ trợ từ doanh nghiệp như trên, những cách thức như cung cấp bằng chứng, bêu tên người vi phạm đã cho thấy có hiệu quả nhất định trong việc cảnh báo, qua đó nâng cao ý thức của người dân. Tuy nhiên, theo luật sư Lê Minh Trường, để làm được điều này, các địa phương cần có văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa về pháp lý để người dân được thực thi trong phạm vi quyền hạn của mình vì phải hành động tự phát.

Hiện nay ở các khu dân cư, tổ dân phố còn rất thiếu các kênh để người dân có thể tiếp cận với cơ quan chức năng, gần như không có cơ quan nào đứng ra tiếp nhận, xử lý rốt ráo những thông tin người dân trình báo mà mới chỉ có hình thức thông báo bảng tin, chia sẻ trên fanpage mạng xã hội của cộng đồng dân cư.

LS Lê Minh Trường nêu ý kiến: Cơ quan nhà nước cần có kênh tiếp cận thông tin rộng mở hơn, đặc biệt thông qua mạng xã hội để tiết kiệm thời gian, công sức của người dân chia sẻ bằng chứng vi phạm pháp luật và có thiết chế xử lý. Còn hiện nay người dân gặp bế tắc khi gửi bằng chứng đến cơ quan nhà nước hoặc được phản hồi rất chậm, hoặc không xử lý thích đáng.