Bắt “trend” gỏi gà măng cụt

Gỏi gà măng cụt” đang là từ khóa hot thời gian gần đây khi mà trên các trang mạng xã hội đều xuất hiện hình ảnh chế biến món ăn này và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của cộng đồng. Về mặt thị trường, xu hướng này được đánh giá là cách quảng bá tốt, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ.

Từ những năm 2000, vùng Lái Thiêu thuộc tỉnh Bình Dương là nơi đầu tiên chế biến món Gỏi gà măng cụt từ những trái măng cụt nhiều mủ, “xấu xí” để ăn giải trí. Với vị giòn chua của măng cụt, hòa vị ngọt thơm của gà cùng các thành phần nước sốt, hành phi… mà 20 năm qua, món ăn này được nhiều nhà vườn ở ĐBSCL chế biến để tạo hương vị mới lạ cho thực khách.

Gần đây, mạng xã hội đã làm món ăn này trở thành trào lưu được nhà nhà, người người hưởng ứng. Tầm “phủ sóng” của Gỏi gà măng cụt dày đặc khắp “cõi mạng”, trong 10 video clip đăng tải thì đã có đến 7 clip “quảng cáo” món ăn này, còn lại 3 clip cũng là xoay quanh việc hướng dẫn cách bóc bỏ măng cụt.

Anh Nguyễn Phạm Hoàng Việt – Giám đốc khu du lịch Lung Cột Cầu, TP Cần Thơ cho biết “sức hút” của món ăn này: "Măng cụt thì nó hội tụ đủ các yếu tố là: Chua, ngọt, chát, giòn. Khi trộn gỏi thì ăn rất ngon và mạnh ệng. Tới mùa măng cụt thì các nhà vườn làm được món này chỉ trong 1 tháng đến tháng rưỡi tháng là hết".

Món gỏi gà măng cụt đang góp phần giữ giá măng cụt cao trong thời gian dài so với mọi năm.

Khoảnh khắc thưởng thức món ăn này phải lệ thuộc theo mùa đã tạo nên cơn sốt “săn” bằng được trái măng cụt xanh trước khi chúng chín. Nhu cầu thị trường đã đẩy giá măng cụt xanh chạm ngưỡng 70.000 đồng/kg, loại gọt vỏ thì trên 500.000 đồng/kg.

Kéo theo, giá Gỏi cũng phải thấp nhất 350.000 đồng/phần và giúp giữ giá măng cụt chín ở mức cao trong thời gian dài so với mọi năm. Cách làm “khôn ngoan” này đã tạo ra khuynh hướng tiêu dùng mới, giúp nông dân tiêu thụ nông sản dưới hình thức chủ động hơn so với những mùa vụ trước.

Tuy nhiên, khai thác măng cụt còn xanh trên cành không đúng chuẩn sẽ dẫn đến phần Gỏi không ngon “lý tưởng” như kỳ vọng.

Chị Huỳnh Tiên – Chủ cửa hàng đặc sản ĐBSCL tại TP Cần Thơ chia sẻ cách chọn măng cụt phù hợp để chế biến thức ăn: “Cái trái mới chín điểm, vỏ còn xanh mà mới điểm vài đốm hồng thì đó là trái đã già và mới bắt đầu chín. Trái loại này làm gỏi mới ngon vì trái còn độ giòn và ngọt, hậu còn hơi chua, làm gỏi rất hợp và có hương vị của măng cụt. Hiện nay thương lái mua loại măng cụt xanh chưa già, thì loại này ruột của nó bị chua –chát –lạt làm gỏi không ngon”.

Măng cụt xanh được khuyến cáo nên hái trái già rọi để không ảnh hưởng đến mùa vụ năm sau và trộn gỏi cũng đậm hương vị hơn loại còn non.

Làn sóng “trỗi dậy” của Gỏi gà măng cụt đã kích cầu tiêu dùng cho nhiều món ăn tương tự như: Gỏi gà chôm chôm, Gỏi gà mãng cầu, Gà um dâu Hạ Châu, Gà om khoai lùn…

Bà Trần Thị Khuya – đầu bếp của khu du lịch sinh thái Chín Hồng, tọa lạc tại làng du lịch Mỹ Khánh, TP Cần Thơ cho biết: “Bây giờ mình có nhiều loại dâu mà gà thì mình cứ làm mấy món lặp đi lặp lại hoài nên cô thử làm món gà um dâu, ai ngờ thực khách ăn và khen ngon. Đất Phong Điền nổi tiếng là dâu, nếu ai bước về đất Phong Điền thì nên chọn món đầu tiên là gà um dâu. Nếu không chọn món này thì thiệt là một “thiếu sót”.

Trái dâu ở ĐBSCL cũng bước vào giai đoạn chín rộ được tận dụng để chế biến món Gà um dâu.
Gỏi bưởi cũng là một món ăn được ưa chuộng khi bước vào mùa hè.

Hiện ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ các loại cây ăn trái như: Sầu Riêng, Măng Cụt, Mãng Cầu, Chôm Chôm, Dâu Hạ Châu… đã giúp cho nhà vườn chủ động sáng tạo chế biến các món ăn từ trái cây. Nơi đây được dự báo là điểm dừng chân lý tưởng trong mùa hè này!