Barie và văn hóa vỉa hè

VOVGT - Việc lắp đặt barie rào chắn trên vỉa hè một số tuyến đường ở quận 1, Tp.HCM để giành lại sự an toàn cho người đi bộ hiện còn tồn tại một số hạn chế...

Nghe nội dung chương trình tại đây:

 

Vừa qua, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 - Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (Sở GTVT) thực hiện thí điểm lắp đặt hệ thống barie trên vỉa hè một số tuyến đường Pasteur, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm... thuộc phường Bến Nghé, Q.1, TP.HCM để ngăn xe máy chạy lên vỉa hè, giành lại sự an toàn cho người đi bộ.

Hệ thống barie được lắp đặt trên một số tuyến đường trung tâm Sài Gòn là giải pháp để ngăn xe máy chạy lên vỉa hè. Ảnh: Vietnamnet

14h21, tại khu vực trước Thư viện khoa học tổng hợp, Bảo tàng TP.HCM và Sở Giao thông vận tải TP.HCM, phóng viên có mặt, ghi nhận vỉa hè tại đây, các barie có đường kính khoảng 8cm, có dán các vòng phản quang màu cam, 3 thanh xếp so le nhau, độ hở giữa các thanh khoảng 80 cm được “đánh giá” là đủ rộng để người khuyết tật có thể đi xe lăn qua, được lắp đặt ở vị trí tiếp giáp vỉa hè và lòng đường tại các ngã ba, ngã tư, cạnh lối ra vào cơ quan, nhằm ngăn người đi xe máy và các loại xe tương tự chạy lên lề đường.

Trên một đoạn vỉa hè ngắn từ giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Tự Trọng đến giao lộ Pasteur – Lý Tự Trọng chỉ 100 mét nhưng có đến 4 hàng barie rào chắn cao khoảng 20cm. Tương tự, vỉa hè đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng được lắp đặt 2 barie rào chắn, nhưng chiều cao thanh barie được nâng lên khoảng 30 cm.

Đa phần các barie rào chắn ở các khu vực trên đều đã có dấu hiệu bị xâm hại và xuống cấp dù mới được lắp đặt cách đây không quá một tháng. Trong đó, nhiều thanh barie đã bị trầy xước, bong tróc các vòng phản quang một cách nham nhở. Mất thẩm mỹ nhất là việc để ngăn người điều khiển phương tiện đi xe lách qua khoảng trống hai bên của barie với vỉa hè, một thanh gỗ đã được buộc tạm bợ nối barie với gốc cây xanh ven đường, đồng thời, gốc của một số barie lại được dằn thêm nhiều loại đá tảng, đá tạp trông rất phản cảm, dễ làm người đi bộ bị vấp ngã.

Điều đáng nói, chỉ trong vòng 30 phút khảo sát và ghi nhận phản ảnh của người dân về việc lắp đặt barie tại khu vực vỉa hè đường Lý Tự Trọng, phóng viên tận mắt chứng kiến các barie rào chắn đã hoàn toàn vô tác dụng khi có đến 5 người điều khiển xe máy, một người điều khiển xe đạp lách qua barie một cách điệu nghệ, cho xe lên vỉa hè trước sự ngán ngẩm của nhiều du khách và người dân đi đường.

Thậm chí, họ còn lách xe sang bồn hoa bên cạnh để đi, khiến nhiều cây cỏ bị cán nát. Lúc này vẫn chưa phải là giờ cao điểm, lượng xe không đông, các phương tiện chủ yếu dừng chờ đèn tín hiệu. Vậy, câu hỏi đặt ra, vào giờ cao điểm thì có bao nhiêu phương tiện tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm này?

Vẫn còn nhiều người bất chấp lách qua thanh barie chạy trên vỉa hè cho nhanh. Ảnh: Thanh niên

Chung tình trạng trên, tại vỉa hè đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, khoảng 16h30, vẫn còn nhiều phụ huynh đón con em đã đậu xe trên vỉa hè, tiếp tục “vô hiệu hóa” các barie. Nguy hiểm không kém, các em học sinh trong khi chờ phụ huynh đón lại...ngồi hoặc đứng lên barie đùa giỡn.

Trước phản ứng trái chiều khá gay gắt từ phía dư luận, ngày 14/02, UBND quận 1 (Tp.HCM) đã có văn bản đề nghị Sở GTVT TP xem xét lại tính pháp lý và tính hợp lý của việc lắp barie rào chắn trên vỉa hè tại một số tuyến đường ở trung tâm TP để tránh xáo trộn thói quen đi bộ của người dân cũng như du khách.

Rõ ràng, lực lượng chức năng đã phối hợp, tiến hành ra quân xử lý trường hợp đi xe máy, xe đạp lên vỉa hè, các barie rào chắn cũng đã được lắp đặt, nhưng tại sao tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn như “bắt cóc bỏ dĩa”?

Diễn viên Trà Ngọc chia sẻ suy nghĩ và sự lo lắng của mình trước hành vi trên:

 

Về vấn đề này, GS.TS Vũ Gia Hiền – chuyên gia tâm lý Hội tâm lý giáo dục Tp.HCM – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Văn hóa du lịch cho rằng nguyên nhân là do sự ích kỷ chỉ biết nghĩ cho mình của những người vô ý thức

 

Ông còn cho biết, phải có những biện pháp cứng rắn hơn mới có thể giải quyết tình trạng này:

 

Với cương vị là Giám đốc trung tâm khuyết tật và phát triển DRD gắn bó, thấu hiểu người khuyết tật và những khó khăn của họ, chị Lưu Thị Ánh Loan, chia sẻ:

 

Việc lắp đặt barie rào chắn là một biện pháp nhằm giành lại vỉa hè đi bộ nhưng lại tạo ra nguy cơ tiềm ẩn cho chính người sử dụng mà ở đây chính là những người yếu thế trong xã hội như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và hơn hết là người khiếm thị, người khuyết tật. Với khả năng hạn chế, họ sẽ rất khó để quan sát và dễ dàng gặp nguy hiểm. Lúc đó, liệu ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi mà trong Luật giao thông đường bộ đã quy định rất rõ quyền của người đi bộ.

Như vậy, dù mang lại một số hiệu quả nhất định, nhưng chúng ta cần xem lại hoặc điều chỉnh, phát huy tính khả thi của biện pháp này bao gồm xem xét lại chiều cao hợp lý, bảng báo hiệu, vòng phản quang của barie có tham khảo ý kiến của người dân, Hội người khuyết tật, khiếm thị để có được giải pháp tối ưu cũng như những dư luận trái chiều không đáng có. Song song đó, ngoài việc xem xét lại hình thức xử phạt, răn đe còn rất cần sự chung tay không chỉ từ lực lượng chuyên ngành, cơ quan truyền thông đại chúng để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, để những barie rào chắn được gỡ bỏ trả lại mỹ quan đô thị vốn có và sự an toàn cho người đi đường, mang đến cái nhìn thiện cảm, sự yêu mến của du khách dành cho Thành phố.