Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá: Nơi lưu giữ khoảnh khắc thời gian

Làng Lai Xá (xã Kim Trung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) được coi là nơi khởi nguồn của nghề nhiếp ảnh Việt Nam.

Thế nhưng, để lưu giữ những nét truyền thống của nghề nhiếp ảnh từ hàng trăm năm nay, người dân làng Lai Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã cùng nhau góp tiền xây dựng bảo tàng nhiếp ảnh đầu tiên tại Hà Nội.

Không gian bên trong Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá - Ảnh Báo Lao Động

Một chiếc máy ảnh gỗ, một bộ bàn ghế cũ cùng một tấm phông phong cảnh vẽ tay… được bố trí ngay tại tầng 1 của Bảo tàng  nhiếp ảnh Lai xá, tái hiện không gian của một tiệm chụp ảnh xưa: "Em đang là sinh viên năm 3 khoa Nhiếp ảnh. Vào đây thì bọn em như được trải nghiệm, hiểu hơn lịch sử văn hóa của nhiếp ảnh. Với em, nhiếp ảnh là một công cụ văn hóa để lưu lại và giữ gìn những kí ức đẹp trong gia đình và xã hội".

Suốt nửa đầu thế kỷ 20, những người thợ ảnh Lai Xá sử dụng máy ảnh hộp gỗ, 3 chân, chụp bằng phim kính. Cho tới nay, bảo tàng làng nghề Lai Xá vẫn lưu giữ một bảo vật rất đặc biệt, đó chính là một chiếc máy ảnh chụp phim kính.

Chiếc máy ảnh này cũng đã gắn bó với Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nhật Minh trong suốt một thời gian trai trẻ theo học nghề và làm nghề nhiếp ảnh.  Với ông, mỗi khi chạm vào chiếc máy, kí ức về những ngày tháng đẹp làm nghề ảnh lại ùa về.

Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Minh Nhật , cửa hiệu ảnh Sơn Hà, Lai Xá  bổi hồi kể: "Bắt đầu khởi nghiệp của các cụ là sử dụng chiếc máy đó.  Nếu nói về ống kính thì loại do nước Anh sản xuất là tốt nhất. Mà người ta sản xuất đơn chiếc không như bây giờ là hàng loạt. Vì sản xuất đơn chiếc nên độ đẹp sẽ khác nhau. Cái đó chuyên dùng để chụp nửa người, không chụp được cả người. Cái ống kính nó rất đẹp nên ảnh nó cũng rất đẹp"

Các loại thuốc rửa, lên màu, lên phim...được những người thợ nhiếp ảnh xưa sử dụng in phóng ảnh cũng được trưng bày trong bảo tàng. Đặc biệt là phòng tái hiện không gian in phóng ảnh thời xưa, căn phòng hẹp dùng ánh sáng đỏ của buồng tối tráng phim, rửa ảnh.

Nói về sự kỳ công khi làm ra một bức ảnh, ông Đinh Tiến Ngoc, người dân làng Lai Xá chia sẻ: "Làm nên một bức ảnh rất kỳ công và vất vả nhưng sự sáng tạo vất vả đấy lại làm nên một bức ảnh đẹp thì nụ cười của những người Lai Xá của chúng tôi rất tươi. Nhiếp ảnh là linh hồn để ghi lại những khoảnh khắc, cái đẹp nhất của con người để từ đời này qua đời khác sẽ không bao giờ bị mất đi và phai mờ".

Gìn giữ lại cho thế hệ sau về nghề truyền thống– đó cũng là mong muốn của những người dân Lai Xá khi nhen nhóm ý tưởng xây dựng bảo tàng. Đây cũng là bảo tàng đầu tiên do cộng đồng một thôn tự đầu tư và tổ chức trưng bày giới thiệu về truyền thống của một làng nghề, làng nhiếp ảnh.…

Là một trong những người khởi xướng và nhiệt tình vận động mọi người trong làng chung tay xây dựng bảo tàng, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh mang tên tổ nghiệp Nguyễn Đình Khánh chia sẻ: "Bảo tàng góp phần vào giá trị văn hoá truyền thống ảnh của HN, cũng như  cả nước. Cũng là điểm để mọi người, du khách, nhà nghiên cứu, người yêu thích nhiếp ảnh đến để tham quan, đặc biệt là những người làm ảnh truyền thống thực ra giờ cũng ít, để mọi người biết được quá trình phát triển như thế nào. Cũng là nơi lưu giữ để cho các học sinh, sinh viên ngành nhiếp ảnh đến để nghiên cứu".

Với diện tích 300 m2, bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá hiện là nơi trưng bày khoảng 150 bức ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt và gần 15 tủ kính với khoảng 150 hiện vật.

Người Lai Xá mong muốn bảo tàng quê mình cùng Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và những thế mạnh về di sản văn hoá truyền thống của làng, về sức sống của một làng quê đang thể hiện hàng ngày khi chuyển đổi từ sinh kế nông nghiệp làm lúa sang các hoạt động dịch vụ mới trở thành điểm du lịch hấp dẫn của thành phố.