Bạn thực sự có việc khẩn cấp?

Lái xe trên các tuyến cao tốc trong dịp nghỉ lễ vừa qua, không khó để nhận thấy, làn đường khẩn cấp thường xuyên bị sử dụng sai mục đích.

Điển hình là tuyến cao tốc từ sân bay Nội Bài về cầu Nhật Tân (Hà Nội) hôm 4/9, xảy ra một vụ tai nạn lật xe khiến hàng dài phương tiện hướng về Thủ đô bị ùn ứ nhiều cây số.

Không ít lái xe ra sức luồn lách giữa các làn đường nhằm tìm cách thoát khỏi trạng thái này. Lúc chen ngang xe khác ở làn ngoài cùng, lúc tạt đầu sang làn giữa, khi chạy hẳn vào làn khẩn cấp.

Do thiếu kiến thức cơ bản về luật giao thông đường bộ, họ không ngờ rằng, việc chạy vào làn khẩn cấp lại làm chậm hơn thời gian di chuyển của mình và những người xung quanh, thậm chí tước đi cơ hội cứu chữa sớm với người bị nạn.

Bởi đây là nơi xe cứu nạn cứu hộ, lực lượng chức năng có thể di chuyển và tiếp cận sớm nhất đến hiện trường sự cố giao thông. Đây cũng là nơi các xe hư hỏng, gặp nạn được di dời tạm vào để đảm bảo an toàn, phục vụ phân luồng, thoát xe.

Theo quy định hiện hành, đi vào làn khẩn cấp trái quy định có thể bị phạt lên tới 6 triệu đồng, tước GPLX 3 tháng. Dẫu thiệt đơn, thiệt kép, thiệt cho cả cộng đồng như vậy, song số lượng tài xế điều khiển xe lấn làn khẩn cấp vẫn tương đối nhiều.

Có tài xế mải tìm cách thoát khỏi ùn tắc đã chặn đầu xe cứu thương, xe chữa cháy. Có người dừng xe lại để… trải bạt ăn nghỉ, ngắm cảnh, check-in, ngay cạnh những chiếc xe đang lao đi với vận tốc cả trăm cây số trên giờ. Cũng có xe theo thói quen “điền vào chỗ trống”, hễ thấy nơi nào thoáng là đánh lái chạy vào, thấy xe trước đi thì mình cũng đi.

Hình ảnh ô tô nối đuôi nhau đi vào làn khẩn cấp trên đường vành đai 3 đoạn qua Phạm Hùng, hướng đi cầu Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh cắt từ clip)

Thực tế, “làn đường khẩn cấp”, hay “làn dừng khẩn cấp” chỉ dành cho các xe ưu tiên như xe quân sự, công an, cấp cứu, cứu hỏa, hộ đê… Trường hợp khác được phép dừng khi xảy ra sự cố bất khả kháng như hỏng xe, thủng lốp, sức khỏe tài xế có vấn đề. Kèm theo đó, tài xế phải bật đèn cảnh báo, có vật báo hiệu từ xa để các xe khác nhận diện.

Từng có thời, các chủ xe lợi dụng đèn cảnh báo để dừng xe, đối phó với việc bị cảnh sát giao thông gọi vào nhắc nhở, xử lý vi phạm. Hiện tượng này đang dần lan sang các tuyến cao tốc, khi một số tài xế bấm đèn cảnh báo vô tội vạ rồi phi thẳng vào làn khẩn cấp để được nhận quyền ưu tiên.

Ngoài các chế tài xử phạt, sự giám sát từ cộng đồng (gửi bằng chứng hình ảnh để phạt nguội), vấn đề cốt lõi vẫn là tính tự giác, trách nhiệm của người lái.

Trước khi đánh lái vào làn khẩn cấp, các bác tài cần cân nhắc nghiêm túc, liệu các bạn thực sự có việc “khẩn cấp”?

Nếu không, đừng cố tình phạm luật mà cản trở cơ hội được hỗ trợ, giải cứu của những người hoạn nạn. Các bác tài nên chung tay trả làn khẩn cấp về đúng chức năng nó được thiết kế.