Bạn muốn gì ở vỉa hè?

Suốt 1 tuần qua, vỉa hè là tâm điểm trong các chiến dịch ra quân nhắc nhở, cưỡng chế, xử lý vi phạm trật tự văn minh đô thị ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đây là một phần trong kế hoạch của chính quyền Thủ đô nhằm xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, đặc biệt là trông giữ phương tiện. Mục tiêu của chiến dịch được mô tả “trả lại nguyên trạng hè phố, giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.

Với sự kiên quyết từ các lực lượng sở tại; với cơ chế giám sát chặt chẽ trong việc cắt, hạ thi đua với cá nhân, đơn vị trên địa bàn tồn tại các điểm vi phạm phức tạp, có thể nói, chiến dịch đã bước đầu tạo được chuyển biến rõ nét. Một số vỉa hè đã trở nên phong quang, và có thể đi bộ.

Mặc dù vậy, nỗi lo “đầu voi đuôi chuột” vẫn lởn vởn trong tâm trí nhiều người dân Hà Nội, nếu nhìn lại các chiến dịch dẹp loạn vỉa hè trước đây, vốn chỉ phát huy được thời gian ngắn, sau đó đâu lại vào đấy.

Thành công của một chính sách không chỉ phụ thuộc ý chí của các lực lượng thực thi, mà còn ở các chủ thể chịu tác động. Đó là những người bán hàng, kinh doanh dịch vụ bám vào diện tích công sản, những người kinh doanh ở cửa hàng có mặt tiền, và cả chính những người điều khiển ô tô, xe máy đi lại trong khu vực.

Thực tiễn cho thấy, tính tự giác của cộng đồng trong việc tôn trọng không gian công cộng là rất thấp. Vì những nguồn lợi nhỏ trước mắt, nhiều cộng đồng đã chấp nhận sống chung với sự tùy tiện, bừa bãi. Họ tìm mọi cách ăn gian, tối ưu hóa không gian cho dịch vụ của mình, trong khi lại bóp nghẹt không gian, sự an toàn của người khác, và cũng vô tình làm suy giảm hình ảnh, làm chậm quá trình tiến lên văn nh của đô thị.

Có lẽ, chỉ có 3 nơi vỉa hè thực sự là vỉa hè tại Hà Nội: Thứ nhất là những đoạn tuyến bố trí barie cứng, ngăn trở phương tiện leo lên; Thứ hai là những tuyến phố có người canh gác, như đại sứ quán, khu vực quân sự; và Thứ ba là những con đường đến trường trong hình dung và giấc mơ của trẻ em. Những nơi đó đều không có bóng dáng hoạt động kinh tế của con người.

Giá như mỗi tiểu thương chấp hành nghiêm túc trong phần không gian được kẻ vạch; Giá như mỗi bãi giữ xe thực hiện đúng cam kết về diện tích theo giấy phép; Giá như mỗi thực khách không dễ dàng thỏa hiệp với sức hấp dẫn của món hàng tràn ra hè phố; Giá như mỗi chủ phương tiện cân nhắc kỹ hơn thay vì vô thức lao lên nơi đi bộ, cốt chỉ để tìm được một chỗ đỗ xe.

Giá như mỗi thị dân đều tự vấn rằng, chúng ta thực sự muốn gì ở vỉa hè? Chúng ta có muốn vun đắp tình yêu của con em chúng ta với thành phố này, bắt đầu từ tình yêu hè phố?

Hà Nội có thừa giải pháp để bảo vệ vỉa hè, diện tích công sản. Nhưng dường như, các nhà quản lý, lực lượng xử lý vi phạm, các cộng đồng chịu ảnh hưởng, tất cả vẫn đang bảo vệ vỉa hè và giá trị của vỉa hè theo những cách hiểu không giống nhau./.