An toàn lao động xây dựng: Xin đừng thờ ơ

Tai nạn lao động thường để lại hậu quả khôn lường nếu xảy ra. Vụ sập tường công trình ở Khu công nghiệp Giang Điển, huyện Trảng Bom, tỉnh đồng Nai xảy ra vào giữa tháng 5 vừa qua, khiến 10 người tử vong và 14 người bị thương là một thí dụ điển hình.

Vì sao ngành chức năng đã có nhiều giải pháp, song tỉ lệ tai nạn lao động trong ngành xây dựng vẫn ở mức cao? 

Ảnh nh họa

Lao động để mưu sinh là điều hiển nhiên. Dù lao động trí tuệ, hay hay chân tay thì việc đảm bảo các biện pháp an toàn đều phải đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, rất nhiều người lao động lại ít, hoặc không quan tâm, thậm chí bỏ qua điều đó một cách dễ dàng. 

Nguyên nhân của tình trạng này là bởi người lao động trong ngành xây dựng đa phần là làm theo thời vụ. Trong quá trình ký hợp đồng làm việc, thường thỏa thuận một cách qua loa, sơ sài, không ràng buộc trách nhiệm, không bảo hiểm lao động, cũng không tập huấn kiến thức lao động. Đã vậy, nhiều trường hợp còn không mang thiết bị bảo hộ khi làm việc. 

Về phía nhà thầu, để tiết kiệm chi phí, phủi bỏ trách nhiệm nên cũng “đồng lòng nói không” với mọi thứ. Đến khi tai nạn xảy ra, thì tìm cách đổ lỗi, tìm người chịu trách nhiệm. Hậu quả, người lao động chịu thiệt thòi nhất. Nguy hại hơn, sự dễ dãi trong thỏa thuận lao động đã tạo thành tiền lệ pháp lý xấu cho nhà thầu, còn người lao động chính đáng thì… “ngậm quả đắng”.

Vì vậy, người lao động cần trang bị các kỹ năng phòng ngừa, như phải được tập huấn các kiến thức lao động, học tập, nâng cao trình độ lao động; được đảm bảo môi trường làm việc an toàn, có trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân; được pháp luật bảo vệ về chế độ bảo hiểm… và cả quyền từ chối với những công việc nguy hiểm. 

Và một điều không thể thiếu, đó là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc giám sát nhà thầu thực hiện đúng và đầy đủ các quy định, nhằm hạn chế rủi ro.