An toàn cao tốc: Đâu phải quả bóng mà chuyền đi chuyền lại

Đây là vấn đề phức tạp, không thể trong ngày 1 ngày 2 mà giải quyết được, song thay vì tích cực nhìn nhận và chủ động tìm cách tháo gỡ thì “quả bóng trách nhiệm” lại bị chuyền đi chuyền lại một cách nhàm chán.

Đâu đó vẫn còn sự lừng khừng, lững thững trong việc hoàn thiện các quy chuẩn, cơ chế chính sách về quản lý, khai thác, bảo trì bảo dưỡng các tuyến cao tốc đang trong giai đoạn chờ bàn giao (Ảnh: VnExpress)

Dịp lễ 30/4, 1/5 vừa qua tôi nhẹ nhàng hoàn thành lộ trình từ TPHCM đến thành phố biển Nha Trang trong chưa đầy 5 tiếng đồng hồ. Một trải nghiệm đầy thú vị suốt hơn 350km đường cao tốc, song vẫn còn chút gợn khi đi qua các phân đoạn Phan Thiết – Dầu Giây, Phan Thiết – Vĩnh Hảo. Thiếu ánh sáng, thiếu trạm dừng nghỉ hoàn chỉnh và thiếu cả những thiết bị chỉ dẫn an toàn…

Đoạn đường từ TPHCM đi Nha Trang nói riêng và nhiều cung đường quan trọng khác nói chung trên cả nước giờ đã được nối liền bởi hệ thống đường bộ cao tốc được đầu tư xây dựng thần tốc. Chỉ trong vòng hơn 3 năm từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã có khoảng 1000km đường cao tốc được thông xe, khối lượng tương đương với khối lượng 20 năm đầu của thế kỷ 21.

Với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, thi công “3 ca 4 kíp”, “chỉ bàn làm không bàn lùi’…cùng dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ thì mục tiêu hoàn thành 3000km đường cao tốc vào năm 2025 hay 5000km vào năm 2030 là tương đối khả thi.

Trái ngược với sự thần tốc trong đầu tư xây dựng thì đâu đó vẫn còn sự lừng khừng, lững thững trong việc hoàn thiện các quy chuẩn, cơ chế chính sách về quản lý, khai thác, bảo trì bảo dưỡng các tuyến cao tốc đang trong giai đoạn chờ bàn giao.

Câu chuyện về các nút giao trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây tối om vì bị cắt điện đầu tháng 4 vừa qua đã chỉ ra hàng loạt bất cập trong việc chậm trễ ban hành các cơ chế cần thiết để đảm bảo vận hành cao tốc an toàn.

Cần phải có những “khoảng lặng cần thiết” để các bên điều chỉnh, hoàn thiện qua đó hướng đến mục tiêu hiệu quả, bền vững hơn trong tương lai (Ảnh: VOV)

Nếu các bên có trách nhiệm không tích cực ngồi lại để tháo gỡ thì không chỉ Phan Thiết – Dầu Giây mà Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng sẽ sớm rơi vào cảnh tương tự.

Khi đi tìm lời giải cho bài toán này, chúng tôi chỉ nhận được sự im lặng hoặc thái độ né tránh từ các cơ quan chủ quản hay các chủ đầu tư dự án. Vẫn biết đây là vấn đề phức tạp, không thể trong ngày 1 ngày 2 mà giải quyết được, song thay vì tích cực nhìn nhận và chủ động tìm cách tháo gỡ thì “quả bóng trách nhiệm” lại bị chuyền đi chuyền lại một cách nhàm chán.

Với những người yêu bóng đá, hẳn sẽ khó quên được thập kỷ hoàng kim của câu lạc bộ Barcelona (2005-2015) với mũi đinh ba MSN (Messi – Suarez – Neymar) huyền thoại cùng chiến thuật tiki-taka đầy mê hoặc. Song một khi những đường chuyền trở nên quen thuộc thì lối chơi của đội bóng xứ Catalonia trở nên nhàm chán và thành công vì thế ngày càng ít ỏi hơn. 

Nói vậy để thấy bóng đá dù hấp dẫn đến đâu cũng phải thay đổi, cho nên việc đẩy nhanh tốc độ phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc nước ta cho dù đang ở giai đoạn hứng khởi nhất cũng cần phải có những “khoảng lặng cần thiết” để các bên điều chỉnh, hoàn thiện qua đó hướng đến mục tiêu hiệu quả, bền vững hơn trong tương lai.