Ăn tết, đừng no bụng, đói con mắt

Tết này ăn gì? Đó luôn là câu hỏi quen thuộc của mỗi gia đình.

Ảnh nh họa
 

Với quan niệm Tết là nhất, nên dù cuộc sống còn khó khăn, thì năm hết tết đến, người ta vẫn phải chuẩn bị cho tươm tất, từ đồ ăn thức uống đến trang hoàng nhà cửa. Trước tiên là lo mâm cơm cúng ông bà tổ tiên được chu đáo, thể hiện lòng thành kính của cháu con, sau nữa là có ếng ngon ếng lành để gia đình sum họp, anh em đoàn tụ. Vì thế, đồ ăn ngày Tết thường được mua dư so với nhu cầu.

Ngày Tết, nhất định phải có bánh chưng thắp hương, mặc dù không ăn đến. Tết, cũng không thể thiếu gói bánh gói kẹo, dù trẻ con bây giờ hạn chế ăn đồ ngọt và người tiểu đường thì càng tuyệt đối không đụng vào. Rồi vì ngại phải đi chợ sớm, nên rau củ quả, đồ ăn uống hàng ngày cũng sắm nhiều hơn, chất đầy tủ.

Khổ nỗi, cỗ bàn nhìn đã đủ no. Ăn uống ngày thường cũng như ngày Tết, nên nhiều khi bày ra rồi lại cất vào. Mà không thể hôm nay ăn thứ này, ngày mai lại bấy nhiêu thứ đó. Cuối cùng, xong mấy ngày Tết, đồ ăn trong tủ còn nguyên. Bánh kẹo lại tìm cách đem cho. Nhiều nhà, con cháu đem bánh chưng ở quê ra cất tủ lạnh cho đến khi hỏng thì vứt.

Còn chuyện chơi Tết, với tâm lý cả năm mới có một lần, một số người sẵn sàng chi rất nhiều tiền để sắm cây cảnh, đồ trang trí cho nhà cửa có không khí xuân. Nhưng đào quất mua xong, gia chủ lại đóng cửa về quê, để mặc hoa toàn, nhụy héo. Hoặc chơi cây không hoàn toàn vì sở thích, mà vì muốn thể hiện với xóm làng láng giềng.

Ăn chơi là chuyện mỗi nhà. Chắt chiu cả năm, cũng phải có lấy mấy ngày rủng rỉnh. Tuy nhiên, sự lãng phí không chỉ là có lỗi với chính mình, mà còn phải tội với người nghèo. Vì thế, ăn Tết đừng no bụng, đói con mắt, để rồi Tết xong lại lao vào cày cuốc, bù lại một phút “vung tay”.

----

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 8/2 tại đây: