Ẩn họa TNGT từ việc đi bộ mất tập trung

Tình trạng nhiều người đi bộ có thói quen ‘cắm mặt vào điện thoại’, dẫn tới mất tập trung không chỉ gây tai nạn cho chính bản thân họ mà cả những người xung quanh.

Đầu cúi gằm, hai mắt cụp xuống, tai bịt kín headphone và bước đi lơ đễnh như những con ‘Zombie’ là thực trạng của nhiều người đi bộ ở Singapore.

Trên các tuyến phố, hình ảnh những khách bộ hành vừa rảo bước qua đường, vừa ‘cắm mặt vào điện thoại’ quen thuộc đến nỗi nếu ai làm khác đi, đều có thể trở nên lạc lõng.

Một cuộc khảo sát của Đại học Công nghệ Nanyang cho thấy, hơn 90% trong tổng số 400 người được hỏi thừa nhận họ làm ‘nhiều việc cùng một lúc’ trong khi đi bộ. Điều này dẫn tới gần 600 vụ tai nạn, bao gồm vấp ngã, va chạm với người đi bộ khác hay với phương tiện giao thông.

Điều trớ trêu là hơn 80% cho biết, họ nhận thức rõ sự nguy hiểm của việc đi bộ mất tập trung, nhưng vẫn cứ làm.

Đi bộ mất tập trung tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn - Ảnh Straits Times

Nói về lý do sử dụng điện thoại khi đi bộ, một số người chia sẻ: “Tôi thích lướt các trang mạng xã hội như Instagram, Tik Tok, Facebook, nhắn tin cho bạn bè hoặc chơi điện tử khi đi bộ”.

“Những việc này thường không cấp bách lắm, nhưng trong xã hội hiện đại, mọi người đều muốn tiết kiệm tối đa thời gian”

“Đôi khi bạn cảm thấy nhàm chán với mọi thứ xung quanh, vì vậy việc rút điện thoại ra để làm gì đó trở thành bản năng tự nhiên”

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, việc này có thể dẫn tới những hậu quả bi thảm. Điển hình nhất là cái chết của Mohamad Yusman Sahadan, 52 tuổi, tử vong sau khi bị ô tô đâm vào năm 2022.

Cuộc điều tra của cảnh sát sau đó phát hiện ra, người đàn ông này mất tập trung bởi xem điện thoại khi đi bộ qua ngã tư nên không kịp phản ứng với dòng xe cộ trên đường.

Ông Navdeep Vij Singh, nhà khoa học thần kinh kỹ thuật số tại Trung tâm khoa học thần kinh Neurowyzr cho biết: “Khoảnh khắc mắt tập trung vào màn hình điện thoại, tầm nhìn của chúng ta sẽ thu hẹp lại và não bộ phản ứng bằng cách rút ngắn khoảng cách bước chân. Chính vì vậy nhiều người không cảm nhận được là họ đang di chuyển chậm lại. Nghiên cứu còn phát hiện ra, sử dụng điện thoại khi đi bộ khiến cơ cổ phải chịu tải trọng cao hơn từ 20-40% so với ngồi hoặc đứng. Điều này dẫn đến tình trạng đau đầu, cổ, vai, gáy.

Tư thế cổ thường xuyên cúi về phía trước còn gây cảm giác mất thăng bằng, tăng nguy cơ vấp ngã, suy giảm khả năng phối hợp chuyển động và rối loạn chức năng ở hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa và thần kinh”.

Trong khi đó, bác sĩ phẫu thuật thần kinh Prem Pillay từ Trung tâm y tế Não và cột sống cảnh báo, việc sử dụng điện thoại khi đi bộ khiến não có thể bị quá tải bởi những thứ gây mất tập trung, thậm chí vượt quá ngưỡng chịu đựng của võ não: “Ví dụ, khi bạn vừa đi bộ vừa nhắn tin cùng một lúc, vỏ não sẽ phải vận động gấp đôi, đó là một gánh nặng rất lớn. Và khi hiệu suất não giảm xuống, rất có thể bạn sẽ làm một điều gì đó nguy hiểm như vượt qua dòng xe cộ đông đúc và rất dễ gặp tai nạn”

Trước thực trạng người đi bộ mất tập trung ngày càng gia tăng, nhiều sáng kiến đã được nhà chức trách Singapore đưa ra, trong đó có việc lắp các dải đèn LED, đồng bộ với đèn tín hiệu giao thông, nhằm giúp những người đi bộ đang nhìn vào điện thoại băng qua đường một cách an toàn. Người ta cũng dán những tấm lớn dưới lòng đường có dòng chữ ‘Hãy ngẩng đầu lên’ và biểu tượng điện thoại di động bị gạch chéo để cảnh báo các khách bộ hành. Tuy nhiên, hầu hết sáng kiến này đều không mang lại hiệu quả đáng kể và kết thúc sau thời gian thử nghiệm.

Mới đây, cảnh sát Singapore phải đưa ra ‘quy tắc ứng xử’ dành cho tất cả người tham gia giao thông, trong đó khuyến cáo hành vi sử dụng điện thoại khi đi bộ. Tuy nhiên, đề xuất xử phạt vấp phải nhiều quan điểm trái chiều. Ông Bernard Tay, Chủ tịch Hội đồng An toàn Đường bộ Singapore cho rằng, việc thực thi sẽ khó khăn và người dân có thể phản ứng gay gắt với quy định này. Ngoài ra, cảnh sát không thể có mặt 24/7 ở mọi chỗ, mọi nơi.

Nhiều thành phố trên thế giới thúc đẩy các điều luật mới nhằm hạn chế người đi bộ mất tập trung - Ảnh Shutterstock

Theo ông Bernard Tay, việc xử phạt chỉ nên là ‘giải pháp cuối cùng’. Hội đồng An toàn Đường bộ đang tăng cường giáo dục cộng đồng thông qua các buổi nói chuyện, phát tờ rơi hay video trực tuyến.

Chia sẻ quan điểm trên, Tiến sĩ Maria Cecilia Rojas Lopez, Giảng viên cao cấp tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore nhận định: “Nếu đưa ra quy định xử phạt sẽ nảy sinh những câu hỏi liên quan đến mức độ sử dụng điện thoại như thế nào được coi là mất tập trung và những trường hợp nào là được phép. Ngoài ra, một điều luật như vậy sẽ cần rất nhiều nhân lực để thực thi vì nhiều người đã quá quen với việc vừa đi bộ vừa sử dụng điện thoại”.

Tuy nhiên, Singapore không phải nơi duy nhất xảy ra tình trạng người đi bộ mất tập trung gây nguy cơ tai nạn giao thông. Nhiều thành phố trên thế giới đã phải thúc đẩy các điều luật mới nhằm hạn chế thói quen xấu này.

Theo đó, Honolulu là thành phố lớn đầu tiên tại Mỹ xử phạt người đi bộ gần 100 USD cho hành vi băng qua đường trong khi nhìn vào các thiết bị điện tử. Các thành phố như Idaho hay California cũng cấm nhắn tin, thậm chí nghe điện thoại khi băng qua đường.

Tại thành phố Baguio của Philippines, những người đi bộ mất tập trung có thể đối mặt với cảnh cáo từ chính quyền hoặc 10 ngày lao động công ích.

Tại Việt Nam, người đi bộ luôn được xem là nhóm yếu thế khi tham gia giao thông. Do đó, Nhà nước luôn tạo những điều kiện tốt nhất, thuận tiện nhất để hỗ trợ và khuyến khích người dân đi bộ.

Tuy nhiên, Nghị định 100  mới chỉ đề cập đến việc xử phạt sử dụng điện thoại khi lái ô tô, xe máy, với mức phạt lên đến 2 triệu đồng. Trong khi đó, nguy cơ xảy ra tai nạn từ hành vi sử dụng điện thoại khi đi bộ là hiện hữu thì vẫn chưa được đề cập.

Về việc có nên bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại khi đi bộ hay không, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho rằng: “Chúng ta nhìn nhận một thực tế là ngay cả đến những người sử dụng xe cơ giới, xe máy, ô tô vừa đi vừa sử dụng điện thoại di động còn rất ít người bị xử phạt nếu chúng ta đề ra một quy định thiếu tính chất nghiên cứu thì tôi cho rằng là pháp luật rồi cũng nằm trên giấy chứ không thể đi vào đời sống được”.