Những công ty này huy động vốn của người cao tuổi, neo đơn, mắc bệnh hiểm nghèo số tiền hàng trăm tỷ đồng, nhưng không còn khả năng trả lãi và gốc.
90 ngày sau khi đơn thư được gửi đi, 25 ngày sau khi loạt phóng sự phát trên FM91 và các nền tảng số của kênh VOV Giao thông, Công an quận Cầu Giấy (Công an TP.Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự.
Trao đổi với VOV Giao thông, Đại úy Đoàn Minh Tú, cán bộ Đội cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và chức vụ, Công an quận Cầu Giấy cho biết, với tài liệu chứng cứ thu thập, cơ quan điều tra đã xác định được hành vi của ông Nguyễn Đức Toản có dấu hiệu phạm tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Tổng số tiền chiếm đoạt tính tới thời điểm tháng 11/2024 là trên 250 tỷ đồng, thuộc mức độ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: “Ngày 15/10/2024, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH An toàn thực phẩm Hà Nội và Công ty TNHH MTV ATBank do ông Nguyễn Đức Toản đại diện pháp luật.
Trong quá trình thu thập tài liệu, tiến hành khởi tố hình sự, việc ông Nguyễn Đức Toản đã chết cũng gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra để làm rõ hành vi phạm tội của ông ta, cũng như hành vi của các cá nhân có liên quan. Cơ quan điều tra vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp điều tra, làm rõ hành vi các cá nhân khác, khi đủ căn cứ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.
Như VOV Giao thông đề cập, các công ty do ông Nguyễn Đức Toản đại diện đã thực hiện một loạt dự án “bánh vẽ” liên quan dự án trồng sâm, ngọc cốt sinh phần trong chùa, lợi dụng sự cả tin, ước muốn làm giàu, độc lập tài chính của người cao tuổi để huy động vốn bằng hình thức vay vốn, đầu tư rồi trả lãi, trả “hoa hồng” rất cao nếu giới thiệu người vào sau. Khi mất khả năng thanh toán, các công ty của ông Toản lại đề nghị các nạn nhân ký hợp đồng chuyển đổi để giãn thời gian trả nợ, trả lãi, đồng thời âm thầm di dời trụ sở.
Ngoài nhóm các nạn nhân gửi đơn cầu cứu tới VOV Giao thông và đã có đơn tố giác gửi tới cơ quan công an, nhiều người già, người neo đơn, mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn Hà Nội cũng mong muốn trình báo việc bản thân bị lừa đảo bởi các công ty của ông Nguyễn Đức Toản.
Theo Đại úy Đoàn Minh Tú, tùy vào số lượng nạn nhân thực tế, có thể cơ quan điều tra sẽ đăng tải thông tin tìm kiếm và công khai số điện thoại liên hệ lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân gửi tài liệu, chứng cứ. Thời điểm hiện tại, người dân có thể làm theo cách như sau: “Trong thời gian tới, mong bà con sẽ hợp tác với cơ quan điều tra để làm việc. Một là bà con tới trực tiếp Công an quận Cầu Giấy gửi đơn tại bộ phận trực ban hình sự, hai là bà con gửi theo đường bưu điện tới Công an quận Cầu Giấy. Nội dung đơn, bà con có thể dựa theo một số đơn người gửi trước, thay nội dung vụ việc và số tiền bị hại vào. Khi đơn đấy đến cơ quan điều tra, sẽ sắp xếp để làm việc với từng người một”.
Do cả giám đốc và kế toán trong các công ty này đều đã thiệt mạng vì tai nạn, những tài sản có liên quan tới hành vi phạm tội khi được xác nh sẽ được phong tỏa theo quy định pháp luật. Đó cũng là cơ sở để các nạn nhân trong vụ án lừa đảo này tin vào khả năng lấy lại được tiền.
Đại diện nhóm nạn nhân là ông N.H.T (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cùng vợ đã nộp vào các công ty này gần 3,2 tỷ đồng. Hiện nay ông và người cùng cảnh ngộ chỉ có một mong muốn: “Hiện tại bây giờ, nói thẳng 99% bà con thiệt hại trong vụ này đều đã xơ xác, không còn gì, chỉ mong làm sao lấy lại được phần nào tiền. Có người bán nhà đi trả nợ, có người bán cả hai mảnh đất, vay mượn mọi người 8,7 tỷ, có người hôm trước còn bấn loạn, dấu hiệu tâm thần, chồng phải đưa đi viện”.
Bà N.T.L (ở Hà Đông, Hà Nội) gửi 385 triệu đồng vào “hệ sinh thái cho người già” mà công ty TNHH An toàn thực phẩm Hà Nội “vẽ” ra. Đến nay, bà thừa nhận sự dại dột, cả tin của bản thân, và vẫn chưa dám kể với chồng cùng gia đình về việc bị lừa: “Bản thân tôi và nhiều người nhà đầu tư có người mất nhà, ốm không có tiền, có người chết rồi. Tôi đây, xin chia sẻ với nhà báo VOV Giao thông, cứ nhắc đến điều đó, nước mắt cứ rơi.
Mình tằn tiện làm cả tuổi trẻ được ít tiền, cuối cùng lại đem nộp cho người ta đồng tiền mồ hôi nước mắt dễ dàng như thế. Mình quá dại. Rất mong Công an quận Cầu Giấy, Bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án giúp đỡ tất cả nhà đầu tư, chỉ mong lấy một khoản tiền nào đấy, khi gia đình có việc thì còn có cái trang trải, rất khổ tâm”.
Sau các vụ việc lừa đảo tài chính tương tự trên địa bàn, Công an quận Cầu Giấy khuyến cáo: Người lớn tuổi thường có tài sản tích cóp, tiền nhàn rỗi, muốn độc lập tài chính với con cái, nên dễ dàng bị đối tượng xấu lôi kéo dụ dỗ đầu tư vào các công ty, tổ chức.
Nhưng họ không có bất cứ dự án sinh lời nào, thực chất chỉ lấy tiền của nhà đầu tư sau trả tiền gốc, tiền lãi cho nhà đầu tư trước. Người già thường thiếu kiến thức về công nghệ, tài chính, kinh tế, hạn chế tiếp cận thông tin nên không nắm bắt được thủ đoạn lừa đảo tinh vi, xảo quyệt.
Để phòng ngừa, ngăn chặn loại hình tội phạm lừa đảo nhằm vào người cao tuổi, Công an quận Cầu Giấy đề xuất tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ dự án đầu tư, giấy tờ pháp lý, ngành nghề kinh doanh, năng lực tài chính của đơn vị định góp vốn đầu tư, nhờ các chuyên gia có kinh nghiệm kiểm tra tính khả thi, rủi ro của dự án.
Nhà đầu tư cần thận trọng với các lời cam kết trả lãi khủng, thưởng siêu cao. Kinh nghiệm từ các vụ án đã bị triệt phá, không có hoạt động đầu tư hợp pháp nào cho lợi nhuận siêu cao. Người dân cần tố giác tới cơ quan chức năng với những hoạt động tụ tập đông người làm hội thảo dụ dỗ, lôi kéo bà con vào các hoạt động huy động vốn trái phép.
Liên quan vụ án “siêu lừa” chuyên nhằm vào người cao tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội, VOV Giao thông sẽ tiếp tục cập nhật tới quý vị thính giả khi có diễn biến mới.