Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Một cuộc chiến mới với khói thuốc nơi công cộng

Phóng viên - 17/11/2020 | 5:50 (GTM + 7)

Với việc tăng chế tài xử phạt, mở rộng thẩm quyền các cơ quan xử lý, cho phép cộng đồng giám sát, cung cấp bằng chứng xử phạt nguội, viễn cảnh không còn những hình ảnh phì phèo khói thuốc nơi công cộng, chốn công sở sẽ không còn là điều quá xa vời.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Nghị định 117 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11. Nghị định nâng mức xử phạt tối đa lên 500 nghìn đồng với các hành vi: hút thuốc tại nơi bị cấm, người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá; tăng chế tài hầu hết các hành vi vi phạm Luật phòng chống tác hại thuốc lá.

Đặc biệt, Nghị định mở rộng thêm quyền xử phạt cho Thanh tra các Bộ, ngành, cho phép xử phạt nguội qua camera, hình ảnh… Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ uốn nắn nhận thức, hành vi của người hút thuốc nơi công cộng.

Từ 15/11, liệu còn cảnh phì phèo khói thuốc nơi công cộng?

Tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng tại công viên, sân chơi, bến tàu, nhà ga, trên đường giao thông, vẫn khá phổ biến. Ảnh: Báo Giao thông

Trao đổi với VOV Giao thông, một số thính giả nhận định rằng, mặc dù được tuyên truyền rất nhiều thời gian qua, song tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng tại công viên, sân chơi, bến tàu, nhà ga, trên đường giao thông, vẫn khá phổ biến, khiến nhiều người trở thành đối tượng hít khói thuốc lá thụ động.

“Mặc dù là người sử dụng thuốc lá nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ các chính sách hạn chế hút thuốc nơi công cộng hay làm ảnh hưởng đến người xung quanh”

“Hình thức xử phạt như thế nào, ai là người xử phạt thực sự rất khó để kiểm soát được hình thức xử phạt. Những nơi công cộng, đông người, khu vui chơi giải trí phải bắt buộc có phòng hút thuốc thì mới hạn chế được người ta hút thuốc ở ngoài”.

“Cùng nhau trao đổi công việc, nếu ngồi cạnh người hút thuốc lá, bản thân mình cảm thấy rất khó chịu vì khói thuốc lá nó không dễ chịu khi hít phải, mình ngửi phải khói thuốc cũng không đủ minh mẫn để nghĩ ra bất cứ điều gì khác, khá ảnh hưởng đến công việc”.

Theo ghi nhận của phóng viên, bên trong khuôn viên trường học, bệnh viện đã thực hiện rất nghiêm quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, tại các khu vực xung quanh, đặc biệt tại cổng trường học, bệnh viện vẫn bị bủa vây bởi khói thuốc. Rất nhiều hàng quán vô tư bán thuốc lá cho người dân hút tại chỗ.

Chị Hoàng Thị Lý, một chủ cửa tiệm tạp hóa trên phố Phủ Doãn (Hà Nội) chia sẻ:

“Thuốc lá này chỉ nghe cấm ở ti vi, đài báo chứ chúng tôi vẫn bán bình thường, chẳng ai hỏi han cũng chẳng ai bảo làm sao cả”.

Đáng lưu ý, không khó để bắt gặp hình ảnh giới trẻ, học sinh phì phèo thuốc lá, thậm chí hút thuốc lào. Nguyên nhân bởi việc tiếp cận và mua bán thuốc lá ở bất cứ độ tuổi nào đang quá dễ dàng.

“Em hút thuốc được 2 - 3 năm, thì em cũng đua đòi học theo nên em mới tập hút thuốc theo”.

 

Thản nhiên hút thuốc lá trong khuôn viên Bệnh viện
Thản nhiên hút thuốc lá trong khuôn viên Bệnh viện. Ảnh: Người lao động

Đề cập thực trạng nhức nhối về hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, nơi bị cấm hút hiện nay, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) thừa nhận, trong 5 năm thực hiện Nghị định 176 trước đây, vấn đề xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống tác hại thuốc lá đã được triển khai chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Cụ thể như xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, hành vi ép buộc người khác hút thuốc lá hoặc để trẻ em đi mua thuốc lá.

Do đó, theo bà Trần Thị Trang, Nghị định 117 năm 2020 được ban hành thay thế Nghị định 176 năm 2013 được kỳ vọng sẽ làm rõ hơn, đầy đủ hơn các hành vi vi phạm, rà soát để tăng mức xử phạt đối với một số các hành vi vi phạm để bảo đảm tính răn đe, cảnh báo nguy cơ tác hại cũng như là cảnh báo các tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh, chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

“Trước đây, thẩm quyền xử phạt được quy định rất chung chung và dễ chồng chéo cũng như không xác định rõ là cơ quan nào thì có thẩm quyền xử lý vi phạm. Đối với Nghị định 117 này, chúng tôi đã phân định rất rõ. Thứ nhất là mở rộng thẩm quyền xử phạt cho rất nhiều cơ quan, trong đó có lực lượng công an, có thanh tra y tế, thanh tra GD-ĐT, thanh tra của LĐ-TB-XH, của VH-TT-DL, Chủ tịch UBND các cấp, các lực lượng chức năng có thẩm quyền khác. Khi ta mở rộng thẩm quyền xử phạt như thế thì gia tăng nguồn lực để tổ chức thực thi pháp luật.”

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang nhấn mạnh, bên cạnh tăng mức phạt tối đa 500 nghìn đồng với hành vi hút thuốc lá nơi bị cấm, một trong những điểm mới quan trọng của Nghị định 117 là cơ quan chức năng được sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc qua phản ánh, kiến nghị của người dân để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan tới sử dụng, quảng cáo thuốc lá.

“Ví dụ như hút thuốc hoặc tiếp thị thuốc lá nơi công cộng hay quảng cáo thuốc lá trên môi trường mạng thông qua các video clip, các tài khoản mạng xã hội. Các hành vi này diễn ra nhanh chóng nên rất khó phát hiện và lực lượng chức năng thì không phải lúc nào cũng có mặt thường xuyên mà thường phải thông qua tố giác của người dân hoặc sử dụng các công cụ, phương tiện thiết bị để chụp ảnh lại hay là ghi âm, ghi hình lại trên mạng xã hội hoặc là dùng các công cụ truy quét để phát hiện ra các hành vi này. Khi xác minh được rồi thì sẽ tiến hành xử phạt nguội”.

Trong khi đó, GS. Lê Vũ Anh, Chủ tịch Hội y tế công cộng đánh giá cao những điểm mới mà Nghị định 117 đề cập. Tuy nhiên, để những quy định này đi vào đời sống đòi hỏi rất nhiều yếu tố và các cơ quan chức năng phải rút kinh nghiệm trong việc thực thi các Nghị định, văn bản luật trước đó. Như câu chuyện về mũ bảo hiểm hiện nay khi tình trạng người dân sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng, hoặc không đội mũ bảo hiểm vẫn diễn ra khá nhiều.

GS. Lê Vũ Anh cũng nhấn mạnh, những nơi vốn có quy định cấm hút thuốc lá thì nay phải thực hiện nghiêm túc theo Nghị định 117, đặc biệt là các cơ quan có thẩm quyền xử phạt.

“Cơ quan đi phạt cũng phải đảm bảo mình làm được việc đó, đảm bảo những nơi cấm như bệnh viện là tuyệt nhiên không có. Hoặc tỉ lệ hút thuốc lá dần dần giảm xuống. Anh được quyền phạt hẳn hoi nhưng vẫn phát hiện tàn thuốc lá, vẫn quay clip phát hiện có thuốc lá thì anh phải có phản hồi. Anh không có bằng chứng chỉ rằng anh làm hiệu quả thì cũng phải đưa vào luật là anh bị phạt gì. Chứ không ai làm thì làm, ai không làm thì thôi thì mọi việc lại như cũ.”

Đồng quan điểm, Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc công ty luật Phạm Danh cho rằng:

“Chúng ta còn yếu và thiếu về lực lượng chức năng để phát hiện và không có lực lượng chuyên biệt để ngăn chặn, xử lý kịp thời đối tượng vi phạm. Người vi phạm có thể thựchiện hành vi vi phạm với nhiều hình thức và thực hiện ở bất cứ đâu. Các cán bộ có thẩm quyền xử lý vi phạm còn quá ít và không có sự linh hoạt, sự chủ động trong việc phát hiện, ngăn chặn”.

Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: "Một cuộc chiến mới với khói thuốc nơi công cộng".

Nghị định 117 mở rộng thẩm quyền và đa dạng cách thức xử phạt hành vi vi phạm Luật phòng chống tác hại thuốc lá được coi như đã mở ra một giai đoạn mới của cuộc chiến chống khói thuốc nơi công cộng.

Thực tế, “Ai xử phạt và có xử phạt được không?” từ lâu đã là câu hỏi treo lơ lửng trên đầu nhiều người dân khi tận mắt chứng kiến những cảnh trái tai gai mắt tại nơi công cộng.

Viên tài xế một tay ôm vô lăng, một tay cầm điếu thuốc, hạ kính lái rồi gẩy tàn thuốc ra đường. Tay thanh niên chậm rãi châm thuốc rồi hít một hơi thật sâu, xả khói mù mịt tại ngã tư khi chờ đèn đỏ. Người đàn ông khiến các vị phụ huynh hốt hoảng bế con tránh thật xa khi vừa nghe điện thoại vừa dạo bộ trong công viên với điều thuốc trên môi.

Số ít người bất bình và đủ dũng khí sẽ lên tiếng nhưng không đảm bảo sự việc có thể leo thang tới đâu. Phần đông sẽ nín nhịn, lánh đi thật xa, vì chẳng hơi đâu rước phiền toái vào người.

Nghị định 117 có thể ngăn chặn những tiếng thở dài như thế.

Nghị định trao căn cứ xử phạt vào tay cộng đồng. Cộng đồng giám sát, phát hiện và gửi bằng chứng bằng hình ảnh, clip cho cơ quan chức năng để tiến hành xử phạt nguội. Cách thức này được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực như những chiến dịch “nói không với đi sai làn, đi ngược chiều” trên các diễn đàn, mạng xã hội về xe cộ, giao thông. Người vi phạm khi cảm thấy bị lên án, bị lạc lõng, tự khắc sẽ phải điều chỉnh hành vi, thói quen, từ đó tạo bước ngoặt về nhận thức.

Nghị định 117 cũng “trao ấn kiếm” cho nhiều cơ quan thanh tra các Bộ, ngành, phân trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch UBND, Công an nhân dân các cấp. Bên cạnh đó, có chế tài với các đơn vị không đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào phong trào thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

Và những báo cáo tổng hợp về vấn đề phát hiện, xử lý vi phạm sẽ thể hiện ngay lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương nào còn thờ ơ, nơi nào quyết tâm vào cuộc. Đặc biệt khi họ đứng trước một vấn đề lớn với sức khỏe cộng đồng, đứng trước con số 34,5 triệu người Việt “hít khói thuốc thụ động” và đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh hô hấp, tim mạch.

Có thể nói, với việc tăng chế tài xử phạt, mở rộng thẩm quyền các cơ quan xử lý, cho phép cộng đồng giám sát, cung cấp bằng chứng xử phạt nguội, viễn cảnh không còn những hình ảnh phì phèo khói thuốc nơi công cộng, chốn công sở sẽ không còn là điều quá xa vời./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, thống nhất với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo về việc lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa.

// //