Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Một cụm đèn, năm cha ba mẹ

Phóng viên - 20/04/2021 | 5:41 (GTM + 7)

Hiện đang có rất nhiều bên, nhiều cơ quan tham gia quản lý một cụm đèn tín hiệu giao thông: ngành công an, giao thông thành phố, đơn vị duy tu bảo dưỡng, chính quyền địa phương… Tình trạng này dẫn đến các bất cập cho công việc chung và làm khó cho mỗi bên

Cụ thể, quy định hiện tại ra sao? Nên thu gọn các đầu mối theo hướng nào để tiết kiệm, hiệu quả? 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Ngoài việc chồng chéo trong quản lý, khai thác, vận hành, duy tu, duy trì, một số trường hợp hệ thống đèn chưa phát huy hiệu quả do có nhiều đơn vị đầu tư (Ảnh minh họa: Báo Giao thông)

Có mặt tại ngõ 136 Hồ Tùng Mậu trong giờ cao điểm sáng, VOV Giao thông ghi nhận dòng xe ô tô ùn dài khoảng 500m. Sau gần 1 năm, người dân tại đây đã quen với phương án tổ chức giao thông mới: đi theo đèn tín hiệu, thay vì rẽ phải và chuyển hướng ở điểm quay đầu xe.

Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc vẫn thường xuyên xảy ra, cùng với đó là những ý kiến trái chiều về sự cần thiết của đèn tín hiệu:

"Từ hồi có đèn tắc rất thường xuyên. Đèn này đầu tiên để 20-25 giây, sau đó phản ánh thì điều chỉnh lên 40-50 giây rồi, vẫn còn tắc rất là nhiều!"

"Bây giờ có đèn nhiều lúc vẫn không hiệu quả vì “làn sóng” người như thế này! Chỗ này phải có người hướng dẫn, điều phối".

"Tắc phải 3-4 lượt đèn đỏ, mỗi lượt đèn đỏ phải 90 giây ý! Nói chung đèn ở đây phải có, không có thì lộn xộn lắm!"

Trước đó, như VOVGT đã thông tin, không chỉ tại ngõ 136 Hồ Tùng Mậu, tình trạng ùn tắc cũng thường xuyên xảy ra tại nút giao Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ, Phúc Diễn – Trịnh Văn Bô… Đáng chú ý, tình trạng ùn tắc xảy ra nghiêm trọng hơn từ khi hệ thống đèn tín hiệu tại các nút giao này đi vào hoạt động (tháng 7/2020).

Trực tiếp khảo sát hiện trường cùng PV, ông Cao Văn Ấn, Ban Quản lý dự án Nam Từ Liêm – chủ đầu tư lắp đặt 8 cụm đèn tín hiệu trên địa bàn cho biết, do người dân chưa quen với việc có hệ thống đèn tín hiệu nên thường xuyên dừng đỗ sai làn, khiến tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra. Hiện tại, đơn vị đang hoàn tất việc bàn giao hiện trạng cho Thành phố quản lý:

"Đèn được bàn giao cho Ban Duy tu quản lý tín hiệu này thì người ta sẽ có biện pháp xử lý, dần dần tình trạng ùn ứ kéo dài cũng không còn, cũng do một phần ý thức của người dân đã chấp hành thì nó sẽ không còn".

Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6, Công an TP. Hà Nội cũng cho biết, từ khi quận Nam Từ Liêm phối hợp cắm biển báo, sơn kẻ làn đường và cụm đèn tín hiệu, giao thông trên tuyến Hồ Tùng Mậu càng phức tạp. Nguyên nhân là do khi có hệ thống đèn, các phương tiên không được rẽ trái, mà phải đến điểm quay đầu xe. Một số người dân chưa quen, vẫn thực hiện rẽ trái khiến dòng xe bị đan xe, gây ùn tắc:

"Khi đã đan xen đâm vào nhau như thế làm cho đường không thể nào thoát được. Lực lượng CSGT rất vất vả, phải phân luồng từ xa, có nghĩa là phải từ ngoài vào trong".

Trung tá Phạm Quang Minh, Phó Đội trưởng Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội – đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành hơn 480 nút đèn trên địa bàn Thành phố cũng cho biết, để điều chỉnh pha đèn, đơn vị sẽ căn cứ vào hệ thống camera của đơn vị, phản ánh của người tham gia giao thông và các Đội CSGT địa bàn trực tiếp quản lý. Đặc biệt, cần có sự tham vấn đối với một số trường hợp nút đèn chưa phát huy hết hiệu quả:

"Khi đã tiến hành đầu tư thì đối với các chủ đầu tư khác không thuộc Sở GTVT thì trước khi đầu tư phải có sự tham vấn, phải có đơn vị tư vấn thực hiện nghiên cứu đánh giá một cách kỹ lưỡng để đảm bảo các yếu tố về lưu lượng, về kích thước hình học ngã tư, một số chỉ số về mặt kỹ thuật liên quan để đảm bảo sau này khi lắp đặt và đưa vào khai thác vận hành đảm bảo hiệu quả hơn".

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo quy định, sau khi hệ thống đèn tín hiệu được đầu tư, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội sẽ tiếp nhận, phục vụ việc quản lý vận hành khai thác, còn Ban Duy tu thực hiện việc duy tu, bảo trì hệ thống điều khiển giao thông. Một số trường hợp pha đèn chưa hợp lý, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, song những đề xuất về điều chỉnh pha đèn cũng chưa được nhanh, kịp thời.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, ngoài việc chồng chéo trong quản lý, khai thác, vận hành, duy tu, duy trì, một số trường hợp hệ thống đèn chưa phát huy hiệu quả do có nhiều đơn vị đầu tư. Thậm chí tại những vị trí đơn vị chuyên môn cho rằng không cần thiết, nhưng vẫn được đầu tư:

"Ngoài Sở GTVT là chủ đầu tư các nút đèn tín hiệu giao thông, còn có các chủ đầu tư khác như các quận, huyện, các đơn vị BOT, BT trên địa bàn Thành phố, nhưng khi đầu tư xong thì các đơn vị này chậm bàn giao về Sở GTVT, Công an TP. Hà Nội nên việc khai thác các nút đèn để điều tiết, phục vụ giao thông chưa được hiệu quả".

Được biết, toàn Thành phố có gần 30 nút đèn do các chủ đầu tư khác chưa bàn giao về Sở GTVT Hà Nội, khiến hiệu quả khai thác bị hạn chế.

Nếu gánh nặng ùn tắc lại tăng lên, tổn thất và lãng phí xã hội đội lên từ chính các hạng mục đầu tư vội vàng, thì đó là điều rất cần xem lại (Ảnh minh họa)

Chuyên môn hóa về quản lý là cần thiết, song, việc có nhiều đơn vị đầu tư, nhiều đầu mối quản lý đang ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác hệ thống đèn tín hiệu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình giao thông một nút giao, một ngã tư, thậm chỉ cả tuyến đường, hoặc khu vực. 

Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận nhan đề: Khi quá nhiều ông “có tóc”

Về mặt lý thuyết, việc phân công chuyên môn hóa từng khâu trong quản lý vòng đời của một cụm đèn tín hiệu giao thông là phù hợp, nhằm đạt hiệu quả tốt nhất cho mỗi khâu, tránh tình trạng độc quyền hoặc “vừa đánh trống vừa thổi còi”. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu sản phẩm cuối cùng không làm khó người tham gia giao thông.

Gần chục cụm đèn được đầu tư trên địa bàn Quận Nam Từ Liêm là ví dụ. Tháng 7/2020, chỉ mấy ngày sau khi lắp đặt, đèn đã khiến người tham gia giao thông trên các tuyến đường như Hồ Tùng Mậu, Trịnh Văn Bô hết chịu nổi, khi đang yên đang lành bỗng chốc ùn tắc liên miên.

Trả lời VOVGT khi đó, đại diện đơn vị đầu tư cho hay, sẽ tiếp tục theo dõi hoàn chỉnh trước khi bàn giao về Sở GTVT, và việc tắc đường chủ yếu là do người dân chưa quen. Tuy nhiên, đã gần 1 năm trôi qua, đường vẫn tắc, người dân vẫn không thể quen với việc có đèn một cách vô lý, còn các đơn vị khác cũng không thể giúp gì, khi chưa được bàn giao.

Sự tham gia của chính quyền địa phương cấp quận, huyện trong đầu tư lắp đặt hệ thống báo hiệu đường bộ - trong đó có đèn tín hiệu giao thông - giúp thành phố phần nào giảm bớt gánh nặng đầu tư, gắn chặt hơn trách nhiệm của địa phương.

Tuy nhiên, nếu gánh nặng ùn tắc lại tăng lên, tổn thất và lãng phí xã hội đội lên từ chính các hạng mục đầu tư vội vàng, thì đó là điều rất cần xem lại. Nhất là khi, có những nút giao, cơ quan chuyên môn đã “can ngăn” việc lắp đèn tín hiệu vì nguy cơ phản tác dụng, nhưng cuối cùng, nó vẫn được đầu tư lắp đặt, và mọi chuyện diễn ra đúng như cảnh báo.

Về mặt quản lý “đời sống” của các cụm đèn, Sở GTVT là đơn vị tổ chức giao thông với các giải pháp tổng thể, nhưng việc tính toán và điều chỉnh thời lượng pha đèn - một trong các hoạt động tổ chức giao thông, thì lại đang được giao cho Ngành Công an thành phố.

Các cụm đèn đang trong phạm vi dự án thì trách nhiệm lại thuộc về đơn vị quản lý dự án. Với phân công này, đầu mối của Sở GTVT chỉ có thể chuyển tiếp phản ánh của người dân nếu có bất cập, còn khắc phục điều chỉnh hay không, bao giờ khắc phục, lại phụ thuộc bên chủ quản.

Tách biệt hóa, chuyên môn hóa các công đoạn trong quy trình đầu tư xây lắp, quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng là việc bình thường.

Nhưng nếu thiếu sự tiêu chuẩn hóa từng khâu để kiểm định chất lượng đầu ra, thiếu những quy định ràng buộc trách nhiệm nếu để xảy ra trục trặc ở một trong các khâu, sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng việc ai người ấy làm, và đèn tín hiệu sẽ tiếp tục là đứa con chung của “năm cha ba mẹ”.

Hậu quả cuối cùng, không ai khác, người dân, người tham gia giao thông luôn là người hứng chịu. Ùn tắc do đèn dở, hoặc đèn hỏng quá lâu, ai bồi thường cho thiệt hại thời gian và chi phí cơ hội của người dân? Tai nạn, va chạm giao thông có liên quan đến đèn, ai là người chịu trách nhiệm?

Sẽ rất khó xác định câu trả lời với quy định hiện hành, ngay cả khi Ngành giao thông thành phố đã rất nỗ lực để tạo nên một đầu mối, tiếp nhận, điều phối xử lý tất cả các thông tin này. Và chính quyền thành phố cũng gặp khó, biết nắm vào đâu, khi một cụm đèn mà có quá nhiều ông “có tóc”?

Để khắc phục tình trạng này, trước hết cần khắt khe hơn nữa trong phê duyệt các dự án đầu tư, trên cơ sở các nghiên cứu đánh giá tác động, căn cứ trên tham vấn của các cơ quan chuyên môn, không để  đầu tư ồ ạt, lãng phí, lợi bất cập hại.

Việc quản lý vận hành khai thác nên thu gọn đầu mối, giao đúng “vai”, vừa để đạt hiệu quả tốt nhất, vừa tránh độ trễ không đáng có về thời gian mỗi khi xuất hiện bất cập cần điều chỉnh.

Đồng thời, không thể thiếu các quy định gắn trách nhiệm của từng bên trong “vòng đời” của một cụm đèn, trách nhiệm trong quá trình phối hợp giữa các bên, để nếu xảy ra sai sót, sẽ không còn tình trạng rút kinh nghiệm chung chung./.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

Hình ảnh ‘giếng làng’ xưa gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Ngày ấy, nguồn nước trong mát của giếng làng là nguồn nước sạch chính được người dân khắp xóm gánh về đun nước, nấu ăn.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.

// //