Kiểm soát xe tập lái: Phanh phụ, những vấn đề không hề phụ
Phóng viên - 19/11/2019 | 5:38 (GTM + 7)
Nhiều trường hợp xe không được đăng ký để dạy lái, nhưng vẫn tự ý lắp phanh phụ để dạy lái, rất khó kiểm soát về chất lượng và mức độ an toàn. Giải pháp nào khắc phục tình trạng này?
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Phanh phụ được coi như trang bị không thể thiếu ở xe tập lái. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của phóng viên VOVGT, hiện nay đang thiếu sự kiểm soát của cơ quan chuyên môn với việc trang bị phanh phụ: đăng kiểm bỏ qua, còn cán bộ các Sở GTVT địa phương, nếu có điều kiện kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất cũng chỉ lên xe “đạp chơi”.
Ngoài ra, nhiều trường hợp xe không được đăng ký để dạy lái, nhưng vẫn tự ý lắp phanh phụ để dạy lái, rất khó kiểm soát về chất lượng và mức độ an toàn. Giải pháp nào khắc phục tình trạng này?
Chỉ cần search cụm từ “lắp phanh phụ”, trong vòng 0,41 giây đã cho ra hơn 5 triệu kết quả. Điều đó cho thấy thị trường cung cấp dịch vụ lắp đặt hệ thống phanh phụ trên ô tô sôi động tới mức nào. Tuy vậy, chất lượng thiết bị hoán cải này tới đâu, có lẽ chỉ đơn vị cung cấp và người có nhu cầu lắp đặt mới nắm rõ. Về điều này, một số học viên lái xe phản ánh:
“Khi tôi tập lái thì tôi lên xe có thầy ngồi bên cạnh, người ta nói là tất cả mọi cái thì thầy hướng dẫn rồi. Bên cạnh đó thì phanh phụ thầy đảm nhiệm và chỉ huy phanh phụ đó thì cứ yên tâm, tự tin mà lái, hai nữa là phanh phụ thì đã có thầy rồi. Nhưng ngược lại bản thân tôi mới học lái tôi cũng chưa tin chắc rằng phanh phụ mà thầy đảm nhiệm có an toàn hay không”.
“Hệ thống phanh phụ của xe tập lái thì thầy giáo cũng chả bao giờ nói chất lượng thế nào cả. Có xe thì phanh phụ nối với phanh chính, có xe nối phanh phụ với phanh chính và côn, nhưng mà mình cũng không rõ được, thành ra không thể biết được chất lượng nó như thế nào”.
Thị trường cung cấp sôi động, nhưng việc kiểm soát chất lượng phanh phụ xe tập lái còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại. Nhiều năm dạy lái xe, anh Nguyễn Trung Anh, một giáo viên trên địa bàn Hà Nội cho biết, vẫn có trường hợp khi lắp phanh phụ không chính xác, dẫn tới rủi ro khi phương tiện lưu thông trên đường:
“Khi anh lắp phanh phụ, anh thử anh phải đạp mạnh, thử nhiều lần, phanh gấp nhiều lần và anh phải ngồi bên cạnh để anh là người kiểm tra phanh phụ đó. Vì nó sẽ có một số trường hợp ví dụ như anh lắp thiếu chính xác khi anh đạp mạnh thì nó tuột thanh giằng ra, kê luôn vào chân phanh, làm cho anh không phanh được nữa”.
Theo Thông tư 85/2014 của Bộ GTVT, sau khi hoán cải, lắp thêm phanh phụ, chủ xe phải gửi hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế đến Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc Sở GTVT thẩm định. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Một giáo viên dạy lái xe trên địa bàn Hà Nội (xin được giấu tên) cho biết, việc kiểm tra chất lượng hệ thống phanh phụ chủ yếu phụ thuộc vào giáo viên dạy lái:
“Việc kiểm định thông thường không kiểm tra cái đó mà các Sở GTVT kiểm tra định kỳ hoặ kiểm tra các cơ sở đào tạo hoặc cấp giấy phép mới kiểm tra phanh phụ xem xe có đầy đủ phanh phụ không, còn kiểm định hầu như không ai kiểm tra, người ta chỉ nhìn biển xe tập lái thì người ta dán biển tập lái vào thôi”.
Đặc biệt, cũng theo giáo viên này, với các trường hợp “xe ma” do các giáo viên tự mang phương tiện vào các trung tâm đào tạo lái xe thì việc kiểm soát chất lượng phanh phụ là điều gần như không thể thực hiện:
“Thậm chí có cả lái xe taxi tự nhận hồ sơ, rồi giảng dạy, có thể lắp thêm phanh phụ cho an toàn. Họ tự lắp thôi, xong đến khi đăng kiểm lại tự tháo ra, đăng kiểm xong họ lại lắp lại”.
Việc kiểm soát chất lượng hệ thống phanh phụ của cơ quan đăng kiểm là vậy, còn các Sở GTVT cũng không khả quan hơn là bao. Một cán bộ của Sở GTVT Hà Nội cho biết:
“Căn cứ vào đăng kiểm của họ đủ điều kiện và các tiêu chuẩn khác kèm theo thì mình cấp thôi. Cái đấy là đăng kiểm kiểm tra và cấp cho xe chuyên dung”.
Việc thiếu sự kiểm tra của cơ quan chuyên môn khiến tình trạng xe ô tô tập lái va quẹt, thậm chí là gây thương vong về người đã xảy ra ở nhiều nơi. Ông Nguyễn Tất Thành, giảng viên Trường Cao đăng giao thông Huế - tác giả sáng chế tự động điều tiết giảm ga từ phanh phụ cho biết, dù có hệ thống phanh phụ, song, trong quá trình tập lái thường xảy ra đồng thời học viên đạp ga, giáo viên đạp phanh, phương tiện vẫn bị trôi. Từ thực tế này, ông Nguyễn Tất Thành đã tìm ra giải pháp, khi giáo viên dạy lái đạp phanh, hệ thống ga của học viên sẽ tự giảm:
“Thầy đạp phanh phụ thì bên kia tự động giảm ga, can thiệp vào hệ thống ga luôn. Có nghĩa là trò đạp ga là mất tác dụng, trò không thể đạp lên được nữa, cho nên tăng an toàn”.
Ông Nguyễn Tất Thành cũng cho biết, hiện sáng chế này mới được thử nghiệm trên một số xe ô tô của Trường Cao đẳng giao thông Huế chứ chưa được áp dụng rộng rãi để nâng cao an toàn cho xe tập lái.
Không ít vụ TNGT liên quan đến xe tập lái đã xảy ra. Ngoài nguyên nhân từ học viên thiếu kinh nghiệm, kỹ năng thì các yếu tố kỹ thuật của xe cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Đáng lo ngại tình trạng kỹ thuật của hệ thống phanh phụ lại chưa đáp ứng được yêu cầu, nếu không muốn nói đang bị thả nổi.
Phanh phụ và những vấn đề không phụ
Chiếc phanh phụ có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến chiếc xe học lái lao xuống mương ở Hải Dương cách đây vài hôm, nhưng nếu loại trừ nguyên nhân do tránh gấp xe khác, do sự “gồng” quá mức của học viên, hay do thiếu tập trung của thầy hướng dẫn, thì giả thiết này vẫn hoàn toàn có thể đặt ra. Và từ đó, lật lại quy định về lắp phanh phụ cũng như công tác giám sát an toàn với thiết bị này, người ta mới thấy lộ diện nhiều vấn đề không hề “phụ”.
Việc lắp phanh phụ là được phép, theo quy định hiện hành, nhưng chỉ áp dụng đối với xe tập lái của cơ sở đào tạo lái xe, và phải có đầy đủ các hồ sơ đăng ký, chứng minh, kèm theo bản bản thiết kế để cơ quan chức năng thẩm định.
Tuy vậy, thực tế, có rất nhiều xe không phải xe tập lái của cơ sở đào tạo vẫn lắp phanh phụ. Việc xuất hiện của hàng loạt cơ sở gia công cung cấp dịch vụ này và sự đắt hàng của họ phần nào cho thấy thực tế đó.
Dù là xe phục vụ học lái theo hình thức giáo viên góp “cổ phần” với cơ sở đào tạo, hay là xe cá nhân, gia đình, thì việc tự ý trang bị phanh phụ đều trái quy định, và tất nhiên sẽ chẳng có sự thẩm định, giám sát nào về độ an toàn trong quá trình vận hành, sử dụng.
Còn đối với xe học lái “chính danh” của các cơ sở đào tạo, thì ngay cả việc kiểm tra tình trạng kỹ thuật của phanh phụ cũng gần như bị bỏ ngỏ, phó mặc cho các thầy dạy lái. Sẽ là vấn đề, nếu xe được giao cho nhiều người cùng sử dụng, không được theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý nếu có dấu hiệu trục trặc.
Bất kỳ một chi tiết nào được lắp thêm, hoán cải làm thay đổi tình trạng kỹ thuật so với thiết kế ban đầu của nhà sản xuất đều có thể ảnh hưởng đến an toàn vận hành xe, và đều được “soi” kỹ khi đi đăng kiểm.
Nhưng phanh phụ - một chi tiết rất quan trọng liên quan đến an toàn của xe tập lái, lại bị bỏ quên, đó là một sự sơ suất không đáng có. Còn nếu không phải sơ suất, mà là phó thác cho các giáo viên và trung tâm dạy lái, thì đó lại là một sự chủ quan cũng rất không nên có.
Càng không nên hơn nữa, nếu như để việc tự ý lắp phanh phụ trên xe cá nhân diễn ra công khai mà không có sự khuyến cáo, cảnh báo hoặc ngăn chặn nào từ phía cơ quan chức năng trước các mối nguy từ việc này.
Do đó, phanh phụ - có thể là một chi tiết lâu nay ít được chú ý, nhưng đằng sau nó lại là những vấn đề không hề là phụ trong công tác quản lý, giám sát an toàn giao thông đối với xe tập lái. Xe tập lái trên danh nghĩa vẫn là xe của các trung tâm đào tạo tự đầu tư, được quản lý như một dạng cơ sở vật chất của các trung tâm này, và đăng kiểm định kỳ như các xe cơ giới khác.
Nhưng thực tế đã khác rất xa so với danh nghĩa, khi dịch vụ đào tạo đang dần được “tư nhân hóa” đến tận giáo viên. Nhiều trung tâm dạy lái chỉ tồn tại dưới hình thức “đánh trống ghi tên”, giáo viên tự lo cả chiêu sinh lẫn đầu tư xe cộ.
Cho nên, để không còn những điểm “hụt” về quy định như đối với chiếc phanh phụ, thì có lẽ, vấn đề chính yếu ở đây là nên nhìn nhận thẳng thắn và mạnh dạn thừa nhận xu hướng thực tế đang diễn ra trên thị trường cung cấp dịch vụ đào tạo lái xe, để từ đó điều chỉnh bổ sung các quy phạm pháp luật cho phù hợp, đảm bảo an toàn và chất lượng của dịch vụ này./.
Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án Giết người và khởi tố bị can C.V.H. (trú huyện Đông Anh, Hà Nội), bị tình nghi đốt quán cà phê làm 11 người chết tại quận Bắc Từ Liêm vào đêm 18/12
Chỉ vài ngày nữa, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được đưa vào khai thác. Đây không chỉ là cột mốc đánh dấu bước chuyển mình về hạ tầng giao thông công cộng của TP.HCM trong cải thiện chất lượng sống cho người dân, góp phần giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm và hướng đến một đô thị xanh, bền vững.
Để tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, việc tổ chức kết nối các phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có các tuyến xe buýt, đóng vai trò rất quan trọng.
Trong thời gian qua, đường dây nóng Kênh VOV Giao thông liên tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình hình gần khu vực bến xe miền Đông cũ xuất hiện nhiều bến cóc, xe dù hoạt động mạnh trong thời gian gần Tết dương lịch.
Tiền tỷ đổ vào cầu đường, vào phân làn, vào lát đá, và rất nhiều hoạt động khác trong giao thông, không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả như mong đợi. Có những lãng phí nhìn thấy ngay, có những lãng phí nhiều năm sau mới “hiện hình”.
Lâu nay vận tải hành khách trên địa bàn Hà Nội được quy định theo hướng tuyến, nghĩa là các xe từ hướng nào về Hà Nội sẽ vào các bến thuộc hướng tuyến đó, để tránh việc xe khách chạy xuyên tâm, gây ùn tắc và TNGT.
Vào ngày 12/12, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ) ở TP Hà Nội. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.