Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Dọc miền châu thổ (Bài 3): Độc đáo Tết làng chài

Phóng viên - 26/01/2020 | 15:04 (GTM + 7)

Tiếng máy tàu, tiếng người cười nói, tiếng “sột soạt” của những giỏ cá nặng được kéo lên xe… Và cả cái mùi biển nồng nàn, quyện trong không gian se lạnh của những ngày xuân. Tạm gác lại những ồn ào nơi phố thị, chúng tôi tìm về những vùng đất gần kề con s

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

Hoa tươi đã về trên khắp các làng chài ven biển

Trong những ngày đầu năm Canh Tý 2020, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình về với huyện Bình Đại của tỉnh Bến Tre – một trong những khu vực hoạt động sôi nổi về nghề đi biển tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Chắc hẳn khi nhắc đến huyện vùng biển, không ít người sẽ nghĩ đến cảnh đường xa cách trở, cơ sở dịch vụ còn hạn chế. Nhưng khi đến với thị trấn Bình Đại, những ngôi nhà khang trang, hàng quán, khu chợ rộng rãi sẽ cho người ta ấn tượng đầu tiên về sự phát triển của vùng đất này.

Đón những vị khách phương xa vào dịp xuân về, ông Trần Văn Nhõ (hay còn gọi là chú Sáu Nhõ) - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Bình Đại, phấn khởi chia sẻ về những chuyến ra khơi của bà con tại địa phương trong một năm qua: "Nói chung với cái bội thu của bà con năm nay và đặc biệt là mùa Tết này, mùa mà bà con tập trung mọi nguồn lực để đánh bắt chuyến cuối cùng để về ăn Tết. Chính cái bội thu đó làm cho không khí Tết của mọi gia đình rất xum xuê, rất tốt". 

Chỉ tay về phía đối diện Trung tâm, bên kia đường, chú Sáu cho biết, đó là nơi tổ chức các hoạt động vui xuân cho bà con trong huyện biển. Đây là một khu đất rộng đang dần hoàn thiện các công trình để làm nơi vui xuân đón tết và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ của cư dân thị trấn.

Điểm vui chơi mỗi dịp Tết đến xuân về của người dân làng chài 

Chú Sáu với nụ cười hiền, kể chúng tôi nghe về những điểm đặc trưng trong đời sống bà con vùng biển, nhất là cách bà con ngư dân đón Tết. Đó không chỉ là việc người ta ăn Tết như thế nào, mà còn là việc để những chiếc tàu đã gắn bó cùng mình được đón Tết ra sao. Bởi cả một năm lênh đênh trên biển, chiếc tàu không chỉ là phương tiện mưu sinh, mà dường như đã trở thành người bạn hữu với bà con nơi đầu sóng ngọn gió.

Sóng to gió lớn, cũng nhờ những chiếc tàu kiên cố mà người thân của các ngư phủ ở nhà cũng đỡ phần lo lắng: "Vùng biển thì có cái đặc trưng:

"Sau khi người ta đi chuyến cuối cùng về ăn Tết thì người ta cúng rất lớn. Cúng lên bờ, họ tổ chức nhà nào cũng vậy, nhà nào cũng heo quay, gà vịt, cúng như một cái Tết. Cúng xong, dọp dẹp ghe rồi chuẩn bị ăn Tết. Qua khoảng ngày mùng 6, họ lại cúng một lần nữa để xuống ghe, tiếp tục mùa hành trình năm tiếp theo. Ngư dân còn có tập tục, lễ hội là Lễ hội Nghinh Ông nên phần này họ làm rất chu đáo"

Theo tục lệ, hàng năm, ngày 29, 30 Tết, hầu hết các hộ trong làng chài đều dừng mọi hoạt động đánh bắt. Việc đầu tiên ngày cuối năm của những người vùng biển là sửa soạn nhà cửa, đun phích nước nóng thật tươm tất để chuẩn bị đón khách. Một số ngư dân thì sơn, sửa lại tàu để chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm mới. Chỉ có những ngày nghỉ biển, người ta mới thấy ngư dân diện được bộ đồ sạch đẹp, chân đeo dép mới.

Tết đến, với ngư dân làng chài, nhà nào có điều kiện thì sắm sửa thêm cây tắc, cây mai, chậu cúc để đón Tết cho “hoành tráng”. Còn với những hộ gia đình khó khăn hơn thì chuẩn bị mâm cơm ngày Tết thật đầy đủ, cầu kỳ hơn so với những ngày thường, vậy là cũng Tết. Tết ở làng chài không có dòng người, xe cộ tấp nập, bày bán hàng hóa nhộn nhịp như ở đường phố nhưng rất ấm áp, đượm tình làng, nghĩa xóm.

Trẻ nhỏ, người lớn sum vầy bên nhau cùng gói bánh chưng, bánh tét để chuẩn bị cúng năm mới. Đêm giao thừa, cùng với cúng gia tiên, các gia đình còn bày lễ cúng đất trời, sông nước, mong 1 năm mưa thuận gió hòa, đi biển thuận lợi. Những nét đẹp này đã trở thành niềm tin ăn sâu bám rễ trong mỗi người dân vùng biển, giúp họ có thêm sức mạnh, niềm tin, đoàn kết để thực hiện những dự định của mình trong cả năm.

Chị Đỗ Thị Thủy, một người dân làng chài Bình Thắng, huyện Bình Đại tâm sự:

"Khoảnh khắc tạm biệt năm cũ đón năm mới không chỉ là dịp để tiệc tùng, để cạn ly… mà trên cả là giá trị về hạnh phúc, khi người người nhà nhà được quây quần bên nhau. Sau chuyến ra khơi, dù cho ngày về có đầy ắp cá tôm hay lỡ chuyến đánh bắt chưa may mắn thì người thân ở nhà cũng chỉ mong chờ được thấy người chồng, người cha trở về bình an, cùng nhau đón Tết".

Với dân nơi miền biển, dù lấm tấm mồ hôi, dù trên áo đẫm mùi tôm cá nhưng có lẽ ai cũng vui vì sau những chuyến đi biển, cái Tết sẽ được tròn đầy, vợ chồng con cái sẽ cùng sum họp cho thỏa những ngày xa cách.

Không khí xuân trên xứ biển Kiên Giang

Những chiếc tàu cuối về bến nghỉ ăn Tết

Rời Bình Đại, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về xứ biển Tây Nam. Tết về, những làng chài nơi xứ biển Kiên Giang cũng có không khí không kém phần rộn ràng, ấm áp. Chúng tôi đến với đảo Hòn Heo, thuộc xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Điều bất ngờ nhất là chỉ sau một năm, xã đảo này đã có những thay đổi rõ rệt từ cơ sở hạ tầng và giao thông đi lại, đặc biệt là kể từ khi xã Sơn Hải được công nhận là xã “Nông thôn mới”.

Một trong những bước ngoặc trong sự phát triển của Hòn Heo là vào đầu năm 2017, mạng lưới điện quốc gia đã chính thức vận hành phục vụ cho nhân dân trên địa bàn. Ngày có điện người dân nơi đây mừng như “bắt được vàng”. Ông Trương Văn Còn (70 tuổi, ngụ ấp Hòn Heo) cho biết, gia đình ông ra đảo từ 50 năm trước, cùng với gia đình ông còn có 3 gia đình khác. Lúc đầu ra đảo, cuộc sống đầy những khó khăn…

"Người dân ở đây vui vẻ sung túc ăn tết còn hơn năm chưa có điện. Mạnh ai nấy mua đồ sắm đồ về ăn Tết trang trí đủ cách. Có điện rồi người dân cũng bắt đầu sắm này sắm kia đủ thứ thành ra người dân mình có điện rồi là mừng rở hơn là những năm không có điện"

Kể về cách đón Tết của bà con miền biển, ông Trương Văn Còn cho biết, những ngày cuối tháng Chạp, khi người người lo dọn dẹp nhà cửa, sắm rượu thịt, đồ mới cho con cái, trang trí hoa cảnh để chuẩn bị đón Tết thì cũng có những ngư dân, vì mưu sinh họ phải xa vợ con, ăn Tết giữa trùng khơi, họ vẫn đang túc trực tại con tàu cá của mình, để chuẩn bị nhiên liệu và lương thực thực phẩm cho chuyến biển “xuyên” Tết đón “lộc” biển.

Thường những chuyến biển ra khơi vào cuối năm âm lịch, đánh bắt trong 3 ngày Tết, cập bờ vào giữa tháng Giêng năm mới mang ý nghĩa rất quan trọng. Nếu chuyến biển này cập bờ, cá đầy khoang, ấy sẽ là điềm báo cả năm thuận buồm xuôi gió, tàu cá của mình sẽ ăn nên làm ra.

Cái Tết của những ngư dân xa bờ chỉ thiếu duy nhất không khí gia đình chứ chẳng thiếu thứ gì. Ông Nguyễn Cu, ngư dân có nhiều năm đón Tết trên biển chia sẻ: "Tết nhứt thì nói chung trang bị đầy đủ, thịt cá, bia bọt đem đầy đủ hết, an hem ăn tết với biển cũng vui vẻ…"

Bức tranh mùa xuân của người dân làng biển hiện lên trong nắng mai, thanh bình và no ấm, nhà nhà, người người ngồi bên nhau nhâm nhi chén trà, ly rượu, kể cho nhau nghe những phiên biển trúng đậm. Đó được mặc định là những lời chúc Tết, mang đậm hương sắc miền biển.

Trong những câu chuyện về biển, họ lảng không nói về cái xấu, cái rủi ro mà toàn nói điều tốt lành, như cách họ chúc nhau năm mới ra khơi gặp nhiều may mắn. Qua một năm không ít khó khăn với sóng to gió lớn, bà con cũng đã hoàn thành những chuyến ra khơi đánh bắt, những vụ mùa trên thửa đất giồng cát ven biển… Chậu hoa vàng rực trên những chiếc tàu lớn nằm sát bờ là hình ảnh đại diện cho sự trân trọng cái nghề gắn bó bao năm cùng bà con, dẫu cũng lắm thăng trầm.

Chúng tôi nói lời tạm biệt với những cơn gió biển mát lành bằng cái tình cái nghĩa của chính quyền và người dân xứ biển, qua những câu chúc Tết, những tiếng cười hào sảng thân quen:   

[Ông Phong – PCT UBND xã Bình Thắng] Nhân dịp năm mới, chúc bà con một năm mới nhiều thắng lợi mới. Đối với bà con ngư dân thì có một năm mới được mùa.  

[Chị Thủy] Năm tới, cũng cầu mong cho thuận buồm xuôi gió, tàu khá hơn mọi năm, đánh bắt thuận lợi hơn. 

[Cô Vân] Chúc cho ghe mình, bạn bè, lái chài mạnh khỏe, đăng cào cho đạt.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, thống nhất với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo về việc lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa.

// //