Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Dạy và học trực tuyến: Cần trách nhiệm cao của cả nhà trường và phụ huynh

Phóng viên - 26/02/2021 | 15:58 (GTM + 7)

Dạy và học trực tuyến là giải pháp cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại công nghệ 4.0. Tuy nhiên, để đảm bảo cả số lượng và chất lượng việc dạy và học này còn phụ thuộc vào sự nỗ lực của nhà trường, thầy cô và

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Giờ học trực tuyến của học sinh tiểu học. Ảnh: TTXVN

Để đảm bảo an toàn cho học sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước áp dụng phưng pháp dạy và học trực tuyến.

Đây không phải là mô hình mới lạ đối với ngành giáo dục. Nhưng thời gian qua, khi triển khai đại trà ở các cấp học đã bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí có nơi chỉ dừng lại ở mặt hình thức.

"Về góc độ phụ huynh thì tôi khó khăn trong việc tiếp nhận công nghệ. Các ứng dụng thật sự là khó".

"Một số phụ huynh học sinh gặp khó khăn, đâu phải có máy tính, điện thoại thông minh hết".

"Cấp 2, cấp 3 thì có thể các em đã nắm được những bài giảng, còn những em học sinh cấp 1 cả một vấn đề, cộng với bố mẹ còn phải đi làm nữa".

"Phần mềm zoom thì giới hạn về thời gian học chỉ khoảng 40 phút hệ thống tự động out ra ngoài".

"Thời gian đầu thì dạy cũng đỡ nhưng càng về sau thì không dạy được vì mạng yếu quá không vào được".

Đó là những bất cập và lo lắng của một số phụ huynh, giáo viên sau thời gian triển khai việc dạy và học trực tuyến. Từ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, do dịch COVID-19 kéo dài, cùng với một số địa phương, Hà Nội, TPHCM, từ bậc đại học đến tiểu học, các trường đang chủ động triển khai hình thức giảng dạy trực tuyến cho học sinhm, sinh viên.

Tuy nhiên, sau những bất cập nêu trên, việc dạy trực tuyến hiệu quả tới đâu lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thầy Nguyễn Quốc Thệ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp y dược Vạn Hạnh cho biết, chất lượng của việc dạy và học trực tuyến trước tiên phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phòng máy thiết bị, đường truyền mạng, phầm mềm dạy học trực tuyến.

"Học trực tuyến rất cần sự tương tác, sự tương tác đó ở tin nhắn, đặc biệt là ở camera. Cần có phần mềm bài bản, mua bản quyền đàng hoàng. Và người dạy phải có những phòng dạy trực tuyến. Camera quay phải tốt, máy tính phải tốt, đường truyền phải tốt, ánh sáng điều kiện phải tốt đẹp, đáp ứng được yêu cầu truyền đạt của người thầy. Trước hết, mình phải có một nền tảng trang bị phòng, máy tính, camera, micro tốt cho người thầy. Đối với người học cũng phải trang bị một nền tảng tốt thì mới học được".

Việc dạy trực tuyến hiệu quả tới đâu lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Còn theo Thầy Đỗ Đức Anh - Giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 đánh giá: việc dạy trực tuyến chỉ áp dụng khoảng 30% trong tổng dung lượng cần phải truyền đạt giảng dạy đối với học sinh. Vì bản thân học sinh cũng không thể tiếp nhận tất cả những thứ trên nền tảng đó. Do vậy đòi hỏi người dạy phải có sự thông thạo về mặt kỹ thuật, chuẩn bị bài và kỹ năng dạy trực tuyến, đánh giá học sinh mới tạo nên những giờ học hiệu quả.

Thầy Đỗ Đức Anh kiến nghị:

"Cần có những quy định thay đổi, chủ động về hình thức kiểm tra đánh giá với học sinh. Người giáo viên cần chủ động tạo nên một môi trường lớp học trực tuyến mang dấu ấn của mình và hoàn toàn có thể bỏ hình thức kiểm tra trên giấy để triển khai các hình thức tương tác khác khi kiểm tra. Làm sao để thay đổi, nó sẽ là câu chuyện của toàn ngành giáo dục mà trước tiên là ý thức và khát khao sáng tạo của mỗi giáo viên".

Nói về thực tế giảng dạy trực tuyến, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Gia Hiền – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng Văn hóa – Du lịch cho biết: việc đào tạo, giảng dạy trực tuyến là tốt nhưng do chưa phổ biến ở nước ta nên bước đầu sẽ gặp phải vướng mắc. Hiện một số phụ huynh, học sinh còn khó khăn trong chuẩn bị thiết bị công nghệ để phục vụ học trực tuyến.

Vì vậy nhà nước, nhà trường cần có cơ chế, giải pháp hỗ trợ học sinh có điều kiện tiếp cận những kiến thức như đầu tư trang thiết bị, đa dạng hình thức giảng dạy, lưu trữ thông tin tài liệu để phụ huynh tham khảo; phân bổ thời gian học hợp lý theo từng khối, từng môn.

Đặc biệt, dạy và học trực tuyến đặt ra yêu cầu cao hơn so với các hình thức, nền tảng xã hội livestream hiện nay. Vì vậy cần có thiết bị và phần mềm chuyên dụng. Trong đó, trình độ, kỹ thuật của giáo viên, vai trò của phụ huynh và tinh thần tự giác của học sinh là hết sức quan trọng.

"Khi nói online nó đòi hỏi một cơ sở hạ tầng rất lớn như là máy phát, máy thu. Thứ hai là trình độ kỹ thuật của người phát và người nhận. Tuy nhiên, hạ tầng chỉ mang tính xã hội, phổ biến không phải là hạ tầng chuyên nghiệp dạy online. Vì vậy, đòi hỏi các trường về đầu tư công nghệ, xây dựng các chương trình online riêng, chương trình độc quyền. Và tôi cho rằng, học online thì vai trò của phụ huynh là vai trò hướng dẫn và giám sát. Như vậy, thầy cô giáo phải hướng dẫn phụ huynh một lớp ngắn hạn cách dạy, cách viết của thầy cô giáo để hướng dẫn".

Theo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, để dạy học trực tuyến hiệu quả, Sở đã ban hành công văn hướng dẫn đối với các cơ sở giáo dục – đào tạo trong thời gian ngừng đến trường. Trong đó, yêu cầu nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động sắp xếp thời gian học phù hợp và thuận lợi cho học sinh.

Triển khai các giải pháp học trực tuyến bằng nhiều hình thức như sử dụng mạng xã hội, trang thông tin điện tử của nhà trườn. Xây dựng, đăng tải các video, cung cấp tài liệu, học liệu; theo dõi, đánh giá, nhận xét quá trình học tập của học sinh.

Ngoài ra, cổng thông tin điện tử của Sở đã chuẩn bị kho tài nguyên giảng dạy; đồng thời tổ chức kiểm tra việc triển khai của các trường. Qua đó, các giáo viên đã chủ động hướng dẫn phụ huynh; chia thành nhóm nhỏ từng buổi học cho từng đối tượng học sinh; triển khai nhiều ứng dụng, clip, tài liệu online để phục vụ giảng dạy; thậm chí đến trao đổi trực tiếp với phụ huynh.

Trong tuần đầu tiên trở lại lớp học, giáo viên sẽ tiếp tục vừa học, vừa ôn lại những kiến thức đã dạy trực tuyến trước đó, nhằm đảm bảo chất lượng học tập.

Học sinh Trường tiểu học Thọ Sơn (Việt Trì, Phú Thọ) học trực tuyến trên máy tính.
Học sinh Trường tiểu học Thọ Sơn (Việt Trì, Phú Thọ) học trực tuyến trên máy tính. Ảnh: Nhân dân

Dạy và học trực tuyến là giải pháp cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển của thời đại công nghệ 4.0. Tuy nhiên, để đảm bảo cả số lượng và chất lượng việc dạy và học này còn phụ thuộc vào sự nỗ lực của nhà trường, thầy cô và gia đình.

Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: “Dạy và học trực tuyến: Cần trách nhiệm cao của cả nhà trường và phụ huynh”.

Như vậy là sau gần 2 tuần học trực tuyến do đại dịch COVID có nguy cơ xâm nhập vào học đường; kể từ đầu tuần này, nhiều địa phương trong cả nước sẽ cho học sinh quay trở lại trường để học trực tiếp. Theo dõi các trang mạng xã hội và ghi nhận ý kiến của nhiều bậc phụ huynh có thể thấy, đa số mọi người đều mong muốn con em được đến trường trở lại.

Việc học trực tuyến dù đã được triển khai qua đợt giãn cách xã hội từ năm ngoái nhưng mới tiến hành trở lại vừa qua cũng quá nhiều vấn đề phải bàn.

Trước hết là về phía nhà trường. Ngay các thầy cô giáo không phải ai cũng rành rẽ về công nghệ thông tin, thiết kế bài giảng online một cách sinh động, hấp dẫn, có chiều sâu. Có khả năng tương tác đa chiều và đủ sức hấp dẫn từ giọng nói đến cử chỉ, hành động để lôi cuốn các em học sinh.

Đó là chưa kể với các môn học chuyên biệt, mang tính năng khiếu như nhạc, họa, thể dục, dạy trực tiếp nhiều em còn chểnh mảng, ít tập trung dạy trực tuyến các em còn phân tán và ít chú ý hơn nhiều.

Mặc dù đã trải qua quá trình dạy trực tuyến nhưng chất lượng ở từng bài giảng của mỗi giáo viên là không đồng đều; rất nhiều thầy cô còn lúng túng, nhất là kỹ thuật, kỹ năng dạy trực tuyến gần như chưa được tập tập huấn, trang bị.

Về phía học sinh, việc học trực tuyến cũng chỉ phù hợp với các em học sinh cấp 3, cấp 2. Cấp tiểu học, nhất là các em nhỏ lớp 1, lớp 2 gần như không hiệu quả.

Hải Phòng là địa phương đầu tiên của cả nước vừa qua đã dũng cảm ngưng dạy trực tuyến đối với các em 2 khối lớp này. Nguyên nhân là các em còn quá nhỏ để có thể nhận thức được ý nghĩa của việc học trực tuyến cũng như chủ động học tập. Rất nhiều em học trực tuyến nhưng tranh thủ chơi trò chơi hoặc lướt mạng, chát với bạn bè.

Theo quan sát, học trực tuyến chỉ thực sự hữu ích với các em học sinh cấp 2, cấp 3; nhất là với các em đã từng sử dụng mạng như một công cụ học tập hữu ích. Các em này không chỉ học qua bài vở theo giáo án của Thầy cô mà còn đào sâu, tìm tòi thêm các bài giảng, phương pháp đã có trên mạng để làm bài, học bài.

Trực tuyến giúp các em rất nhiều trong việc đào sâu kiến thức, hệ thống hóa một cách nhanh chóng nhờ các siêu đường link trên internet.

Tuy nhiên, thực tế số các em này trong một lớp cũng không nhiều; số còn lại đa phần học trực tuyến một cách uể oải, thiếu tập trung và ít duy trì việc học một cách nghiêm túc. Có em mở mạng ra nhưng không lắng nghe mà làm việc khác, học và làm bài theo kiểu đối phó.

Về phía phụ huynh, đa phần khi các em vào học trực tuyến là thời gian phụ huynh phải đi làm nên không thể sâu sát giờ giấc để đôn đốc và nhắc nhở. Nhiều phụ huynh không hiểu biết nhiều về công nghệ thông tin; lại ít giao tiếp các công cụ trên mạng hoặc bấy lâu nay ỉ lại vào nhà trường, cũng thờ ơ với việc học của con nên việc cập nhật giờ giấc, hình thức học trực tuyến của con chậm, khiến nhà trường và giáo viên rất vất vả để liên lạc, kết nối.

Đó là chưa  kể do hoàn cảnh sống, điều kiện gia đình, nhiều em buộc phải học trong điều kiện ồn ào, không có không gian để tiếp thu. Một bất cấp nổi lên là chất lượng đường truyền của mạng luôn không ổn định từ nhà trường, thầy cô đến gia đình học sinh. Việc dạy và học vì thế thường xuyên bị gián đoạn; nhiều em loay hoay cả buổi vào được lớp học trực tuyến thì đã gần hết giờ, không còn thời gian để tiếp thu.

Rõ ràng việc dạy và học trực tuyến là một xu hướng của thời đại, nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế số khi mà đại dịch covid xuất hiện và sẽ còn kéo dài. Vấn đề lúc này là các cấp, các ngành, trong đó ngành giáo dục cần thiết kế hẳn một chiến lược căn cơ, lâu dài về học và dạy trực tuyến. Nhà trường, phụ huynh, học sinh cần được trang bị những kỹ năng, công cụ cần thiết cho việc dạy và học trực tuyến.

Đảm bảo dạy và học trực tuyến đối với từng môn học, đối tượng phù hợp. Có sự tham gia chặt chẽ của phụ huynh và sự ủng hộ của toàn xã hội; trong đó sự đầu tư của nhà nước được xem là then chốt để mở ra các cơ hội học tập mới cho các em.

Làm được như vậy mới mong việc dạy và học trực tuyến đem lại kết quả thiết thực; tránh được việc dạy và học theo hình thức, kém hiệu quả.

Tags:
Ý kiến của bạn
Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khoác áo mới lung linh ánh sáng, kết hợp với các tác phẩm nghệ thuật giống như một đường "hầm thủy cung".

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên tại Việt Nam sẽ ra đời vào tháng 9

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên tại Việt Nam sẽ ra đời vào tháng 9

Đây là sản phẩm được ra đời từ quá trình hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với Diễn đàn Kinh tế thế giới và sẽ là trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 thứ 19 trên toàn thế giới

Hà Nội: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

Hà Nội: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

Đến thời điểm này các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã sẵn sàng các phương án, kế hoạch để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Những bất cập trong các thủ tục bàn giao lẫn việc thanh toán chi phí quản lý vận hành cho đơn vị phụ trách đã khiến tuyến đường này gặp nhiều khúc mắt khi bị cắt điện tại các nút giao lớn hay nghiêm trọng hơn là đứng trước nguy cơ không có đơn vị quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng.

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

21 nghìn chiếc xe đạp thồ, hơn 3 vạn lượt dân công hỏa tuyến- trong số 26 vạn dân công cả nước, đã cùng với phương tiện vận tải cơ giới, vượt núi cao, vực sâu, đưa 25 nghìn tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Làm đường sắt đô thị trên làn BRT, có hợp lý?

Làm đường sắt đô thị trên làn BRT, có hợp lý?

Thông tin Hà Nội sẽ thay buýt nhanh BRT bằng đường sắt đô thị đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Liệu Hà Nội có nên “khai tử” buýt nhanh BRT ở thời điểm hiện tại? Ai chịu trách nhiệm khi xóa bỏ dự án nghìn tỷ này? Lựa chọn lần này của Thành phố là đường sắt đô thị sẽ đi về đâu?

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Gần đây VOV Giao thông liên tiếp nhận được phản ánh của người dân Hà Nội về việc họ sẵn sàng di dời khỏi các chung cư cũ để cải tạo, xây mới, tuy nhiên điều khiến họ lo ngại nhất là thời gian xây dựng thường kéo dài, gây phiền hà và đảo lộn cuộc sống.

// //