Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Như VOVGT đã đề cập trong cẩm nang mới đây, có một hội chứng gọi là “sợ cuối năm”, bởi quá nhiều việc phải làm, quá nhiều kỳ cuộc liên hoan phải dự. Vì thế, cứ nhắc đến Tết là muốn phát sốt. Tết, từ chỗ là một sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm của dân tộc, là dịp tận hưởng sự ấm áp thảnh thơi, lại đang trở thành nỗi sợ định kỳ. Thật khổ cho chúng ta, và thật oan cho ngày Tết!
Nhưng cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ, có lẽ là đối mặt với nó bằng một tâm thế khác.
Hãy bắt đầu từ công việc. Chồng tài liệu cao ngất đang khiến bạn như bơi ra trên bàn. Đừng hoảng hốt. Đây là lúc để bạn nhìn thẳng vào hiệu suất sử dụng thời gian của mình. Có gì lãng phí trong cách làm việc lâu nay không, khiến bạn chưa tận dụng hết 8 tiếng quý báu mỗi ngày ở công sở? Những cửa sổ trình duyệt, đăng nhập, chát chít không cần thiết trên máy tính và điện thoại đã được đóng lại hay chưa?
Nhiều học giả đã chỉ ra rằng, sự mất tập trung đang là mối nguy của con người trong kỷ nguyên số. Theo tính toán, trong 8 tiếng làm việc, chúng ta mất tập trung khoảng 60 lần, mỗi lần lấy đi 5 phút, tức là lâu nay, đa số chỉ tập trung được 3 tiếng mỗi ngày. Dư địa còn rất nhiều để bạn cải thiện, và áp lực cuối năm chính là thời cơ.
Ngoài ra, làm việc với cường độ cao cũng khiến những thể trạng trạng làng nhàng, lờ đờ nhanh chóng bị hạ gục. Bạn sẽ nhận ra, mình cần phải khỏe hơn nhiều so với lâu nay, và buộc phải ăn uống tử tế hơn.
Bận rộn cũng là lúc bạn nhận thấy, việc ngồi “dán mông” vào chiếc ghế liên tục hàng tiếng đồng hồ thật là tai hại cho xương cốt. Nếu đứng dậy nhúc nhắc vận động một chút sau mỗi 30 phút tập trung, tình hình cải thiện đáng kể.
Cùng bận rộn như nhau, người lạc quan kèm tính toán hợp lý sẽ giải quyết ổn thỏa, mạch lạc. Người bi quan sốt sắng bị hao tổn tâm lực bởi nỗi sợ và trạng thái rối ren. Vì thế, áp lực của dịp cận Tết cũng là cơ hội để bạn rèn luyện một tâm thế tích cực, chủ động, luôn sẵn sàng với mọi thay đổi xung quanh.
---
Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: