Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Chuyện hôm nay: Thượng tôn pháp luật và camera

Phạm Trung Tuyến - 11/05/2022 | 5:45 (GTM + 7)

2 tuần sau vụ đến nhà đánh dân thì trung tá Đặng Đình Đoàn, phó công an phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng đã bị kỷ luật cách chức và cho thôi phục vụ trong ngành công an. Đây là cái giá tối thiểu cho hành vi thiếu tôn trọng luật pháp của một sĩ quan công an.

Cuối cùng thì Công an tỉnh Cao Bằng cũng đã ra quyết định thải loại trung tá Đặng Đình Đoàn, phó công an phường Sông Bằng vì hành vi đánh dân.

Cái giá mà vị trung tá phải trả sau hành động coi thường luật pháp chỉ là bị mất việc, và một biên bản xử phạt hành chính. So với uy tín, hình ảnh của lực lượng công an nhân dân, vì hành động thiếu suy nghĩ của vị trung tá mà bị ảnh hưởng thì mức kỷ luật mà ông ta phải nhận không thể coi là tương xứng.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở câu chuyện này không chỉ đơn giản là một sự việc vi phạm kỷ luật, mà là thái độ tôn trọng các nguyên tắc chấp pháp của những người liên quan.

Chúng ta nên nhìn nhận sự việc theo trình tự để thấy một chuỗi hành vi sai trái được hình thành.

Theo xác minh của cơ quan công an, đầu tiên, trung tá Đoàn nhận được điện thoại của bác sĩ Mạnh, nhờ giúp đỡ vì bị một người nhắn tin đe dọa, lăng mạ.

Trung tá Đoàn huy động thuộc cấp, đến nhà đương sự, sử dụng bạo lực để bắt người không cần lệnh, không cần chứng minh hành vi phạm tội.

Cái sai của vị trung tá không chỉ là “”thiếu kiềm chế, bức xúc” mà có hành vi không đúng mực đối với người dân. Đây là sự cửa quyền, thiếu tôn trọng luật pháp, cũng như các quy định chấp pháp, cũng như nguyên tắc ứng xử của lực lượng công an nhân dân.

Vị trung tá đã sử dụng quyền lực chấp pháp của mình để phục vụ yêu cầu của người quen. Sở dĩ khẳng định họ là người quen vì bác sĩ Mạnh không đến cơ quan công an để tố giác tội phạm (nếu coi hành vi nhắn tin lăng mạ là tội phạm), mà gọi điện nhờ trung tá Đoàn xử lý.

Nếu không phải người quen, chắc chắn không có cán bộ công an nào lại đang đêm đến bắt người vì một cuộc gọi điện như thế, không có đơn tố giác tội phạm, không phải hành vi cần ngăn chặn khẩn cấp, không cần lệnh bắt.

Hành vi này, về bản chất là đặc biệt nguy hiểm, bởi vị trung tá cho thấy ông ta sẵn sàng sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm công cụ giúp người quen trả thù cá nhân.

Tại hiện trường, vị trung tá đòi bắt người mà không cần lệnh, không có phát sinh hành vi phạm tội quả tang, và khi không thực hiện được việc bắt người thì sử dụng bạo lực do “thiếu kiềm chế”. Hành động vô pháp này cho thấy nhận thức của vị trung tá về quyền lực là đặc biệt lệch lạc.

Bởi không chỉ bất chấp luật pháp, mà ông ta còn “bức xúc” dẫn đến “thiếu kiềm chế” khi sự vô pháp của ông ta không được người dân thừa nhận.

Một chuỗi hành động vô pháp và mức án kỷ luật thuần hành chính đang cho chúng ta thấy một bức tranh khá u ám về tinh thần thượng tôn pháp luật.

Một vị bác sĩ, là thành phần có học thức, nhưng lại sẵn sàng yêu cầu người quen của mình làm một việc vô pháp chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong đời sống của bản thân.

Vị bác sĩ này chắc chắn sẽ không đẩy bạn mình vào tình huống phải trả giá bằng cả sự nghiệp nếu như biết đó là cái giá sẽ phải trả. Anh ta chỉ làm thế khi tin rằng bạn mình có thể đứng trên pháp luật, và tin rằng một trung tá công an có thể bất chấp luật pháp, muốn bắt ai thì bắt.

Một trung tá công an, là người được rèn luyện trong môi trường chấp pháp nhiều năm, là chỉ huy của hàng chục chiến sĩ công an nhưng sẵn sàng bất chấp luật lệ để giúp người quen bắt người như một chuyện nhỏ.

Ông ta hẳn sẽ không làm thế nếu ý thức đây không phải chuyện nhỏ, nếu ý thức hành vi của mình sẽ bị làm rõ, dẫn đến bị cách chức, đuổi việc.

Nhưng ông ta tin rằng các chiến sĩ dưới quyền của mình sẽ không phản đối hành vi của ông ta, tin rằng sẽ không ai chứng minh được sai phạm của mình. Và ông ta không ngờ là tại hiện trường có camera.

Cái camera ở hiện trường chính là mấu chốt của toàn bộ câu chuyện này. Bởi nếu không có nó, một người dân sẽ bị đưa về đồn công an chỉ vì mâu thuẫn nhỏ với một vị bác sĩ có bạn là công an. Anh ta có thể bị đánh, và hậu quả có thể tai hại đến mức nào thì không ai có thể biết khi không có ai làm chứng, và không có camera.

Nếu như tại hiện trường không có camera, hoặc nó bị tháo đi ngay sau khi sự việc xảy ra thì có lẽ sẽ không có ai phải trả giá, ngoài việc pháp luật bị tổn thương.

Và, thật đáng ngại nếu như thay vì được bảo vệ bởi sự thượng tôn pháp luật và thái độ chấp pháp tử tế thì người dân lại phải hy vọng được bảo vệ bởi cái camera.

Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Trong quá trình tham gia giao thông, ắt hẳn trong chúng ta đã từng thấy những chiếc xe ba gác chở hàng trên phố. Những tài xế lái xe này thường là người lớn tuổi và trên xe có dán những dòng chữ thể hiện họ là cựu chiến binh, thương binh…

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Ngày 24/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Xây dựng Khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo (VA, VASP).

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Những bất cập trong các thủ tục bàn giao lẫn việc thanh toán chi phí quản lý vận hành cho đơn vị phụ trách đã khiến tuyến đường này gặp nhiều khúc mắt khi bị cắt điện tại các nút giao lớn hay nghiêm trọng hơn là đứng trước nguy cơ không có đơn vị quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng.

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023, 7,8% số vụ TNGT xảy ra với trẻ em. Quý 1/2024, TNGT với trẻ em cũng diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm. Đáng chú ý, không ít vụ TNGT xảy ra khi các em điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi.

// //