Camera giám sát giao thông: Kết nối để mang lại hiệu quả đồng bộ
Phóng viên - 17/03/2021 | 5:29 (GTM + 7)
Camera giám sát trong quản lý điều hành giao thông, đảm bảo an ninh trật tự hết sức cần thiết. Tuy nhiên phải đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, cơ sơ pháp lý, lợi ích trước mắt cũng như lâu dài.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" từ năm 2021 đến năm 2025 vừa được Chính phủ phê duyệt vào tháng 2/2021; nhằm góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.
Việc làm này tuy không phải mới nhưng làm thế nào để kết nối hệ thống camera đồng bộ để mang lại hiệu quả và tránh lãng phí.
Mục đích của việc lắp hệ thống camera toàn quốc không chỉ phục vụ cho việc phát hiện lỗi vi phạm làm căn cứ xử phạt nguội mà còn phục vụ cho công tác chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính.
Trước mắt, năm 2020 đề án triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM; tiến tới triển khai trên toàn quốc từ năm 2022. Sau khi đề án được phê duyệt, nhiều tổ chức, chuyên gia và người dân cho rằng cho rằng việc làm này là cần thiết.
"Lắp camera không chỉ giám sát trên đường cao tốc, trên các quốc lộ; đặc biệt những nút có nguy cơ cao tai nạn giao thông, để chúng ta vừa giám sát về vấn đề giao thông, vừa giám sát về trật tự. Tôi nghĩ cái này rất tốt".
"Nâng cao được ý thức lái xe cho anh em là đi sẽ quan sát biển báo, biển cấm kỹ càng hơn".
"Hiện bây giờ chưa quen với hình thức phạt nguội thôi, chứ cả thế giới đã sử dụng hình thức đó. Mà chính cái đó giữ cho sự an toàn giao thông".
Có thể nói, đối với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, việc lắp đặt, kết nối hệ thống camera càng có ý nghĩa quan trọng; không chỉ đảm bảo an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông mà còn phục vụ cho sự phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.
Thực tế, thời gian qua việc ứng dụng công nghệ vào điều hành giao thông, tổ chức giao thông đã góp phần thuận lợi hơn trong thực hiện tổ chức giao thông. Cụ thể, trong năm 2020 tại TPHCM, tình hình ùn tắc ở các điểm ùn tắc đã giảm đáng kể so với các năm qua.
Ông Trần Võ Anh Minh - Phó giám đốc Trung tâm quản lý điều hành Giao thông đô thị TP.HCM cho biết:
"Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông hiện nay đã phục vụ rất tốt cho việc dự báo, đầu tư xây dựng của ngành giao thông cũng như hạ tầng thành phố.
Ngoài việc trực tiếp làm cho giao thông của thành phố ngày càng thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn và dự báo sự phát triển của thành phố trong tương lai. Trung tâm thường xuyên nghiên cứu nhiều công nghệ mới để áp dụng.
Hiện nay trung tâm đang ứng dụng các camera đo đếm lưu lượng để tăng cường hiệu quả giao thông của thành phố".
Ngoài ra, theo ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc ứng dụng khoa học công nghệ sẽ tăng tính minh bạch trong công tác tuần tra kiểm soát trên đường; phát hiện, xử phạt vi phạm giao thông.
"Đối với lực lượng CSGT có thực hiện việc dùng camera di dộng để quay các vị trí lỗi. Đối với Sở giao thông thực hiện hoàn toàn qua camera cố định. Và việc ghi nhận các lỗi vi phạm ghi nhận tại Trung tâm quản lý điều hành đường hầm sông Sài Gòn, đưa ra các bằng chứng vi phạm.
Sau khi ghi nhận xong sẽ bàn giao cho lực lượng Thanh tra sở tiến hành xử phạt. Trên cơ sở đó, việc lưu thông kết nối dữ liệu giữa ngành giao thông và ngành công an làm sao đảm bảo cho việc lưu thông nhanh và rõ ràng, minh bạch".
Hiệu quả lắp camera phục vụ giám sát, điều hành là rõ ràng. Tuy nhiên, trước khi đề án được phê duyệt, vấn đề bất cập đặt ra hiện nay là tính kết nối của các dự án.
Bởi, thời gian qua rất nhiều dự án giao thông đầu tư lắp hệ thống camera trên quốc lộ, cao tốc chỉ mang tính chất thí điểm, đơn lẻ, chưa kết nối dữ liệu dùng chung.
Chẳng hạn, theo đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, từ năm 2017, đơn vị tự đầu tư lắp hệ thống camera nhưng chỉ phục vụ riêng cho việc giám sát giao thông, cứu nạn, cứu hộ trên tuyến; phối hợp xử lý vi phạm giao thông khi có cơ quan chức năng yêu cầu.
Hiện Cục Cảnh sát giao thông triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát hoạt động động độc lập với đường cao tốc để phục vụ xử lý phạt nguội.
Chưa kể, mỗi dự án sử dụng một giải pháp công nghệ khác nhau, chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật chung. Để phát huy hiệu quả đồng bộ, tránh lãng phí khi đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát trên toàn quốc,
Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết:
"Chúng tôi sẽ xây dựng cơ sở tiêu chuẩn dữ liệu dùng chung để kết nối những hệ thống camera mà được Bộ GTVT đang đầu tư; ví dụ như tuyến Long Thành – Dầu Giây, sử dụng cơ sở hạ tầng để đảm bảo hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất cho công tác xử phạt vi phạm hành chính và tránh đầu tư nhiều lần.
Hiện nay, 2 tuyến này đang chuẩn bị kết nối lại và đồng thời chúng tôi sẽ bổ sung những trang thiết bị để phục vụ cho cái yêu cầu xử phạt của lực lượng CSGT".
Bên cạnh đó, để đảm bảo xây dựng đồng bộ hệ thống camera từ Bộ Công an tới các địa phương, cùng chung một tiêu chuẩn, có thể sử dụng vào nhiều mục đích và nhiều cơ quan, ban ngành cùng có thể khai thác, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết:
"Chúng ta lắp đặt các hệ thống khác nhau nhưng nếu không có chỉ đạo một cách cụ thể thì tính kết nối, tính hệ thống rất khó khăn.
Chính vì thế mà Cục giao cho chúng tôi, trong đó Cục sẽ tiến hành lắp đặt camera tại các tuyến quốc lộ gồm tập trung lắp đặt tại các tuyến cao tốc, tuyến Quốc lộ 1.
Thứ 2 là tạo cơ sở pháp lý, trong đó có tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống giám sát theo tiêu chuẩn quốc gia; để các địa phương khi đầu tư thì căn cứ vào tiêu chuẩn kỹ thuật đó, để tiến hành.
Đảm bảo yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật, nhưng cũng đảm bảo các yêu cầu liên quan đến bảo mật".
Có thể khẳng định việc lắp đặt hệ thống camera giám sát trong quản lý điều hành giao thông, đảm bảo an ninh trật tự là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên phải đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, cơ sơ pháp lý, lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của việc lắp đặt hệ thống camera trên toàn quốc.
Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: “Lắp camera giám sát: Kết nối để mang lại hiệu quả đồng bộ”.
Việc Chính phủ phê duyệt đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" là sự quan tâm, đầu tư rất lớn của nhà nước trong điều kiện phát triển của công nghệ 4.0, khẳng định tính cần thiết của việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý hành chính nhà nước.
Bối cảnh dịch COVID-19 không chỉ đòi hỏi phát triển nền kinh tế số mà còn hướng đến sử dụng công cụ trong quản lý và đời sống thông qua công nghệ. Điều này các quốc gia trên thế giới đã thành công.
Lợi ích của sử dụng camera giám sát giúp cơ quan, ban ngành, đặc biệt là ngành giao thông giảm nguồn nhân lực; tăng tính năng quản lý, giám sát; tiết kiệm chi phí; đồng thời còn thể hiện tính văn minh, hiện đại; công khai và minh bạch.
Điều đáng mừng, thời gian qua nhiều địa phương trên cả nước đã áp dụng xử lý vi phạm bằng hệ thống camera bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt.
Nhiều vi phạm giao thông như chạy quá tốc độ, dừng đỗ sai quy định, đi sai phần đường… xảy ra nhiều tháng trước đó đều được phát hiện và xử lý khi thực hiện đăng kiểm phương tiện hoặc thông qua các trạm thu phí đường bộ.
Tuy ban đầu nhiều tài xế còn bỡ ngỡ nhưng qua bằng những chứng cứ rõ ràng cũng tâm phục, sẵn sàng đóng phạt. Qua đó đã góp phần nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật giao thông.
Như vậy, hệ thống camera không dừng lại là công cụ giám sát mà trở thành một định chế pháp luật vô hình, làm cho mọi người luôn phải nâng cao ý thức, tự nhắc chở bản thân để không mắc các lỗi vi phạm.
Song, điều mọi người lo lắng về tính hiệu quả khi áp dụng hệ thống camera giám sát trong thực tiễn là có căn cứ. Bởi cho cùng, camera giám sát vẫn là máy móc, thiết bị do con người điều khiển hợp lý và hiệu quả nhất.
Lại nói, tình trạng hệ thống camera của ngành Công an, GTVT, các địa phương, tổ chức và cá nhân chưa có tính kết nối với nhau, “mạnh ai nấy làm” dẫn đến lãng phí nguồn đầu tư, chồng chéo trong việc giám sát và quản lý.
Thực tế, việc một tuyến đường, tuyến phố có nhiều camera lắp đặt nhưng khi xảy ra sự vụ, sự cố lại khó tìm được chủ nhân của camera để truy xuất hình ảnh làm bằng chứng điều tra.
Đã đến lúc xây dựng đô thị thông minh, hướng tới quản lý thông minh cần có những quy định, liên kết chặt chẽ cụ thể ở mỗi cấp, mỗi ngành, nhằm tạo thuận lợi trong việc chia sẽ dữ liệu, thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả; tránh một “rừng” camera nhưng không rõ tính năng sử dụng.
Một yêu cầu nữa là tính tương thích của hệ thống camera nói riêng và các công nghệ nói chung trong quản lý nhà nước cần đồng bộ; không nên vừa đầu tư xong đã lạc hậu, không tương thích với hệ thống hiện hữu.
Rõ ràng, việc xây dựng camera giám sát là công cụ hết sức cần thiết cho ngành giao thông, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông trong xử lý vi phạm giao thông; góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.
Vấn đề lúc này, các cấp các ngành, đặc biệt ngành Công an phải nhìn nhận điểm hạn chế để khắc phục, từ đó phát huy hiệu quả lâu dài của dự án, xứng với giá trị, kỳ vọng đầu tư lên đến hơn 2.000 tỷ đồng./.
Chiều 12/12, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (HURC1) và Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam) chính thức ký kết biên bản ghi nhớ nhằm góp phần thúc đẩy giao thông thông minh tại TP.HCM trong bối cảnh tuyến metro số 1 sắp đi vào vận hành.
Sau nhiều năm đánh mất chức năng chính và bị tận dụng làm chỗ đỗ ô tô, vỉa hè xung quanh công viên Tuổi Trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang được chỉnh trang, lát lại gạch.
Từ ngày 01/7/2025, người bệnh mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... sẽ được lên thẳng tuyến khám chữa bệnh chuyên sâu (tuyến cuối) mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành, vẫn được hưởng 100% mức hưởng.
Gần đây VOV Giao thông nhận được phản ánh của nhiều bác tài thường xuyên lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Lào Cai về tình trạng nhiều vị trí mặt đường hư hỏng, lồi lõm và hằn lún vệt bánh xe, lún võng đường dẫn các đầu cầu, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.
Thời gian qua, nhiều thính giả phán ánh và bày tỏ bức xúc trước tình trạng ô tô đậu tràn lan dưới lòng đường ở trung tâm TP.HCM gây cản trở giao thông, ùn ứ vào giờ cao điểm. Đáng nói tình trạng này đã diễn ra thời gian dài nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Việc thí điểm các phương án tổ chức giao thông hay thí điểm cách thức tổ chức điều hành môt số hoạt động giao thông đô thị là cần thiết, nhằm kiểm chứng mức độ phù hợp, hiệu quả trước khi tính toán nhân rộng.