Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Những câu chuyện đẹp về giữ gìn ATGT đường sắt (Phần 2)

Phóng viên - 29/01/2017 | 11:30 (GTM + 7)

VOVGT - Đó là những con người âm thầm làm nhiệm vụ bất kể ngày đêm để đảm bảo cho các tuyến tàu xuôi ngược được thông suốt, an toàn....

Hơn 3 năm qua, từng thành viên của Hội Cựu chiến binh huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã thay nhau đứng chặn xe qua tại các đoạn đường dân sinh giao cắt đường sắt. 18 thành viên của 7 tổ tự quản cựu chiến binh đã tự nguyện làm công việc thầm lặng này để bảo đảm ATGT cho người dân. Mặc dù đây là công việc tự nguyện, nhưng bằng tấm lòng cao cả, các bác vẫn làm việc hết mình để góp phần ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên tuyến đường này. Trong phần tiếp theo mà chương trình đầu xuân gửi tới quý thính giả sẽ là câu chuyện về những người lính già tình nguyện giữ gìn ATGT đường sắt ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Không quản ngày mưa gió, các cựu chiến binh và tổ tự quản vẫn đứng gác chắn đúng giờ. Ảnh: Báo Giao thông

“Tôi đang có mặt tại đường ngang thôn Đình Dù, thuộc xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đây là địa điểm đã được các cựu chiến binh tình nguyện làm công tác gác chắn trong nhiều năm qua. Tại đây thì dù trời nắng hay mưa, từ 6h đến 18h hàng ngày, các thành viên của Hội Cựu chiến binh huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên sẽ thay nhau đứng chặn xe trước khi tàu đến. Việc các cựu chiến binh miệt mài làm công tác gác chắn đường ngang đã giúp cho hành trình của những chuyến tàu Hà Nội – Hải Phòng được thông suốt và giảm thiểu TNGT”

Từ 6h sáng, ông Lê Xuân Phả, nhà ở thôn Đình Dù, thành viên tổ tự quản tại Km21+100 thuộc xã Đình Dù đã có mặt tại điểm giao cắt đường ngang, yêu cầu các phương tiện đường bộ dừng xe để tàu qua. Tay ông giương cao lá cờ đỏ, miệng liên hồi tuýt còi, ông hô vang báo tàu đến và yêu cầu các phương tiện dừng lại an toàn trước đường ngang. Khi tàu chạy qua, ông lại điều tiết cho các phương tiện từ hai bên đường di chuyển theo trật tự, không chen lấn, ùn tắc.

Người cựu chiến binh này chia sẻ về công việc của mình: "Xuất phát từ chỗ tai nạn ở đây nhiều nên hội cựu chiến binh chúng tôi lập thành các tổ tự nguyện ra đây làm công tác gác chắn, đảm bảo an toàn ở đường ngang giao cắt đường dân sinh, tránh cho nhân dân khỏi tai nạn. Hàng ngày, có 6 tuyến tàu chạy qua đây với tốc độ cao. Chúng tôi nắm được lịch chạy tàu và chủ động có mặt tại các điểm đường ngang trước khi tàu đến khoảng 30 phút để chuẩn bị đón tàu qua cho an toàn".

Ở một địa điểm khác là điểm giao cắt Km 26+490, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, chúng tôi gặp ông Đặng Văn Lậm, Tổ trưởng tổ tự quản Cựu chiến binh huyện Văn Lâm. Khi tiếng còi tàu vang lên trong tiết trời mưa lạnh, thì cũng là lúc ông Lậm nhanh chóng ra đứng bên lề đường ray làm nhiệm vụ cảnh báo tàu đến. Để an toàn cho người đi đường và nắm rõ lịch trình tàu chạy, mỗi sáng các thành viên trong tổ của ông lại đọc lịch trình tàu chạy để gác chặn kịp thời. Khi nào hết chuyến tàu trong ngày thì họ mới về nghỉ.

Vừa hoàn thành xong việc gác chắn cho một chuyến tàu qua, ông Đặng Văn Lậm chậm rãi kể: "Mỗi khi tàu đến là chúng tôi căng dây, xong giơ cờ đỏ ra. Với những trường hợp các phương tiện cố tình vượt thì chúng tôi sẽ báo hiệu cảnh báo nguy hiểm; đẩy lùi xe lui xuống không được vượt đường ngang. Chúng tôi làm ở 7 điểm trên địa bàn huyện thì đây là điểm quan trọng nhất bởi xe tải chạy rất nhiều, một ngày có thể hàng nghìn chuyến qua lại, nên nhiều trường hợp phương tiện qua đường sắt gặp sự cố, cắt ngang đường sắt".

Được biết, huyện Văn Lâm địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có đường sắt chạy qua với 2 ga Lạc Đạo, Tuấn Lương đi qua địa bàn của 7 xã, thị trấn, giao cắt với nhiều tuyến đường ngang dân sinh và khu công nghiệp. Ngoài các vị trí trọng yếu đã có trạm gác chắn barie và người hướng dẫn, trên địa bàn Văn Lâm còn nhiều điểm giao cắt khác, trong đó có 7 vị trí đường ngang thường xuyên có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Thực tế những năm qua, tình hình tai nạn giao thông đường sắt tại đây diễn biến phức tạp. Hầu hết các vụ tai nạn xảy ra đều rất thương tâm, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn phần lớn là do người tham gia giao thông không chú ý quan sát và không chấp hành hiệu lệnh khi qua đường ngang.

Ông Đỗ Mạnh Chuông, Phó ban ATGT huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cho biết: "Những năm gần đây, các phương tiện tham gia giao thông ngày một cao, đi qua khu vực đường ngang ngày một nhiều, nhiều phương tiện để né trạm thu phí quốc lộ 5 mà đi qua đây tăng đột biến. Nhiều phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, thiếu quan sát khi qua đường ray nên nguy cơ tai nạn rất lớn. Trước tình hình đó, các bác cựu chiến binh đã chịu khó có mặt tại các điểm đường ngang, không quản ngại khó khăn về thời tiết để tích cực đảm bảo ATGT tại đường ngang".

Ông Đỗ Mạnh Chuông cũng đánh giá, từ khi có tổ tự quản cựu chiến binh túc trực các điểm đường ngang, an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn huyện Văn Lâm được cải thiện đáng kể. Nhiều người cố tình vượt khi tàu đang đến, đã được các cựu chiến binh ngăn cản kịp thời. Bản thân những cựu chiến binh cũng không nhớ tổ tự quản của mình đã cứu sống bao nhiêu người. Chỉ có những người dân sống quanh đường tàu này là nhớ ơn công việc thầm lặng của các bác.

"Các bác làm tốt quá vì chỗ này tai nạn rất nhiều, thường xuyên xảy ra các vụ thương tâm. Khi có các bác đứng căng cờ báo hiệu rồi ngăn chặn người dân không vượt qua đường sắt khi có tàu thì tai nạn giảm đáng kế".

"Cứ tàu đến là các bác ý chăng dây ra nên đỡ được tai nạn nhiều, chứ ở đây tai nạn thường xuyên, toàn tai nạn nghiêm trọng. Bây giờ bà con thấy có các bác có tín hiệu báo dừng là cũng nghiêm túc dừng lại trước đường ray".

"Các bác rất nhiệt huyết với công việc với tấm lòng cao cả là đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Việc làm và hành động của các bác mọi người ở đây đều cảm ơn và thấy hữu ích"

Để làm tốt công tác gác chắn đường ngang, các bác cựu chiến binh đã được cơ quan quản lý đường sắt, Ban An toàn giao thông huyện tập huấn nghiệp vụ công tác và trang bị các dụng cụ hỗ trợ cần thiết. 7 tổ tự quản bảo đảm an toàn giao thông đường sắt của Hội Cựu chiến binh huyện Văn Lâm chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2012 và duy trì tốt hoạt động tới nay.

Ông Hoàng Anh Tú, Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải - đơn vị phụ trách địa bàn khẳng định: “Đây là một mô hình mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp giảm tai nạn giao thông tại đường ngang xuống nhiều so với trước; mức độ an toàn tại đây được nâng cao hơn. Mặc dù ý thức người dân chưa được tốt, tuy nhiên với việc làm của các cựu chiến binh đã khiến người dân quen dần ý thức chấp hành quy định khi qua đường ngang được nâng lên".

Mô hình tổ tự quản cựu chiến binh bảo đảm an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn huyện Văn Lâm thời gian qua đã khẳng định được hiệu quả. Song để phát huy hiệu quả bền vững, Ban An toàn giao thông và các cơ quan chức năng liên quan cần quan tâm bảo đảm công cụ hỗ trợ cần thiết, nâng cao mức hỗ trợ nhằm động viên các cựu chiến binh làm nhiệm vụ. Còn các cựu chiến binh nơi đây, với tinh thần bộ đội Cụ Hồ vẫn đang và sẽ bất kể thời tiết nắng mưa hay giá rét, luôn có mặt đúng thời gian ở vị trí quy định để hướng dẫn giao thông, góp phần tích cực vào công tác hạn chế tai nạn và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đằng sau những chuyến tàu ra Bắc vào Nam được an toàn, thông suốt là những người gác chắn lặng thầm quanh năm với công việc đón, tiễn tàu. Công việc gác chắn tưởng như đơn giản, nhưng ẩn đằng sau là những gian nan và trách nhiệm nặng. Ngoài áp lực về thời gian, luôn luôn túc trực đón tiễn những chuyến tàu; áp lực về nội quy nghề nghiệp, nhân viên trạm gác còn phải chịu áp lực từ ý thức coi thường việc đảm bảo an toàn giao thông của một bộ phận người đi đường.

Và phải là người trong nghề, hoặc thấu hiểu được công việc của mà các nhân viên trạm chắn phải đối mặt từng ngày, từng giờ thì mới có thể thấu hiểu những vất vả, chịu đựng, những hy sinh thầm lặng của họ khi thực thi nhiệm vụ bảo đảm bình yên cho mỗi chuyến tàu qua. Đối với phụ nữ, công việc này lại vất vả hơn do những đặc thù của nghề. Tuy nhiên, bằng tình yêu và sự gắn bó, các chị đã vượt qua gian nan để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong chương trình đầu năm mới, VOV Giao thông đã gặp gỡ và ghi lại những chia sẻ, cảm xúc của những người phụ nữ gác tàu với công việc mà họ đang gắn bó.

# "Tôi tên là Nguyễn Thị Huệ, tôi mới vào nghề được hơn 2 năm. Tôi công tác tại trạm chắn Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Công việc tương đối là vất vả, với đặc thù đa số là chị em phụ nữ. Khi tôi mới vào nghề đã gặp một số sự cố là một chiếc ô tô lớn, khi tàu chạy đến vẫn cố tình vượt qua mà mắc lại trên đường tàu. Tôi đã tìm cách khẩn cấp báo cho tàu dừng lại, và rất may là kịp thời báo cho tàu dừng lại kịp.

Tại vị trí gác chắn Nghĩa Trai này, chúng tôi luôn phải chú ý đến các xe qua lại, vì từ đây đi vào khu công nghiệp nên nhiều xe có trọng tải lớn đi qua nên lúc nào cũng phải chú ý đến đường tàu cho xe đi vào một cách an toàn. Tuy nhiên, nhiều người không đi qua đường ngang có gác chắn này mà còn đi tắt một lối khác gần đây nên khi có tàu chúng tôi còn phải chú ý cả những điểm đó. Có những khi tàu đến mọi người cố tình vượt qua, xong rồi đứng sững lại, không thể đi qua hẳn thì tôi phải chạy ra, thổi còi inh ỏi lên mà mọi người không biết tại sao vẫn cố tình vượt qua đường tàu bằng mọi cách.

Gặp các trường hợp thế, chúng tôi phải chạy lại để kéo xe máy, xe đạp ra khỏi đường ray, rất là nguy hiểm; rào chắn rồi mà mọi người vẫn cứ phá ra để đi. Mong muốn là các xe qua lại cần chấp hành đúng quy định để đường ngang được an toàn. Khi chúng tôi đã đóng chắn thì mong muốn người tham gia giao thông không cố vượt qua để đảm bảo an toàn”.

# “Tôi là Nguyễn Thị Kim Dung, năm nay tôi là công việc này đã 21 năm. Tôi vừa thực hiện xong công việc đóng và mở chắn tàu. Một chuyến tàu an toàn chạy qua điểm Kim Liên A, tôi và mọi người ở đây đều cảm thấy nhẹ lòng. Công việc của chúng tôi là ban ngày cầm cờ, còn ban đêm cầm đèn, khi nào tàu đến đường Trường Chinh thì ở điểm đó báo lên đây thì chúng tôi bắt đầu ra điểm chốt, bấm chuông đèn đường và sẵn sàng tư thế đón chuyến tàu. Trước khi tàu đến thì thực hiện đóng chắn tàu trước 1 phút để đảm bảo đường ngang thanh thoát đón tàu đi qua.

Chuyến tàu mà suy nghĩ nhiều nhất là chuyến tàu ngay sau giao thừa, lúc ấy làm ngoài đường nghĩ cũng tủi thân, nhìn mọi người đi đón giao thừa ngoài đường phố còn mình lọ mọ đứng giữa đường. Thế nhưng chị em ở đây vẫn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn chuyến tàu đầu năm mới rồi sau đó cùng động viên nhau vì đó là công việc mình đã lựa chọn, động viên nhau năm mới hoàn thành tốt công việc với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến tàu.

Tôi muốn gửi lời tới các chị em làm công việc gác chắn ở Hà Nội và các chị em ở những vùng xa, lẻ loi luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chúc các chị em một năm mới sức khỏe, hạnh phúc”.

# “Mình là Đinh Thị Hòa, năm nay 40 tuổi, thuộc đội chắn Giáp Bát, làm việc tại trạm chắn Đại Từ. Ở đây thì đường ngang có mật độ giao thông rất lớn, nhiều người qua lại nên thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông. Trong khi đó, tàu chạy qua đây có mật độ nhiều, trung bình là 20-25 chuyến tàu trong 1 ban làm và cả ngày và đêm là khoảng 50 chuyến tàu qua lại. Áp lực của công việc này đối với các trạm chắn bình thường đã lớn thì ở những trạm chắn đông đúc như thế này thì áp lực càng lớn hơn để đảm bảo an toàn chạy tàu bởi yếu tố an toàn là điều quan trọng, luôn được đặt lên đầu tiên. Vì thế, tôi thường xuyên tham gia vào việc giải quyết ùn tắc giao thông trên đường ngang, đặc biệt là luôn túc trực trên mặt đường trước khi tàu đến để giải tỏa phương tiện.

Tại đường ngang, mặc dù đã có đèn tín hiệu để người dân biết được dừng lại khi tàu gần đến nhưng nhiều người dân ý thức chưa cao nên thường cố tình vượt qua đường ngang và trong lúc vội vã đó có thể họ va chạm vào mình hoặc chửi bởi mình bằng những lời lẽ không lịch sự. Đấy là những nỗi vất vả của chị em làm gác chắn ở đây.

Bên cạnh đó, với những chị em đã lập gia đình và có con nhỏ thì nỗi vất vả tăng lên bởi thường xuyên đi làm đêm hôm theo ca kíp, cộng với thời tiết mưa rét thì nỗi vất vả càng tăng lên. Ở vào thời điểm cuối năm hay trong dịp Tết thì không thể tránh khỏi lúc chạnh lòng nhưng mọi người đều xác định được công việc mà mình đã theo để luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo an toàn cho mọi người qua lại”.

# “Tôi là Trần Thị Thanh Nhàn, Tổ trưởng Ban 3, Trạm chắn Kim Liên A, Đội gác chắn đường ngang Hà Nội. Trước tiên, phải nói là mỗi người một nghề, công việc này của chúng tôi thì nữ là phần nhiều nên các chị em thường xuyên bảo nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Những cái khó khăn, trở ngại, áp lực đối với chị em thì rất nhiều. Cái khó khăn thường trực là chị em phải thu xếp công việc gia đình bởi đặc thù công việc là ca kíp, ban ngày đã vậy nhưng còn ban đêm, mình phải thu xếp làm sao để thuận lợi trong gia đình để mình yên tâm đi làm.

Công việc phần hành xa gắn liền với tiêu chí an toàn nên cũng gặp khó khăn bởi làm việc giữa nội đô này thì mật độ dân số rất đông, nhiều người dân ý thức giao thông chưa được am hiểu lắm, thế nên đôi khi gây ra những áp lực, khó khăn cho công việc của chúng tôi, khiến chúng tôi nhiều lúc cảm thấy thật sự mệt mỏi. Mỗi chuyến tàu qua nó chỉ 5-10 phút thôi nhưng có lẽ mọi người đi làm cả ngày không vất vả bằng chị em chúng tôi đón vài chuyến tàu trong 1 ngày. Bình thường để an toàn là phải 2 người phải vào 1 dàn chắn để hỗ trợ nhau thì mới đóng được dàn chắn; khi tàu sắp đến, một người vừa thổi còi vừa khống chế phương tiện không cho vượt lên, một người kéo dàn chắn, chứ để một người lúc giờ cao điểm thì không thể làm nổi.

Cũng do đặc thù nghề, nhiều chị em phụ nữ mà những hôm thời tiết không thuận lợi, những đêm mưa rét thì nỗi vất vả nhân lên. Tôi làm trong nghề đã đón nhiều giao thừa tại đường ngang. Trong đêm 30 thường có tổ chức bắn pháo hoa, người dân ngoài đường rất đông, tràn hết vào khu vực đường ngang. Khi chúng tôi thực hiện nhiệm vụ cho chuyến tàu xông hàng năm mới phải cùng nhau dẫn tàu, chứ không thì tàu không thể qua nổi và cũng không làm sao đóng được đường ngang, 7-8 anh chị em phải cùng nhau dẫn đường cho tàu qua đường ngang an toàn.

Năm mới đến, mong mỏi của chị em chúng tôi rất nhiều, mong mỏi mỗi người dân có ý thức hơn, mọi người thấy công việc của chúng tôi vất vả thì xin ý thức cao hơn để hỗ trợ cho công việc của chúng tôi. Nhân dịp năm mới, tôi thay mặt cho các chị em làm công tác gác chắn xin chúc người tham gia giao thông được an toàn tuyệt đối, gia đình an khang, thịnh vượng, mọi sự như ý”.

Được tận mắt chứng kiến những khó khăn, vất vả trong công việc đảm bảo ATGT tại các điểm đường ngang giao cắt đường sắt mới thấy rằng, chỉ có tinh thần trách nhiệm với công việc, với cộng đồng mới giúp các anh, các chị, các bác vượt qua tất cả để giữ được bình yên cho những chuyến tàu. Một mùa Xuân nữa đang về. Trong rộn ràng sắc xuân, những con người thầm lặng ấy vẫn đang làm tốt công việc của mình bên những cung đường để đảm bảo cho từng chuyến tàu ngược xuôi được an toàn, để ai cũng được sum vầy đầm ấm bên người thân và gia đình. Xin được chúc một năm mới an lành, hạnh phúc cho mỗi người, cho mỗi chuyến tàu qua và xin được cảm ơn tinh thần tự nguyện vì cộng đồng, trách nhiệm lớn lao trong việc đảm bảo ATGT của những con người thầm lặng trên mọi miền Tổ quốc.

Tags:
Ý kiến của bạn
Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch 15 – 21/4, mặc dù giá hàng hoá biến động rất mạnh nhưng các mức tăng, giảm trái chiều khiến chỉ số MXV-Index chỉ nhích nhẹ 0,05% so với tuần trước đó, lên mức 2.329 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng đỉnh trong 7 tháng qua.

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

// //