Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

5 tuyến đường trên cao và những vấn đề về hiệu quả đầu tư dự án

Phóng viên - 30/10/2020 | 5:50 (GTM + 7)

Việc đề xuất xây dựng 5 tuyến đường trên cao và nhiều dự án giao thông cần phải lưu ý về nguồn vốn, phương án đầu tư, tiến độ triển khai lẫn phương án kết nối để các dự án thực sự phát huy được hiệu quả.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã trình UBND thành phố nghiên cứu triển khai 5 dự án đường trên cao để giải quyết các điểm nóng ùn tắc giao thông cũng như tăng hiệu quả kết nối theo hướng Đông Tây.

Đề xuất này ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia và người dân thành phố.

Cầu vượt bằng thép tại nút giao vòng xoay Lăng Cha Cả. Ảnh: Người lao động

Nút giao vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình, TP.HCM) là một cửa ngõ giao thông quan trọng với lưu lượng phương tiện qua lại vào hàng đông nhất thành phố mỗi ngày. Mặc dù đã được xây dựng 1 cầu vượt bằng thép để giảm áp lực giao thông, song trên thực tế cây cầu vượt này vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng.

Mới đây, Sở GTVT và các đơn vị liên quan đã đề xuất đầu tư xây dựng sớm tuyến đường trên cao số 1 đi qua đây, thông tin này đã nhận được sự đồng tình của nhiều người dân thường xuyên di chuyển qua đây:

"Đề xuất là tốt, khả thi chứ, nó sẽ giúp đỡ kẹt xe hơn, càng giải phóng làm thêm đường sẽ giải tỏa được kẹt xe, ùn ứ".

"Tôi nghĩ điều này là quá tốt vì TPHCM hiện nay đang kẹt xe quá nhiều. Các tuyến đường trên cao sẽ giúp các luồng xe đi thẳng sẽ thông thoáng hơn. Những đoạn nào thường kẹt nhiều thì mình nên làm sớm để có thể làm giảm ùn tắc cũng như tai nan giao thông".

"Lấy bài học từ Thái Lan thì làm đường trên cao rất tốt, bởi những tuyến đường trên cao, rộng như đường Võ Văn Kiệt của TPHCM thì khi làm hầu như không ảnh hưởng gì đến giải phóng mặt bằng bên dưới. Theo tôi, nhà nước nên khuyến khích cho tư nhân đầu tư vì nhà nước mà làm thì chậm lắm".

Sở GTVT TP.HCM cho biết, việc đầu tư phát triển 5 tuyến đường trên cao là một phần trong đề án "Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030", đã được Thủ tướng phê duyệt về quy hoạch giao thông vận tải ở TP.HCM. Các ý tưởng này thực tế đã xuất hiện hơn 10 năm qua, song vì nhiều lý do khác nhau mà đến nay “vẫn còn trên giấy”.

Trước áp lực quá tải, xung đột và ùn tắc giao thông ngày một lớn trên các trục đường xuyên tâm, đường vành đai, Sở GTVT đã đề xuất UBND thành phố nghiên cứu và chấp thuận phương án đầu tư, xây dựng sớm 2 trong số 5 tuyến đường trên cao, bao gồm tuyến số 1 (dài khoảng 

9,5km dọc theo đường Cộng Hòa, lăng Cha Cả, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Phan Xích Long về cầu Sài Gòn) và tuyến đường trên cao số 5 (dài khoảng 34km, chủ yếu dọc theo quốc 1 từ nút giao Trạm 2 đến cuối đường Tân Tạo - Chợ Đệm nối vào cao tốc TP.HCM Trung Lương).

Khu vực cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra kẹt xe nghiêm trọng, trong khi đường trên cao số 1 đi qua khu vực này sau 13 năm nghiên cứu vẫn nằm trên giấy.
Khu vực cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra kẹt xe nghiêm trọng, trong khi đường trên cao số 1 đi qua khu vực này sau 13 năm nghiên cứu vẫn nằm trên giấy. Ảnh: Tuổi trẻ

Dưới góc nhìn của một chuyên gia giao thông, tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức cho rằng các tuyến đường trên cao, đường vành đai, đường xuyên tâm là yêu cầu hạ tầng cơ bản nhưng hết sức quan trọng để đảm bảo hoạt động giao thông đô thị được thông suốt.

Chỉ khi nào hình thành được các tuyến đường trên cao theo đúng quy hoạch, kết nối với hệ thống đường vành đai, kết nối liên khu vực thì mới có thể giải phóng mạng lưới giao thông đô thị.

Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng việc kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông dù đã được xem là một chương trình đột phá trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được kỳ vọng vì vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn lực. Ông Cương cho rằng việc tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường trên cao lần này sẽ là cần thiết trong bối cảnh TP.HCM cần một sự đột phá mới:

"Việc đề xuất các tuyến đường trên cao để giải quyết vấn đề cơ bản của ùn tắc giao thông là việc cần thiết và rất cấp bách vì đã đến lúc thành phố cần đến sự đột phá nào đó để phát triển chứ cứ để ùn tắc và ngập nước như thế này sẽ hạn chế sự phát triển rất nhiều".

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng các tuyến đường trên cao đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các đô thị, nó không chỉ giúp việc đi lại được thuận tiện mà còn mang đến một bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại hơn.

Tuy nhiên, ông Sơn tỏ ra tiếc nuối vì các dự án đầu tư xây dựng đường trên cao của TP.HCM chưa thể thành hình:

"Tôi nghĩ đây là những dự án quan trọng, đáng tiếc, quá trình triển khai quá chậm vì những khó khăn về chính sách, về vốn và về giải phóng mặt bằng. Tôi cho rằng thành phố cần xác định việc phát triển những tuyến đường trên cao này phải nằm trong tổng thể phát triển của thành phố.

Cần cân nhắc giữa việc đầu tư vốn vào thời điểm này và hiệu quả kinh tế đạt được sau khi đưa các tuyến này vào sử dụng để thấy rằng việc đầu tư sớm chừng nào sẽ tốt chừng đó cho thành phố".

Theo chuyên gia chính sách công, giảng viên đại học Fullbright - Huỳnh Thế Du thì tại TP.HCM hiện nay đang tồn tại một khoảng cách rất xa giữa thực tế và nhu cầu sử dụng hạ tầng giao thông của người dân. Do đó việc xây dựng thêm 5 tuyến đường trên cao này và nhiều dự án hạ tầng giao thông khác là hết sức cần thiết, tuy nhiên cần phải tìm được lời giải về nguồn lực đầu tư, tính chủ động và cả năng lực vận hành cơ chế:

"Cần thấy rằng ngân sách thành phố đang rất hạn hẹp và không có sự chủ động khi nguồn vốn phụ thuộc từ bên ngoài hoặc từ huy động, do đó dẫn đến tình trạng đầu tư của thành phố bị manh mún, ngắt quãng. Cần nói thêm rằng thành phố cũng còn câu chuyện về năng lực, chủ yếu là do động cơ và và cơ chế để phát huy năng lực, cuối cùng thì hệ thống không có năng lực bởi vì không vận hành như ý".

Đường trên cao tại vòng xoay Cát Lái (quận 2). (Ảnh: Dân trí)
Đường trên cao tại vòng xoay Cát Lái (quận 2). Ảnh: Dân trí

Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, việc đề xuất xây dựng 5 tuyến đường trên cao và nhiều dự án giao thông quan trọng khác được xem là một bước đi chủ động để TPHCM sớm giải tỏa các điểm nghẽn trong hoạt động giao thông.

Cần thiết là vậy nhưng các nhà quản lý và các đơn vị liên quan cần phải lưu ý nhiều hơn về nguồn vốn, phương án đầu tư, tiến độ triển khai lẫn phương án kết nối để các dự án thực sự phát huy được hiệu quả.

Góc nhìn của VOVGT qua bình luận nhan đề: “5 tuyến đường trên cao của TP.HCM và những vấn đề về hiệu quả đầu tư dự án”.

Nhằm tiếp tục duy trì vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ mới (2020-2025) đã đề ra nhiều chương trình hành động cụ thể để hoàn thiện và phát triển nhanh hơn nữa hệ thống hạ tầng giao thông nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân lẫn mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Việc chính quyền thành phố nghiên cứu, đề xuất ưu tiên đầu tư 5 tuyến đường trên cao lẫn 55 dự án giao thông khác trong năm 2021 đã cho thấy được sự chủ động trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn cố hữu trong mạng lưới hạ tầng giao thông.

Sau 15 năm nằm trên giấy thì lần này các tuyến đường trên cao mới chính thức được xuất hiện trong danh sách các dự án cần được ưu tiên triển khai xây dựng. Điều này chứng minh sự cần thiết và cấp bách của các dự án này trong bối cảnh tình trạng ùn tắc giao thông của TPHCM ngày một nghiêm trọng, cũng như những đòi hỏi hết sức cấp bách về nhiều không gian giao thông hơn cho người dân. Song, để các tuyến đường trên cao này có thể thành hình thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được giải quyết thấu đáo.

Dù chi phí đầu tư các tuyến đường trên cao được xem là thấp hơn nhiều so với việc mở rộng hay làm đường mới trên mặt đất, nhưng việc huy động hàng chục ngàn tỷ đồng để triển khai dự án vào thời điểm này chắc chắn không hề dễ dàng. Tổng mức đầu tư quá lớn là từng nguyên nhân khiến không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước phải “dừng cuộc chơi mang tên đường trên cao ở TPHCM”.

Do đó, nếu muốn các tuyến đường trên cao được thành hình thì cần phải vận dụng tối đa các điểm mạnh đặc thù của mình để thu hút được các nguồn lực kể cả trong và ngoài nước. Để làm được điều này thì ngoài việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng bên ngoài, khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước thậm chí cả phát hành trái phiếu thì thành phố cần phải tiên phong trong việc tạo ra một cơ chế cởi mở, minh bạch lẫn các công cụ điều hành với mức độ tin cậy cao.

Ngoài ra, hiệu quả đầu tư lẫn tiến độ triển khai dự án cũng là những yếu tố cần phải được cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng. Thay vì ồ ạt triển khai thì nên tập trung tối đa nhân lực vật lực để hoàn thành dứt điểm 1 tuyến cụ thể (có thể là tuyến số 1 vì đây là trục xuyên tâm quan trọng).

Đây sẽ vừa là nền tảng ban đầu, vừa là bài học kinh nghiệm để có thể triển khai các dự án khác một cách tốt hơn. Bài học từ các “đại dự án ngàn tỷ nhưng hơn thập kỷ chưa xong” là quá rõ ràng, và bất kỳ một dự án dang dở nào nữa xuất hiện cũng sẽ là một thử thách khủng khiếp đối với niềm tin của nhân dân.

Từ kinh nghiệm triển khai đường trên cao tại Hà Nội thì các đơn vị chức năng của TPHCM cần phải chủ động tìm ra những phương án kết nối cần thiết giữa đường trên cao với các đầu mối giao thông lớn; giữa đường trên cao và các tuyến đường hiện hữu. Đường trên cao chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả khi và chỉ khi các điểm đấu nối được giải phóng nhanh chóng, thuận tiện.

Vẫn còn quá nhiều điều để thảo luận và phản biện về 5 tuyến đường trên cao trước khi thành hình, tuy nhiên, đây sẽ là những cơ sở cần thiết để các dự án quan trọng thực sự phát huy được hiệu quả vả đáp ứng được nhu cầu, mong mỏi của người dân thành phố.

Tags:
Ý kiến của bạn
Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

U80 nhảy hiphop

U80 nhảy hiphop

Hồ Gươm với không gian xanh mát, thoáng đãng giữa trung tâm thủ đô là địa điểm lý tưởng của các đội nhóm khắp nơi tìm về rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.

Nhận diện bức tranh kinh tế những tháng đầu năm

Nhận diện bức tranh kinh tế những tháng đầu năm

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, bất ổn với nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, quý 1-2024, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 5,66%, cao nhất các quý 1 kể từ năm 2020. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế không tránh khỏi những gam màu xám.

// //